Diễn đàn VNF

Đến 2050 kinh tế Việt Nam vượt Thái Lan, Italia?

Ngay cả với tốc độ thần kỳ, kinh tế Việt Nam cũng rất khó có thể vượt Thái Lan, Canada, Italia.

Đến 2050 kinh tế Việt Nam vượt Thái Lan, Italia?

TS. Lưu Bích Hồ

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ngay cả với tốc độ thần kỳ, kinh tế Việt Nam cũng rất khó có thể vượt Thái Lan, Canada, Italia...

Điều kỳ diệu có xảy ra sau 30 năm nữa?

- Mới đây, báo cáo của hãng kiểm toán PwC dự báo, tới năm 2050, quy mô kinh tế Việt Nam là 3.176 tỷ USD, lọt Top 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, vượt Thái Lan, Canada, Italia...Ông nhận định như thế nào về dự báo này?

TS. Lưu Bích Hồ: Là một hãng kiểm toán toàn cầu, chắc chắn khi dự báo họ cũng có căn cứ khoa học nhất định. Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên gia trong nước, tôi thấy mức dự báo trên là quá cao so với mong muốn của chúng ta. Cách đây hai năm, Báo cáo Việt Nam tới 2035, đưa ra dự báo: Với lộ trình tăng trưởng trên 7%/năm, GDP theo đầu người sẽ đạt xấp xỉ khoảng 22.200 USD, tương đương mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Malaysia năm 2013.

Còn nhớ, trong 10 năm từ 2000-2010, GDP của Việt Nam tăng gấp đôi khi tăng trưởng kinh tế đạt hơn 7%. Với tốc độ thần kỳ này, cứ cho là tới năm 2020, GDP đầu người đạt khoảng 3.000 USD (hiện nay là hơn 2.000 USD) thì tới năm 2050, con số này sẽ đạt tới 24.000 USD, cộng với mức trượt giá nữa giỏi lắm là hơn 30.000 USD.

Vậy là sau hơn 30 năm nữa, GDP của Việt Nam sẽ tăng gấp 15 lần? Đây là mức không tưởng, rất khó có thể đạt được. Mà ngay cả khi đạt được cũng chỉ tương đương với các nước phát triển hiện nay, song vẫn kém những nước top đầu như Singapore, Thụy Sỹ (GDP hiện đang ở mức hơn 40.000 USD).

Cần nói rõ thêm, tính về tăng trưởng kinh tế luôn có sự biến đổi, khi ta tiến kịp các nước phát triển thì lúc đó họ cũng đã tới mốc khác rồi. Do vậy, không thể lấy kết quả thời gian 5-10 năm đã qua để duy trì cho mục tiêu dài hạn, nhất là khi bối cảnh thế giới sắp tới không loại trừ nhiều giá trị, nguyên lý sẽ bị đảo lộn.

Mặt khác, khó có nước nào duy trì mức tăng trưởng cao trong dài hạn. Trung Quốc là một nước đặc biệt khi duy trì tăng trưởng kinh tế từ 9-10% trong 30 năm, song quá trình này đã để lại hậu quả khá nặng nề về tài nguyên môi trường, dân sinh... Hay như Nhật Bản, sau thời gian bật lên thần kỳ, thì gần 10 năm nay, tăng trưởng kinh tế đều ở tình trạng 0-1%.

- Nói như vậy không có nghĩa điều kỳ diệu sẽ không xảy ra. Vậy ngay bây giờ, chúng ta phải làm thế nào để có thể đạt được điều kỳ diệu ấy?

Trước hết vẫn là yếu tố thể chế. Chúng ta cần nền thể chế hiện đại, bao trùm dung hợp mọi yếu tố, giúp tháo cởi giải phóng mọi nguồn lực. Một thể chế nhằm phát triển bền vững gắn kết hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường đem lại chất lượng cho cuộc sống của người dân… Tới nay, chúng ta mới đang trong giai đoạn gây dựng mô hình thể chế này.

Thứ hai, cần tạo thêm các nguồn lực mang lại hiệu quả cao, dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ. Thực tế chỉ số TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp) trong đó yếu tố khoa học công nghệ là chính, mới đang đóng góp cho GDP của chúng ta vào khoảng 25-30%, thậm chí có thời gian chỉ dưới 10%, trong khi ở các nước phát triển chỉ số này ít nhất phải đóng góp trên 50%...

Tuy nhiên, nói gì thì nói, đội ngũ lãnh đạo vẫn là nhân tố quyết định tất cả. Nếu so sánh với giai đoạn 5-10 năm hoặc dài hạn về trước, rõ ràng tới nay chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, song cũng lại nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp khó hoặc chậm giải quyết. Đó là chưa kể những lực cản như tệ nạn quan liêu, tham nhũng; bối cảnh xã hội còn nhiều bất ổn…

Tất nhiên ở trình độ phát triển xã hội nào cũng đều có những vấn nạn của xã hội đó, càng đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo tinh nhuệ, ưu tú, đưa ra những thể chế chính sách sao cho phù hợp.


