Ngân hàng

'Đi đêm' trong ngân hàng và những giọt nước mắt muộn màng

Giữa khoảng tranh sáng – tối, giữa lựa chọn vì phục vụ khách hàng và thượng tôn pháp luật, giữa những cạnh tranh và áp lực doanh số,… không phải tổ chức, cá nhân nào cũng đặt pháp luật lên trên hết.

'Đi đêm' trong ngân hàng và những giọt nước mắt muộn màng

Ảnh minh họa.

Khi bàn tay hữu hình điều tiết vận động thị trường

Những năm 2008-2011, mặt bằng lãi suất bị đẩy lên rất cao. Bài toán chống lạm phát buộc NHNN đưa chính sách về lãi suất trần để khống chế, hạ nhiệt sức nóng trên thị trường tiền tệ bằng việc ban hành Thông tư 02/2011. 

Nửa năm sau khi ban hành, vào tháng 9/2011, NHNN tiếp tục ban hành Chỉ thị 02 chấn chỉnh việc thực hiện Thông tư 02 khi có tình trạng "hầu hết tổ chức tín dụng đã thực hiện lãi suất huy động cao hơn mức lãi suất quy định".

Vi phạm Thông tư 02 dù đã có nhắc nhở từ Chỉ thị 02 là những căn cứ mà Viện Kiểm sát tối cao đưa ra để khép tội các bị cáo vi phạm pháp luật trong vụ đại án kinh tế OceanBank đang được Tòa phúc thẩm xét xử trong những ngày qua và sẽ tuyên án và chiều 4/5 này.

Với tội danh Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng cộng đã có hơn 40 bị cáo bị quy buộc gồm bị cáo Hà Văn Thắm, nhóm bị cáo lãnh đạo Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu, nhóm bị cáo Giám đốc khối và nhóm 34 Giám đốc Chi nhánh, phòng giao dịch.

Đã có những trường hợp vi phạm Thông tư 02 trước đây, từng có lãnh đạo nhà băng bị cắt chức, có ngân hàng bị xử phạt nhưng với án hình sự thì OceanBank là trường hợp đầu tiên. Theo lập luận của Viện Kiểm sát cấp cao, dù chỉ là người làm công ăn lương nhưng các bị cáo cần nhận thức được quy định pháp luật. 

Các bị cáo được xác định là người biết vi phạm nhưng vẫn làm, không cản trở. Đồng thời, hậu quả vụ án gây ra là nghiêm trọng bởi bản án sơ thẩm xác định số tiền chi lãi ngoài qua các năm cũng chính là thiệt hại của OceanBank (1.576 tỷ đồng).

Vị đại diện Viện Kiểm sát khẳng định án hình sự là không oan. Ông cũng nói nếu Thông tư 02 này là sai thì trách nhiệm thuộc về người ban hành Thông tư. Nhưng một chính sách hãm lại sức nóng của lãi suất là cần thiết thời điểm đó.

Trước bối cảnh người người nói về lạm phát về lãi suất thực âm, mong muốn của các khách hàng gửi tiền về một mức lãi suất có lợi hơn là thực tế. Nhu cầu ấy có thể được đáp ứng bởi ngân hàng cũng đang cho vay ra với lãi suất cao hơn. Ngân hàng vẫn có lợi. Sự vận động của thị trường như thế thuận theo bàn tay vô hình. Nhưng chính sách của NHNN là bàn tay hữu hình. Sự tham gia của một bàn tay hữu hình là chính sách để can thiệp, điều tiết thị trường là cần thiết nếu muốn thị trường nhanh chóng cân bằng về mức hợp lý.

Giữa khoảng tranh sáng – tối, giữa lựa chọn vì phục vụ khách hàng và thượng tôn pháp luật, giữa những cạnh tranh và việc cho rằng ngoài kia ai cũng làm như vậy…, không phải tổ chức, cá nhân nào cũng đặt pháp luật lên trên hết. Có những trường hợp sẽ lựa chọn đặt khách hàng lên trên, chấp nhận "đi đêm", lách luật.

Bài toán lựa chọn trên không chỉ xuất hiện ở bối cảnh 2012, và có lẽ cũng không phải câu chuyện riêng ngành ngân hàng.

"Đến nay, vào tháng 4/2018 này, có ngân hàng nào dám khẳng định nào không vi phạm khi có chính sách 0% cho huy động số tiết kiệm USD. Ngân hàng có tặng chi khách hàng thêm một cái kẹo cũng là vi phạm", bà Đỗ Đại Khôi Trang - nguyên Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân đồng thời cũng là một trong các bị cáo trong đại án OceanBank nhấn mạnh nội dung này trong lời nói sau cùng của mình.

