Tài chính tiêu dùng

Deloitte: Mô hình đa kênh ‘chắp cánh’ cho ngành bán lẻ Việt Nam

(VNF) - Bán lẻ đa kênh là một xu hướng nổi bật, bùng nổ trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và hứa hẹn sẽ trở thành tương lai của lĩnh vực bán lẻ Việt Nam, theo Báo cáo ngành bán lẻ Việt Nam 2022 bởi Deloitte.

Deloitte: Mô hình đa kênh ‘chắp cánh’ cho ngành bán lẻ Việt Nam

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người Việt.

Thực trạng ngành bán lẻ Việt Nam

Ngày 5/10, công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam cho ra mắt báo cáo với chủ đề: Ngành bán lẻ tại Việt Nam: Mô hình đa kênh (Omnichannel) “cất cánh”.

Báo cáo đánh giá chung về ngành bán lẻ tại Việt Nam năm 2022, trong đó chỉ ra một số xu hướng chuyển đổi trong ngành bán lẻ tại Việt Nam, và những cơ hội cho các nhà bán lẻ để đổi mới và phát triển chiến lược đa kênh.

Theo báo cáo của Deloitte, trong phân khúc bán lẻ không phải hàng tạp hoá, hầu hết các ngạch hàng đều sụt giảm số lượng do người tiêu dùng giảm chi trong thời kỳ đại dịch, chỉ một số ngạch phụ như thiết bị/điện tử, sức khỏe/sắc đẹp có sự tăng trưởng nhanh chóng.

Về trải nghiệm mua sắm, các cửa hàng bán lẻ ở các vị trí độc lập có xu hướng hoạt động tốt hơn so với các cửa hàng nằm trong trung tâm mua sắm.

Đáng chú ý, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại nhiều trung tâm đô thị, bao gồm cả Hà Nội và TP. HCM, đã tăng chóng mặt, đặc biệt với các cửa hàng ở các khu vực đắc địa hay trên các tuyến phố chính.

Trong phân khúc bán lẻ tạp hóa, các nhà bán lẻ tạp hóa truyền thống tiếp tục chiếm phần lớn thị phần. Tuy nhiên, vị thế thống trị đã không còn chắc chắn sau đại dịch, do đó, người tiêu dùng thường mua hàng từ các nhà bán lẻ này đã chuyển sang các kênh bán lẻ tạp hóa khác, chẳng hạn như cửa hàng tiện lợi, siêu thị.

Với sự bùng nổ trong lĩnh vực tạp hóa khi người tiêu dùng chuyển sang thói quen tiêu dùng tại nhà do đại dịch gây ra, điều đáng chú ý là nhiều nhà bán lẻ không phải là cửa hàng tạp hóa cũng bắt đầu thâm nhập vào phân khúc bán lẻ hàng tạp hóa. Chẳng hạn, vào đầu tháng 5/2021, nền tảng thương mại điện tử Tiki đã ra mắt TikiNgon để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng trong danh mục thực phẩm tươi sống.

Theo đánh giá của Deloitte, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong 2 năm liên tiếp, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng vào năm 2022, qua đó tác động tích cực tới lĩnh vực bán lẻ vốn đang trong quá trình chuyển đổi đầy tích cực trong nước.

“Ngôi sao mới nổi” từ đại dịch

Đại dịch kéo đến đã làm thay đổi môi trường cũng như hành vi mua sắm của người dân trong nước, và thông qua quá trình này, mô hình đa kênh, hay còn gọi là Omnichannel, đã dần trở nên phổ biến hơn.

Hầu hết người tiêu dùng Việt Nam ở khu vực thành thị hiện đã quen với hành vi mua hàng đa kênh, không chỉ mua hàng qua các cửa hàng truyền thống và trang web thương hiệu mà còn thông qua nhiều nền tảng nhắn tin của bên thứ ba và các ứng dụng giao đồ ăn, sau khi cân nhắc các yếu tố về thời gian giao hàng, giá cả, khuyến mãi và ưu đãi.

“Trong khoảng thời gian ngắn 2 năm, doanh số bán lẻ không qua cửa hàng đã tăng trưởng và bán lẻ đa kênh ngày càng trở nên phổ biến”, trích báo cáo của Deloitte Việt Nam.

Nhìn chung, mô hình Omnichannel không chỉ mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng, mà cũng giúp các nhà bán lẻ tận dụng sự phát triển kỹ thuật số để tiếp cận các tệp khách hàng mới và tăng cường tương tác với khách hàng.

Ông Vũ Đức Nguyên, Phó Tổng Giám đốc phụ trách ngành hàng tiêu dùng, Deloitte Việt Nam cho biết: “Lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi nhanh chóng trong thời gian tới. Chúng tôi tin rằng, một số thói quen tiêu dùng gắn với mô hình đa kênh Omnichannel sẽ không chỉ là tạm thời, mà sẽ trở thành thói quen lâu dài, khi người tiêu dùng quen với sự tiện lợi mà mô hình này đem lại”.

Những xu hướng mới

Theo đánh giá của Deloitte Việt Nam, có 2 xu hướng sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường bán lẻ, gồm việc sử dụng ví điện tử/ thanh toán không tiền mặt và sự tăng trưởng của thương mại điện tử trong lĩnh vực bán buôn B2B.

Mặc dù tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán được ưa chuộng, nhưng thị trường Việt nam giờ đây đã có rất nhiều phương thức thanh toán số và ví điện tử được dự báo sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Xu hướng này cũng được hỗ trợ bởi một số khuyến khích từ Chính phủ, bao gồm "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, trong đó đặt mục tiêu tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50% vào năm 2025 và trên 80% vào năm 2030.

Ngoài ra, phân khúc thương mại điện tử bán buôn doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) dự kiến sẽ có sự bùng nổ, với thực tế Việt Nam hiện là thị trường thương mại điện tử B2B phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, có thị giá 13,2 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 43% đến năm 2025.

Theo báo cáo của Deloitte Việt Nam, các xu hướng này đều hướng tới sự số hóa lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam, một quá trình số hóa trên diện rộng của toàn bộ chuỗi cung ứng bán lẻ chứ không chỉ giới hạn ở trải nghiệm doanh nghiệp với người tiêu dùng B2C hay từ giao dịch mua sắm đến vận chuyển và thanh toán.

Xem thêm >> UBCKNN: Ứng dụng Finhay, Tikop, Infina tiềm ẩn rủi ro

Tin mới lên