Tài chính

ĐHCĐ GTNfoods: Ban lãnh đạo muốn chuyển sàn HoSE đối với Vilico sau sáp nhập

(VNF) - Thương vụ sáp nhập GTNfoods vào Vilico dự kiến được tiến hành vào tháng 7-8 tới đây.

ĐHCĐ thường niên của Công ty ty Cổ phần GTNfoods (HoSE: GTN) đã diễn ra vào sáng nay (19/3) theo phương thức trực tuyến.

Một trong những nội dung quan trọng được đại hội thông qua là phương án sáp nhập vào Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, UPCoM: VLC).

Theo đó, GTNfoods sẽ sáp nhập vào Vilico với tỷ lệ 1,6:1, tức là cổ đông sở hữu 16 cổ phiếu GTN vào ngày chốt quyền sẽ hoán đổi thành 10 cổ phiếu VLC.

Vilico sẽ phát hành 156,3 triệu cổ phiếu mới để hoán đổi với 250 triệu cổ phiếu hiện có của GTNfoods. Dự kiến, vốn điều lệ của Vilico sẽ tăng từ 631 tỷ đồng hiện tại lên 1.723 tỷ đồng (sau khi trừ đi 47 triệu cổ phiếu Vilico do GTNfoods nắm giữ trước khi sáp nhập). Các cổ đông khác của Vilico sẽ bị pha loãng do tỷ lệ sở hữu của họ tại Vilico sẽ giảm từ 25,5% xuống chỉ còn 9,3% sau sáp nhập.

Sau khi hoàn tất, GTNfoods sẽ hủy niêm yết trên HoSE.

Chia sẻ về vấn đề sáp nhập, bà Mai Kiều Liên, chủ tịch HĐQT GTNfoods cho biết mục đích của phương án này nhằm đơn giản hóa cấu trúc doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí khai thác và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả hơn.

Về GTNfoods, ngoài những hoạt động đóng góp chính từ phía Vilico thì các hoạt động riêng của đơn vị này hầu như không hiệu quả.

Hiện GTNfoods đang là công ty mẹ của Vilico, tuy nhiên theo ban lãnh đạo GTNfoods, việc sáp nhập công ty mẹ vào công ty con hay ngược lại là không quan trọng.

Bản thân Vilico là doanh nghiệp lớn và lâu đời, có tên tuổi trong ngành chăn nuôi Việt Nam cùng một số lợi thế khác, còn GTNfoods hoạt động theo mô hình holdings, hơn nữa là cái tên mới ở thương trường trong vài năm gần đây nên việc sáp nhập GTNfoods vào Vilico được cho là phù hợp hơn, theo như chia sẻ của ban lãnh đạo GTNfoods trong cuộc họp ĐHCĐ.

Sau sáp nhập, Vilico định hướng trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực ngành chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt tại Việt Nam. Doanh nghiệp đánh giá quy mô thị trường thịt Việt Nam khoảng 10 tỷ USD (trong đó mặt hàng trâu/bò là hơn 2 tỷ USD). Xu hướng tăng trưởng thịt trâu/bò 6-7%/năm, gấp đôi thịt heo, gà...

Cũng về vấn đề M&A, đại diện Vinamilk cho biết trong vòng 5 hay 10 năm tới thì công ty dự kiến không có thêm thương vụ sáp nhập nào nữa.

Trả lời cổ đông về việc chuyển sàn đối với cổ phiếu VLC của Vilico, từ UPCoM sang HoSE, bà Mai Kiều Liên bày tỏ mong muốn của ban lãnh đạo là doanh nghiệp nào đang giao dịch ở UPCoM sẽ chuyển sang HoSE để minh bạch thông tin hơn.

Theo bà Mai Kiều Liên, cả Vilico và Mộc Châu Milk đều sẽ chuyển niêm yết sang HoSE sau khi chuẩn bị đủ các điều kiện theo quy định.

Tin mới lên