Bất động sản

Đèo Cả đề xuất làm giai đoạn 2 cao tốc TP. HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận

(VNF) - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất đầu tư 2 dự án cao tốc TP. HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2.

Đèo Cả đề xuất làm giai đoạn 2 cao tốc TP. HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận

Nhiều doanh nghiệp đề xuất mở rộng cao tốc TP. HCM – Trung Lương. (Ảnh minh họa)

Theo văn bản của Đèo Cả, lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận là quá lớn do quy mô đầu tư giai đoạn 1 được tính toán từ cách đây hơn 10 năm, đến nay đã mãn tải, không còn phù hợp với tốc độ tăng trưởng lưu lượng phương tiện và nhu cầu của nhân dân, tạo ra hiện tượng "nút thắt cổ chai”, không đảm bảo việc kết nối đồng bộ toàn tuyến ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khi đó cả 2 tuyến đã hoàn thành giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn thiện 8 làn xe nhưng chưa được đầu tư giai đoạn 2. Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đánh giá nếu không đầu tư sớm sẽ gây lãng phí.

Ngoài ra, cao tốc từ TP. HCM - Trung Lương đã không thu phí từ năm 2019 đến nay, dẫn đến thiếu kinh phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng làm cho chất lượng công trình xuống cấp, gây mất an toàn giao thôn,g ảnh hưởng nhu cầu đi lại an toàn cho người dân và đặc biệt gây lãng phí cho ngân sách nhà nước khi để kéo dài nhiều năm không được giải quyết.

Cũng theo văn bản của Đèo Cả, toàn tuyến cao tốc từ TP. HCM về Cần Thơ dài khoảng 90km, hiện nay chỉ có 1 trạm dừng nghỉ, đoạn còn lại dài khoảng 60km chưa bố trí khu vực để các phương tiện dừng kiểm tra kỹ thuật, tiếp nhiên liệu, lực lượng cứu hộ cứu nạn ứng trực dẫn tới việc tiếp cận các vị trí xảy ra các sự cố và cứu hộ các phương tiện hư hỏng không kịp thời, gây ra ùn tắc.

Bên cạnh đó, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp ở cả 2 bên tuyến (khoảng cách trung bình 10km/1 điểm) và chiều rộng dải dừng xe khẩn cấp chỉ 2m nên không khả thi để xe tự chạy tới điểm dừng, phương tiên cứu nạn, cứu hộ không kịp thời xử lý các sự cố ở mọi vị trí theo thời gian quy định...

Trước các bất cập nêu trên, Đèo Cả cho biết đã chủ động làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, TP. HCM, Long An và Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận... để nghiên cứu đưa ra các giải pháp xử lý và thống nhất đề xuất triển khai giai đoạn 2 cao tốc TP. HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận trên cơ sở giải phóng mặt bằng đã được hoàn thành bằng vốn ngân sách nhà nước theo quy mô 8 làn xe.

Cụ thể, đối với dự án cao tốc TP. HCM - Trung Lương giai đoạn 2, Đèo Cả đề xuất Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Long An làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư PPP, hình thức hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ). Đồng thời, nghiên cứu đề xuất cơ chế tổ chức thu phí dự án giai đoạn 1 để tạo nguồn đầu tư giai đoạn 2, đảm bảo hoàn thành trong năm 2025.

Lý do giao UBND tỉnh Long An làm cơ quan có thẩm quyền theo Đèo Cả là vì dự án với chiều dài 39,8km, đi qua 3 địa phương (TP. HCM 1,2km, Long An 28,5km và Tiền Giang 10,1km ) đã được giải phóng mặt bằng cho 8 làn xe cơ giới, trong đó chủ yếu nằm ở địa phận tỉnh Long An.

Việc giao UBND tỉnh Long An làm cơ quan có thẩm quyền sẽ đảm bảo đồng bộ trong việc quản lý đầu tư, vận hành khai thác dự án, phát huy vai trò của địa phương khi được phân cấp, phân quyền.

Tổng mức đầu tư dự kiến theo tính toán của Đèo Cả là 5.355 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước khoảng 2.650 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 406 tỷ đồng và vốn huy động khác là khoảng 2.300 tỷ đồng.

Theo đề xuất của Đèo Cả, trước mắt ngân sách nhà nước sẽ không phải bỏ ra ngay mà sẽ trả chậm trong 10 năm (sau khi thu phí giai đoạn 1), nhà đầu tư sẽ huy động vốn tự có và các nguồn vốn khác để thực hiện.

Đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2, Đèo Cả đề xuất Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo phương thức đối tác công tư PPP, hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); làm việc với nhà đầu tư, các ngân hàng tài trợ vốn giai đoạn 1 tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 hoàn thành trong năm 2025 để đảm bảo khả thi phương án tài chính tổng thể dự án; thống nhất với doanh nghiệp dự án bổ sung trạm dừng nghỉ, kiểm tra kỹ thuật cứu hộ cứu nạn vào danh mục cơ sở vật chất của dự án để đảm bảo khai thác đồng bộ, an toàn, hiệu quả.

Tổng mức đầu tư dự kiến theo đề xuất của Đèo Cả là 9.504 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước khoảng 4.700 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 720 tỷ đồng và vốn huy động khác khoảng 4.084 tỷ đồng.

Cũng trong văn bản, Đèo Cả đề xuất tổ chức mời các bên liên quan gồm: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh, thành phố HCM, Long An, Tiên Giang và các ngân hàng đã hợp vốn tài trợ cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận để thống nhất phương án triển khai như trên.

Đèo Cả cũng đề nghị các ngân hàng đã tài trợ vốn cho giai đoạn 1 dự án Trung Lương - Mỹ Thuận xem xét tiếp tục tài trợ vốn cho giai đoạn 2 của 2 dự án TP. HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận. Phía Đèo Cả xin tài trợ lập đề xuất 2 dự án, bao gồm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi thực hiện dự án.

Trước đó, liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco6) – Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons – Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thuận Việt cũng vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo khả thi dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương theo phương thức PPP.

Theo đó, liên danh Cienco6 - Coteccons - Thuận Việt cam kết tự bỏ chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo khả thi dự án để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Trong trường hợp các báo cáo không được phê duyệt, liên danh Cienco6 - Coteccons - Thuận Việt cam kết chịu mọi phí tổn liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư công trình.

Tin mới lên