Khoa học công nghệ và nhân lực trình độ cao là những yếu tố quan trọng quyết địnhsự phát triển kinh tế - Ảnh: Trần Hải

Chính phủ mới đang điều hành "đúng và trúng"

- Quay trở lại mốc hiện tại, có khá nhiều nhận định lạc quan về nền kinh tế trong năm 2017, ông nghĩ sao?

Dù đã đi qua mốc khó khăn năm 2016, tôi không hẳn đã lạc quan với nền kinh tế năm 2017. Vì sao ư? Năm 2016 chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tài chính ngân sách, tăng trưởng thực công nghiệp, việc làm, thiên tai, môi trường... Dù chúng ta đã khắc phục vượt qua song kết quả tăng trưởng đạt dưới chỉ tiêu.

Năm nay, bối cảnh quốc tế khó khăn hơn rất nhiều song trong nước vẫn có thể hy vọng vào nông nghiệp không gặp nhiều sự cố thiên tai, môi trường. Mặt khác, cùng với chỉ đạo đưa công nghệ cao gắn với tái cơ cấu vào lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ cũng tỏ rõ quyết tâm tháo gỡ thủ tục vướng mắc về quyền sở hữu đất đai… Nếu những nội dung này được thực hiện quyết liệt chắc chắn sẽ tạo nên đột phá trong nông nghiệp.

Về công nghiệp, đây mới chính là lĩnh vực tôi lo lắng nhất. Mặc dù chỉ số mua hàng (PMI) có tăng trong đầu năm nhưng không chắc chắn, sức mua vẫn thấp; Cạnh tranh thị trường gay gắt trong và ngoài nước, xuất khẩu tháng đầu năm đã giảm vài chục phần trăm, rất có thể còn tiếp tục giảm.

Không có TPP cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy các DN trong nước nỗ lực thay đổi tư duy chấp nhận những đòi hỏi khắc nghiệt để tham gia vào chuỗi giá trị. Tuy nhiên, hiện sự thay đổi, thích ứng với hoàn cảnh mới của DN Việt Nam nhìn chung vẫn còn kém.

Về yếu tố vĩ mô, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là tài chính, ngân sách, liên quan đến vấn đề này chính là tỷ giá, tiền tệ. Mặc dù trong năm 2016, chúng ta đã kịp dự trữ nguồn ngoại tệ, tỷ giá ổn định song trong tình hình hiện nay nếu cứ níu kéo đồng đô la so với giá trị thực của nó trong thời gian dài cũng không phải là biện pháp hay.

Tóm lại, tôi cho rằng, năm 2017, kinh tế sẽ tăng trưởng khá hơn so với năm 2016, tuy nhiên chúng ta không nên quá lạc quan với chỉ tiêu đạt 6,7% như đã đề ra.

- Nghĩa là năm 2017 còn rất nhiều nút thắt của nền kinh tế cần được tháo gỡ. Ông nhận định như thế nào về hoạt động của Chính phủ mới trong thời gian qua, đặc biệt từ đầu năm tới giờ?

Chúng ta có quyền hy vọng vào hơn 100.000 DN mới thành lập từ năm 2016 sẽ đi vào vận hành trong năm 2017. Với những chính sách vĩ mô, mới đây nhất là Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, chắc chắn sẽ thúc đẩy giải quyết những khó khăn đang tồn tại.

Cũng cần lưu ý, tuy bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, song dự báo những khó khăn chỉ có thể rơi vào những tháng cuối năm 2017, khi những quyết sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump được thực thi. Vì thế, chúng ta cần tranh thủ 5-6 tháng tới làm cho tốt.

Quan trọng nhất, Chính phủ đã rút ra được những bài học từ giai đoạn 2015-2016, cùng với điều hành quyết liệt đúng và trúng vào những trọng điểm như: Cải cách nông nghiệp; Thúc đẩy cổ phần hóa với đề án tổ chức quản lý vốn của DN nhà nước…

Nếu Chính phủ tiếp tục đi theo hướng như hiện nay, đẩy thêm hành động thực tế, tăng sự giám sát của người dân, tăng kỷ cương nội bộ trong bộ máy, chắc chắn sẽ có tác động tốt hơn nữa vào môi trường kinh doanh và làm cho người dân, DN yên tâm hơn khi tham gia vào sự phát triển của đất nước.

Với hướng điều hành trên, vấn đề khó khăn nảy sinh không ít nhưng sẽ được giải quyết dần dần, tình hình sẽ khá lên. Bộ máy mới đang được ghi nhận có sự quyết liệt, kết nối đồng thuận và kỷ cương trong hoạt động.

- Cũng có ý kiến cho rằng, trong thời điểm này, cần hạ lãi suất cho vay, thúc đẩy sản xuất, ông nghĩ sao?

Muốn là một chuyện, thực hiện được hay không lại là chuyện khác. Thời gian qua, đã có lúc lãi suất hạ được một chút song lại phải kéo lên vì nguồn lực ta chưa đủ. Rõ ràng bài học từ 2011-2012 vẫn còn đó, khi ấy chúng ta nóng vội muốn thúc đẩy sản xuất, đạt chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá, ngân hàng đồng loạt tung ra các gói tín dụng ưu đãi. Vì thế, dù lúc này còn khó khăn nhưng vẫn phải giữ được đà ổn định của nền kinh tế.

- Cảm ơn ông!

Tin mới lên