Ngân hàng

ĐHCĐ MSB: Đối tác Nhật xem xét lại thương vụ mua FCCOM

(VNF) - Ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều do dịch Covid-19, các đối tác nước ngoài đã xem xét lại thương vụ mua FCCOM.

ĐHCĐ MSB: Đối tác Nhật xem xét lại thương vụ mua FCCOM

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB.

Ngày 25/4, MSB đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2022, thông qua toàn bộ nội dung mà ban lãnh đạo trình tại tài liệu đại hội.

Cụ thể, cổ đông của MSB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 6.800 tỷ đồng, tăng gần 34% so với năm 2021, tổng tài sản đạt 233.000 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với năm trước.

Tăng trưởng tín dụng được ngân hàng kỳ vọng ở mức 25% (tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước). Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì ở mức dưới 3%.

Đại hội cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điệu lệ thêm 30% bằng việc phát hành cổ phiếu, mức vốn mục tiêu là 19.857,5 tỷ đồng. Cùng với đó, MSB cũng sẽ phát hành 14,25 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), đưa mức vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng.

Tiết lộ tại phiên họp thường niên năm 2022, ban lãnh đạo MSB cho biết thương vụ chuyển nhượng Công ty TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) sẽ mang về cho ngân hàng này khoảng 2.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn tất trong năm nay.

Tuy nhiên, do tác động của đại dich Covid-19, thị trường cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tại Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ dẫn đến phát sinh nhiều khoản nợ quá hạn, đối tác Nhật Bản đã xem xét lại thương vụ mua FCCOM.

MSB cho biết ngân hàng đang tiếp xúc với 2 đối tác nước ngoài khác về thương vụ này và giá trị thu về không khác nhiều so với con số dự kiến.

Kế hoạch thoái vốn khỏi FCCOM dự kiến được thực hiện theo một trong hai phương án: hoặc chuyển nhượng một phần vốn, cùng hợp tác đường dài với đối tác chiến lược, hoặc chuyển nhượng 100% vốn để ngân hàng tập trung toàn bộ nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính.

Về vấn đề hợp vốn với FCCOM, lãnh đạo MSB cho biết trong năm FCCOM được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thêm các hoạt động khác, chiếm 30% tổng dư nợ. Các hoạt động cho vay ngoài tiêu dùng của FCCOM phải được MSB giám sát và quản trị rủi ro, dẫn đến phần hợp tác trên.

Liên quan đến 2 cái tên nóng trong thời gian gần đây là FLC và Tân Hoàng Minh, ban lãnh đạo MSB cho biết ngân hàng không có bất kỳ dư nợ nào đối với 2 đơn vị này, tính đến thời điểm hiện tại.

ĐHCĐ của MSB cũng thông qua các nội dung về vấn đề nhân sự. Cụ thể, số lượng thành viên HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2022-2026 là 7 thành viên, bao gồm ông Trần Anh Tuấn, ông Nguyễn Hoàng An, bà Nguyễn Thị Thiên Hương, ông Trần Xuân Quảng, ông Nguyễn Hoàng Linh, bà Lê Thị Liên và ông Tạ Ngọc Đa (thành viên độc lập).

Ban Kiểm soát gồm 3 thành viên là bà Phạm Thị Thành, bà Lê Thanh Hà và bà Chu Thị Đàm.

Tin mới lên