Thị trường

Dệt may khốn đốn: Đơn hàng giá trị cao không có, khẩu trang, đồ bảo hộ lại mất giá mạnh

(VNF) - Ngành dệt may Việt Nam đang trong tình cảnh hết sức khó khăn và có triển vọng u ám trong 2 quý cuối năm 2020.

Dệt may khốn đốn: Đơn hàng giá trị cao không có, khẩu trang, đồ bảo hộ lại mất giá mạnh

Dệt may khốn đốn: Đơn hàng giá trị cao không có, khẩu trang, đồ bảo hộ lại mất giá mạnh

Theo Bộ Công Thương, sản xuất dệt trong tháng 7/2020 tăng 7% so với tháng 6, tính chung 7 tháng đầu năm tăng 1,8%.

Sản xuất trang phục tháng 7 tăng 13,2% so với tháng trước, nhưng tính chung 7 tháng vẫn giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Có thể nói do ảnh hưởng của dịch Covid, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 7 tháng ước đạt 16,18 tỷ USD, giảm 12,1%; vải mạnh, vải kỹ thuật khác giảm 40%; xơ, sợi dệt các loại giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm cho các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp.

Trong khi đó, mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là "cứu tinh" cho nhiều doanh nghiệp may trong quý II thì hiện tại giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.

Tập đoàn Dệt may (Vinatex) dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm khoảng từ 14% - 18% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 dự báo đạt khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Theo Bộ Công Thương, nửa cuối năm 2020, doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

Song song với đó, doanh nghiệp dệt may cần tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập.

Câu chuyện của ngành dệt may là điển hình cho sự khó khăn của sản xuất công nghiệp trong 7 tháng qua. Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) chỉ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất xe có động cơ giảm 15,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,3%; sản xuất đồ uống giảm 6,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 6,1%; sản xuất trang phục giảm 4,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 4,2%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như: ô tô giảm 22,3%; bia giảm 14,9%; dầu thô khai thác giảm 13,4%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 10,3%; sắt thép thô giảm 9,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 8,8%; xe máy giảm 7,7%; quần áo mặc thường giảm 7,1%; điện thoại di động giảm 6,3%; khí hóa lỏng LPG giảm 5,4%; thép cán giảm 4,9%; alumin tăng 1,2%; điện sản xuất tăng 2%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 2,9%.

Với riêng ngành sản xuất xe có động cơ, điều an ủi là từ cuối tháng 6/2020, với sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các chính sách giảm thuế, phí, thị trường ô tô trong nước bắt đầu tăng trưởng.

Theo số liệu công bố của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tháng 6/2020, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe VAMA đã tiêu thụ được tổng số 24.002 xe, tăng 26% so với tháng trước.

Trong tháng 6, cả 3 dòng xe du lịch, thương mại và xe chuyên dụng đều có mức tăng trưởng. Điều đó cho thấy dấu hiệu tích cực của thị trường ô tô đang trên đà hồi phục sau những tháng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Lũy kế 7 tháng, sản lượng sản xuất ước đạt 17,9 nghìn chiếc, tăng 3,3% so với tháng trước...

Tin mới lên