Thị trường

‘Đeo mào’ cho Grab: 'Một tư duy quản lý cũ kỹ, lỗi thời và lạc hậu'

(VNF) - Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng Phòng Pháp luật Kinh tế, Viện nhà nước và Pháp luật, khẳng định việc yêu cầu taxi công nghệ phải gắn mào thể hiện sai lầm trong tư duy thiết kế chính sách.

‘Đeo mào’ cho Grab: 'Một tư duy quản lý cũ kỹ, lỗi thời và lạc hậu'

‘Đeo mào’ cho Grab: Một tư duy quản lý cũ kỹ, lỗi thời và lạc hậu

Trong bản dự thảo sửa đổi Nghị định 86 lần thứ 8 vừa trình Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục giữ quan điểm sẽ quản lý xe hợp đồng (Grab, Go-viet, Be…) như xe taxi, theo đó yêu cầu xe hợp đồng hay xe taxi tới đây đều phải có phù hiệu “xe taxi” dán cố định, đặc biệt có hộp đèn với chữ “TAXI”, “XE HỢP ĐỒNG” gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 12 x 30 cm.

- Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Như chúng ta đã biết,  Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ Dự thảo lần 8 Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Tại Dự thảo lần này, Bộ Giao thông vận tải vẫn bảo lưu quan điểm yêu cầu taxi công nghệ phải đeo mào.

Đáng buồn bởi dù trải qua hơn 3 năm lấy ý kiến với hàng chục hội nghị, hàng trăm văn bản góp ý nhưng với loại hình kinh doanh kiểu mới như Uber, Grab..., cơ quan soạn thảo có xu hướng quản lý theo kiểu lấy chuẩn mực cũ để áp dụng cái mới, với cách tiếp cận chi phối là chỉ được kinh doanh những gì pháp luật quy định.

Không chỉ vậy, trong trường hợp này “chiếc mào” của taxi trong trường hợp này thể hiện một tư duy quản lý cũ kỹ, lỗi thời và lạc hậu của người làm chính sách. Trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão hiện nay, các nhà làm luật cần chấm dứt tư duy quản lý này.

Tôi không bình luận về việc gọi tên taxi công nghệ như thế nào nhưng rõ ràng, thân phận nhà cung ứng dịch vụ (Uber-Grab-BE-GoViet) và thân phận của anh môi giới (các lái xe của các hãng xe công nghệ) phải là khác nhau. Việc đánh đồng như vậy sẽ rất khó cho công tác quản lý.

Tôi không hiểu việc đeo mào cho taxi sẽ có tác dụng gì khi mà chỉ cần nhìn vào “app” là người dùng có thể biết được chiếc xe cách minh bao nhiêu km, ai là lái xe, đó là chiếc xe nào?

Ai cũng biết các mô hình kinh doanh dựa trên ứng dụng nền tảng không chỉ thách thức phương thức kinh doanh truyền thống mà còn thách thức cả công tác quản lý nhà nước nhưng tại sao dự thảo lần này không tiếp cận theo hướng cởi bỏ hoàn toàn điều kiện kinh doanh cho taxi truyền thống mà lại “ghè thêm đá” cho taxi công nghệ?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương

- Vậy việc “ép” Grab vào mô hình của một doanh nghiệp vận tải, trở về đúng bản chất của mô hình taxi truyền thống sẽ tạo nên những tác động như thế nào?

Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh quan điểm của mình, Grab chỉ là hiện tượng của một xu thế. Điều mà Grab mà lại không chỉ đơn thuần là một doanh nghiệp kết nối mà là một xu hướng kinh doanh hiển hình dựa trên các giao dịch nền tảng, xu hướng kinh doanh thời 4.0. Xu hướng này sẽ đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế nói chung và khiến người tiêu dùng được hưởng dịch vụ giá rẻ.

Do đó, việc “ép” Grab vào mô hình của một doanh nghiệp vận tải, trở về đúng bản chất của mô hình taxi truyền thống chẳng những cản trở tự do, sáng tạo của người dân mà còn không thể đáp ứng được nhu cầu quản lý nhà nước.

Chúng ta luôn lấy lý do đảm bảo an toàn cho người dùng để “siết” chặt taxi công nghệ trong khi có quá nhiều cách đảm bảo an toàn cho người dùng mà không cần đến các điều kiện kinh doanh để siết chặt.

