Tài chính quốc tế

Đến hẹn lại lên, EU tiếp tục gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga

(VNF) - Các biện pháp trừng phạt nhằm vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế Nga sẽ tiếp tục có hiệu lực tới giữa năm 2020, theo người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.

Đến hẹn lại lên, EU tiếp tục gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga

EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ năm 2014.

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/12 đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga liên quan tới cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine thêm 6 tháng.

Động thái trên diễn ra một vài ngày sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ Normandy, gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức, diễn ra tại Paris (Pháp) ngày 9/12 vừa qua.

Tại hội nghị, các bên cam kết thực thi đầy đủ và toàn diện lệnh ngừng bắn ở Donbass, ủng hộ phát triển và thực thi một kế hoạch rà phá bom mìn được nâng cấp trên cơ sở các hoạt động rà phá theo quyết định ngày 3/3/2016 của Nhóm tiếp xúc ba bên - gồm Nga, Ukraine và Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).

Ngoài ra, lãnh đạo 4 nước sẽ ủng hộ một thỏa thuận của Nhóm tiếp xúc liên quan đến việc tăng thêm ba khu vực giải giáp, với mục tiêu giải giáp các lực lượng và khí tài ở miền Đông Ukraine vào cuối tháng 3/2020.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đã không đạt được đột phá lớn trong việc giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài 5 năm tại Ukraine.

EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ ngày 31/7/2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine.

Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, nhưng các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga bao gồm: các trừng phạt kinh tế, trừng phạt cá nhân và các trừng phạt liên quan đến Crimea.

Những lệnh trừng phạt này chủ yếu tác động đến các ngân hàng, công ty năng lượng và quốc phòng nước này nhằm phong tỏa xuất khẩu quân sự của Nga sang châu Âu.

Các trừng phạt cũng áp dụng việc cấm vận thương mại vũ khí và xuất khẩu hàng hóa kép cho mục đích quân sự đối với Nga cũng như hạn chế việc Nga tiếp cận với các công nghệ chiến lược nhằm khai thác và sản xuất dầu. Hiện, nhiều biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga.

Thêm vào đó, EU cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể của Nga với lý do "gây tổn hại hoặc nguy hiểm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraine".

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 150 cá nhân và 38 thực thể của Nga nằm trong danh sách này. Và các biện pháp trừng phạt thường xuyên được gia hạn 6 tháng/lần.

Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.

Xem thêm >> Ông Trump 'bắn' tín hiệu lạc quan về thỏa thuận thương mại sát ngày áp thuế Trung Quốc

Tin mới lên