Ngân hàng

Đề xuất tăng vốn cho 4 'ông lớn' ngân hàng từ nguồn cổ tức

Tăng vốn được xem là yêu cầu rất cấp bách với các ngân hàng, trong đó có 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Vì vậy, vấn đề này đang được xem xét và sẽ có giải pháp tháo gỡ.

Đề xuất tăng vốn cho 4 'ông lớn' ngân hàng từ nguồn cổ tức

Việc tăng vốn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước là rất cấp bách.

Năm 2019, vấn đề tăng vốn sẽ là áp lực rất lớn đối với các ngân hàng khi Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài với những yêu cầu khắt khe hơn theo chuẩn Basel 2 sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2020.

Vì thế, vào những ngày cuối tháng 4, ĐHCĐ của 3 “ông lớn” ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là: Vietcombank, VietinBank, BIDV đã diễn ra và đều nhấn mạnh tới nhu cầu tăng vốn.

Cụ thể, ĐHCĐ của BIDV đã thống nhất tiếp tục thực hiện tăng vốn theo kế hoạch năm 2018 đã trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng nguồn tăng vốn đều lệ là 9.541 tỷ đồng thông qua việc: phát hành cổ phiếu mới, phát hành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, phát hành cổ phiếu cho người lao động…

Còn tại VietinBank, lãnh đạo ngân hàng này cho rằng, năm 2019, kế hoạch tăng vốn tự có của ngân hàng là nội dung rất cấp bách. Do đó, ĐHCĐ ngân hàng này đã thông qua 2 phương án là chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03% (tương đương 2.990 tỷ đồng) và để lại toàn bộ lợi nhuận (gần 2.997 tỷ đồng) để tăng vốn điều lệ.

Tương tự, HĐQT Vietcombank cũng cho biết sẽ tăng vốn thông qua hai đợt; từ đó vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng lên mức 55.299 tỷ đồng, tương đương tăng 49,1% so với hiện tại. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2019-2020, sau khi thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 4/5, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tăng vốn cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước cũng là vấn đề NHNN rất quan tâm, vì 4 ngân hàng này là kênh chủ lực cho nguồn tín dụng, nhất là những dự án trọng điểm của Nhà nước.

“Trong năm vừa qua 4 ngân hàng thương mại có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh, khoảng 15-16% cho mỗi ngân hàng, nhưng vốn điều lệ thì không được bổ sung kịp thời”, ông Đào Minh Tú xác nhận.

Nói rõ thêm về tình trạng này, đại diện lãnh đạo NHNN cho hay, các ngân hàng thương mại được quản lý dựa trên hệ số an toàn vốn (CAR). Hệ số này được tính trên tổng số vốn điều lệ chia cho tổng số tài sản. Tỷ lệ này luôn luôn phải bảo đảm lớn hơn hoặc bằng mức tối thiểu 9%, mà trong tài sản có chính là nguồn vốn tín dụng, có thể là dư nợ để thực hiện hình thức cho vay của ngân hàng thương mại.

Hiện các ngân hàng thương mại đều đang ở mức xấp xỉ 9%. Vì thế, ông Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để có phương án sớm cho các ngân hàng thương mại nhà nước tăng vốn điều lệ.

“NHNN đề xuất phải sử dụng ngay nguồn cổ tức của các ngân hàng thương mại năm 2018 để tăng vốn điều lệ, thay vì nộp ngân sách. Khả năng tăng vốn càng cao thì hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lên”, Phó Thống đốc NHNN nói.

Trước đó, để thực hiện tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, NHNN đã không ít lần đưa ra kiến nghị sử dụng ngân sách để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại nhà nước. Bởi hiện nay, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các đoàn làm việc của các tổ chức quốc tế rất rất quan tâm đến vấn đề tăng vốn của 4 ngân hàng này. Nhưng khó khăn ở chỗ nghị quyết của Quốc hội quy định không sử dụng ngân sách để cấp vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước, và nội dung bổ sung vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước cũng không có trong danh mục đầu tư công trung hạn.

Tin mới lên