Đồng thời, việc này cũng làm cho cơ hội đi xe giá rẻ của người dân không còn nữa. Tiếp theo đó, về phía doanh nghiệp, việc phải tuân thủ thêm các điều kiện kinh doanh sẽ khiến họ phát sinh thêm chi phí. Cuối cùng, mọi chi phí đó lại đổ lên người tiêu dùng.

Điểm đặc biệt của Grab chính là phương thức tính giá cước hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường thông qua phần mềm điện tử. Điều này thể hiện rất rõ khi vào giờ cao điểm, cầu vượt quá cao so với cung, giá cước Grab đẩy lên cao. Mỗi lần như vậy, lại có một số luồng ý kiến cho rằng Grab độc quyền tăng giá, nhưng thực chất là taxi truyền thống cũng có đáp ứng được hết nhu cầu của thị trường đâu. Linh hoạt giá cước theo cung-cầu là nguyên lý của kinh tế thị trường.

- Vậy, phải làm thế nào để quản lý các loại hình kinh tế mới này, thưa ông?

Điểm nghẽn đầu tiên cần phải tháo bỏ trong việc quản lý các loại hình kinh tế này là điểm nghẽn của tư duy. Chúng ta đang lấy một tư duy cũ để “gò ép” và quản lý một loại hình kinh doanh mới thì làm sao có thể quản được?

Kinh tế chia sẻ đang phát triển trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, du lịch, vận tải hàng hóa… chúng ta có thể cản được sự phát triển của Grab hôm nay chứ có thể ngăn cản được một xu hướng trong tương lai không? Tôi cho rằng không thể.

Như tôi đã nhấn mạnh, Grab đã tạo ra một xu thế về kinh tế nền tảng và mở đường cho cách thức tiếp cận kinh tế chia sẻ rồi nâng tầm kinh tế chia sẻ lên. Sự lúng túng của các nước, không riêng gì Việt Nam, chủ yếu là sự tác động của nó đến những hoạt động tương tự, gần giống với những ngành nghề truyền thống khác. Chẳng hạn, ngành vận tải truyền thống sẽ bị mất đi một lượng khách hàng đáng kể bởi các nền tảng như Uber và họ phản ứng dữ dội ở cấp độ toàn cầu.

Người ta có thể gọi kinh tế chia sẻ bằng nhiều cái tên khác nhau và cũng có cách hiểu không giống nhau, tùy bối cảnh. Truyền thông trong và ngoài nước cũng đôi khi làm người ta thấy khó phân biệt. Theo tôi, chúng ta đã không phân biệt rõ kinh tế chia sẻ - các hoạt động của người tiêu dùng với kinh tế nền tảng – hoạt động chuyên nghiệp của các thực thể trung gian. Nếu tách ra, sẽ thấy chúng dễ xử lý hơn.

Thêm vào đó, đã đến lúc các nhà chính sách phải thừa nhận sự phát triển của kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng tại Việt Nam. Đồng thời, chúng ta phải phân biệt rõ ràng kinh tế chia sẻ - các hoạt động của người lái xe với kinh tế nền tảng – hoạt động chuyên nghiệp của các thực thể trung gian. Nếu tách ra, sẽ thấy việc định danh, hay việc thiết kế chính sách cho các loại hình kinh tế này dễ dàng hơn.

- Về lâu dài, từ góc nhìn của người làm nghề luật, ông có cho rằng Việt Nam cần một đạo luật riêng để quản lý các loại hình kinh tế nền tảng, mà Uber-Grab là chỉ là hiện tượng của một xu thế không, thưa ông?

Tôi nghĩ không cần một đạo luật riêng nào cho các loại hình kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng nào cả. Chúng ta chỉ cần định danh các hoạt động cho đúng, tuyệt đối không dùng các khái niệm cũ để gọi tên những dịch vụ mới, không dùng tư duy cũ kỹ, lạc hậu để quản lý cái mới.

Ngoài ra, cần nhất quán nguyên tắc doanh nghiệp, người dân được làm những gì luật không cấm.

Không nên ra thêm luật, vì thêm luật là thêm nguy cơ cơ chế xin-cho.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tin mới lên