Ngân hàng

ĐHCĐ BIDV: Động lực tăng trưởng lợi nhuận đến từ thu nợ ngoại bảng và giảm dự phòng

(VNF) - Năm 2022, BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận tăng gấp rưỡi năm 2021. Bên cạnh đó, BIDV dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12% và bán 9% vốn điều lệ thông qua phương thức phát hành thêm cổ phần bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

ĐHCĐ BIDV: Động lực tăng trưởng lợi nhuận đến từ thu nợ ngoại bảng và giảm dự phòng

ĐHCĐ BIDV: Động lực tăng trưởng lợi nhuận đến từ thu nợ ngoại bảng và giảm dự phòng

Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) cho biết quý I năm nay, số dư huy động vốn của ngân hàng tăng 1,3%, dư nợ tín dụng tăng 4,7%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,8%. Lợi nhuận hợp nhất ở mức hơn 4.500 tỷ đồng, thực hiện khoảng 22% kế hoạch cả năm.

Ông Lâm cho biết việc thu nợ ngoại bảng thường diễn ra trong quý III và quý IV và đóng góp vào kết quả kinh doanh của ngân hàng.

Theo tiết lộ của ban lãnh đạo BIDV, dự kiến nguồn thu nợ ngoại bảng năm nay có thể lên đến 8.000-9.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mức trích lập dự phòng năm nay sẽ vào khoảng 23.000 tỷ đồng (thấp hơn nhiều mức 29.000 tỷ đồng của năm 2021), trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng rất thấp và tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao.

Tại đại hội, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú khẳng định kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 20.600 tỷ đồng trong năm nay là chắc chắn sẽ đạt được.

Chia sẻ thêm về kế hoạch bán 9% vốn điều lệ, ông Tú cho biết ban lãnh đạo BIDV sẽ "làm cho được" trong năm 2022 - 2023. Mức giá bán sẽ theo quy định của Nhà nước và thị trường.

Chủ tịch BIDV cho hay hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng hiện ở mức khoảng 8,6%, thấp hơn nhiều các ngân hàng tư nhân. Nếu tăng vốn thành công, CAR của BIDV có thể tăng lên trên 9%. Tuy nhiên, đây vẫn là con số thấp. Ông Tú cho biết mục tiêu đến năm 2027, CAR của BIDV phải ở mức trên 12%.

Liên quan đến mảng kinh doanh bảo hiểm, Chủ tịch Phan Đức Tú cho biết sắp tới sẽ bàn lại tỷ lệ sở hữu tại công ty BIDV MetLife với đối tác.

* * *

Trước đó, theo báo cáo của HĐQT BIDV, trong giai đoạn 2022 - 2025, ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng bình quân tổng tài sản 8-12%/năm, dư nợ tín dụng tăng 8-12,5%/năm, huy động vốn tăng 8-13%/năm, lợi nhuận trước thuế tăng 19-26%/năm, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 12,5% trong cả giai đoạn.

Riêng với năm 2022, ban điều hành BIDV dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 20.600 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2021.

Để thực hiện được mục tiêu trên, ban điều hành BIDV cho biết sẽ ưu tiên tăng trưởng tín dụng trung dài hạn, cho vay ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tập trung đẩy mạnh tín dụng bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), FDI, giảm dần mức độ tập trung vào khách hàng doanh nghiệp lớn, phát triển chọn lọc khách hàng có tổng hòa lợi ích lớn. 

Cùng với đó, tiếp tục cơ cấu lại nguồn vốn huy động theo kỳ hạn, loại tiền, đối tượng khách hàng nhằm tiết giảm chi phí huy động vốn, gia tăng quy mô phát hành giấy tờ có giá với chi phí thấp; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng trên cơ sở theo dõi sát tình hình thực hiện chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Song song, thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghệ thông tin (CNTT) trọng điểm, phấn đấu tăng trưởng thu dịch vụ ngân hàng số đạt trên 40% trong năm 2022. 

Đặc biệt, tập trung triển khai các phương án tăng vốn điều lệ, vốn tự có nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR).

Một trong những điếm nhấn tại đại hội lần này là tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ năm 2022. Theo đó, số vốn điều lệ dự kiến tăng thêm 10.623 tỷ đồng, tương ứng tăng 21%, thông qua 2 phương thức.

Thứ nhất là phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 (tỷ lệ 12%), giúp vốn điều lệ tăng thêm 6.070,23 tỷ đồng. Việc chia cổ tức dự kiến được thực hiện trong quý III-IV/2022, trên cơ sở phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền

Thứ hai là tăng vốn từ phát hành thêm cổ phần bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (dự kiến 9% vốn điều lệ tại 31/12/2021), tương đương 4.552,67 tỷ đồng. Thương vụ dự kiến trong giai đoạn 2022-2023, thời điểm cụ thể giao/ủy quyền cho HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Từ khoá: ĐHCĐ BIDV, BIDV,
Tin mới lên