Mức giới hạn 0% đối với lãi suất huy động USD là một trong các quy định của NHNN nhằm mục tiêu hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế nhưng lại đang làm giảm đi lợi ích của người gửi tiền bằng USD. Đơn cử như nếu gửi bằng đồng EUR cùng kỳ hạn 1 tháng thì lãi suất mà Vietcombank đang áp dụng là 0,3%, còn gửi bằng đồng USD là 0%. 

Chưa kể tỷ giá EUR/VND tăng, người gửi tiền bằng EUR hay VND năm qua lợi hơn USD nhiều nhưng xuất nhập khẩu hiện nay vẫn phụ thuộc chính vào đồng USD. Không cộng thêm lãi suất cho người gửi USD nhưng có những ngân hàng ưu tiên cho khách hàng bằng cách cho vay tiền đồng với lãi suất thấp hơn nhiều thông thường.

Mọi lý lẽ qua đi, chỉ còn lại những ký ức và sự hối hận muộn màng

Trả lời phỏng vấn một tờ báo lớn hồi năm 2015 khi những thông tin điều tra về vụ án OceanBank, tư lệnh ngành ngân hàng lúc bấy giờ - nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng cho biết nếu huy động, cho vay vượt trần quy định, và sự chênh lệch lãi suất ấy làm lợi cho ngân hàng, tức ngân hàng hưởng, thì đã là sai phạm kinh tế. Còn nếu sự chênh lệch lại vào túi cá nhân nào đó, tổ chức nào đó, thì vấn đề đã thuộc phạm trù khác.

Khi bức màn vụ án mở ra qua 40 ngày xét xử. Thông tư 02 theo lời bị cáo Khôi Trang trở thành chính sách nghiệt ngã khi vì nó mà nhiều lãnh đạo ngân hàng vướng vòng lao lý.

"Những bị cáo không phải vì đồng lương của mình để phải đi huy động vượt trần lãi suất rồi vi phạm thông tư mà vì hơn 3.000 cuộc sống của nhân viên cấp dưới phụ thuộc vào họ và họ buộc phải làm việc đó", bị cáo Khôi Trang nói.

Đã có nhiều giọt nước mắt, nhiều sự tiếc nuối hối hận. Bà Vũ Thị Thùy Dương - nguyên Giám đốc Ban kế toán và Giao dịch trong nước cho rằng bản thân không biết việc làm gây hậu quả nghiêm trọng đến vậy. Hành vi của bà là vô tình đồng phạm giúp sức mà không phải cố ý. Bản thân bà đã nhận bài học vô cùng lớn lao.

Nhưng sau tất cả, mọi lý lẽ đều trở nên mờ nhạt, các lý do chỉ còn là những điều biện minh, sự hối tiếc đã thành muộn màng.

Giãi bày trước tòa trong phần lời nói cuối, bà Nguyễn Hoài Nam, nguyên Giám đốc khối Nguồn vốn cho biết đến hiện tại chỉ còn ký ức của ba năm vừa rồi mà theo bà là những ký ức khủng khiếp và đau xót và chua chát cho các bị cáo. Bởi sau một ngày tất cả các đồng nghiệp, anh chị người bị tạm giam, nhận án tù, gia đình ly tán, ngân hàng bị mua 0 đồng; những người theo ngân hàng từ khi còn là ngân hàng nông thôn trở thành những người bị quy tội làm trái và làm hại cho ngân hàng…

Ngân hàng nói riêng, tài chính nói chung là một ngành đặc biệt. Bởi khi đứng giữa tiền là nhiều cám dỗ. Như chia sẻ của vị Chủ tịch của một công ty chứng khoán lớn của Việt Nam, tài chính là ngành có nhiều cơ hội để trục lợi nhưng cũng chính vì vậy nên cũng nhiều rủi ro.

"Khi làm được một lần mình sẽ nghĩ mọi chuyện đơn giản, tiền bạc làm mờ mắt và một phần thấy đã trót lọt kiếm lời, không còn thấy vượt rào là rủi ro thì việc vi phạm sẽ là việc làm hàng ngày. Khi vi phạm là việc hàng ngày thì có nghĩa là việc đứng trước vành móng ngựa chỉ còn là chuyện may rủi hay thời điểm".

"Vì vậy, chỉ có pháp luật mới giúp được mình. Không ai yêu mình bằng chính mình, không ai bảo vệ mình bằng chính mình", vị Chủ tịch này nhấn mạnh.

Tin mới lên