Bất động sản

Di dời cảng trên sông Sài Gòn: Lộ diện những mảnh đất vàng

(VNF) - Chưa đầy hai năm kể từ ngày di dời một số cảng trên sông Sài Gòn, diện mạo kiến trúc đô thị khu bờ Tây sông Sài Gòn đã thay đổi chóng mặt. Trên những nền đất cảng cũ, nhiều tòa nhà chọc trời đã mọc lên sừng sững tại Tân Cảng, Ba Son... và sắp tới là Tân Thuận.

Di dời cảng trên sông Sài Gòn: Lộ diện những mảnh đất vàng

Nhiều dự án đang hình thành tại bờ Tây sông Sài Gòn sẽ là biểu tượng mới của Tp. HCM trong tương lai

Hiện tại, dọc bờ Tây sông Sài Gòn (tính từ chân cầu Sài Gòn đến cảng Tân Thuận) đã dần hình thành những cụm cao ốc trên nền cảng sông ngày xưa. Ví dụ, đầu cầu Thủ Thiêm 1, phía bờ Tây đã đón làn sóng đầu tư bằng những siêu dự án như Vinhomes Central Park (trên nền Tân Cảng), Saigon Pearl.

Tiếp đó, sau khi cầu Thủ Thiêm 2 được đề xuất thì dự án Vinhomes Golden River (trên nền xưởng đóng tàu Ba Son) cũng nhanh chóng được đầu tư. Đến nay, khi thông tin về cầu Thủ Thiêm 3, 4 được đề xuất xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP) thì những miếng đất vàng còn sót lại đang có cơ hội trở thành những đô thị hiện đại trong tương lai.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, một khu bến cảng thuộc quận 4 do có hệ thống cầu cảng được đầu tư hoàn chỉnh, kết nối giao thông thuận lợi nên khi chuyển đổi, khu đất này trở thành "hàng hot" được nhiều đại gia nhòm ngó. Dự án khu phức hợp tại khu bến cảng này có diện tích mặt đất, mặt nước sử dụng khoảng 31,5 ha. Vị trí và ranh giới khu đất sẽ được xác định chính xác khi được giao đất chính thức.

Dự án có quy mô đầu tư bao gồm khu nhà cao tầng chức năng hỗn hợp với trung tâm thương mại dịch vụ, căn hộ (3.116 căn), biệt thự (32 căn), trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo như phê duyệt.

Còn đối với bến cảng Tân Thuận, dự kiến thành phố sẽ cho di dời trước năm 2020. Theo tìm hiểu của VietnamFinance, sau khi được di dời "trắng", khu vực cảng này sẽ biến thành mảnh đất vàng, có cảnh quan rất đẹp và giao thông thuận lợi. Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng thực hiện đổi đất lấy hạ tầng để có được những mảnh đất vàng này.

Hiện UBND TP. HCM đang nghiên cứu cho phép xây cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhưng thực hiện hợp đồng BT với phương án lựa chọn nhà đầu tư là liên danh gồm một nhóm các công ty xây dựng - bất động sản - phát triển hạ tầng thực hiện dự án, căn cứ theo thẩm quyền được quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.

Theo tính toán của UBND TP. HCM, dự án cầu Thủ Thiêm 4 có chiều dài khoảng 2,2 km, tổng mức đầu tư  5.200 tỷ đồng. Nếu được xây dựng theo hình thức PPP (thực hiện hợp đồng BT), quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư dự án gồm: 16 lô nhà đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các quận trung tâm thành phố. Tổng diện tích đất phát triển dự án khoảng 99.904 m2. Hiện tại, dự án vẫn trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu.

Ông Đinh Quang Thanh, chuyên gia giao thông, cho biết việc di dời các cảng trên sông Sài Gòn ra luồng Soài Rạp để đón được những tàu lớn, giảm tải áp lực giao thông nội đô là cần thiết. Nhưng vấn đề còn lại là những khu đất tại cảng cũ cần phải xử lý hiệu quả, minh bạch; nếu cần thiết có thể đấu giá công khai để chọn nhà đầu tư.

Còn theo một số chuyên gia bất động sản, sau khi di dời cảng, khu vực bờ Tây sông Sài Gòn thực sự là những miếng đất vàng đúng nghĩa. Ngoài giá trị quan trọng về vị trí, "view" sông, hồ, kênh rạch là yếu tố tạo nên giá trị bất động sản. Nếu biết cách khai thác thì "view" sông sẽ làm giá trị bất động sản tăng thêm 10-20%, điều này thực sự hấp dẫn các chủ đầu tư.

Tin mới lên