Tài chính quốc tế

Dịch Covid-19: Italy vượt Trung Quốc thành 'vùng dịch chết chóc nhất', LHQ cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu

(VNF) - Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đã xuất hiện tại 179 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 244.793 người nhiễm và hơn 10.000 người tử vong. Italy đã vượt lên Trung Quốc, nơi khởi phát dịch, trở thành vùng dịch chết chóc nhất thế giới.

Dịch Covid-19: Italy vượt Trung Quốc thành 'vùng dịch chết chóc nhất', LHQ cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu

Italy đã vượt lên Trung Quốc, nơi khởi phát dịch, trở thành vùng dịch chết chóc nhất thế giới.

Số ca tử vong tại Italy vượt Trung Quốc

Italy trong ngày 19/3 ghi nhận thêm 5.322 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, nâng số người nhiễm lên 41.035. Số ca tử vong vì Covid-19 tại nước này tăng thêm 427 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết vì dịch lên 3.405, vượt lên Trung Quốc với 3.245 người.

Tỷ lệ tử vong ở Italy là 8,3%, cao gấp đôi trung bình toàn cầu. Dân số già và bệnh viện quá tải là hai trong số các nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở nước này tăng mạnh.

Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc Sun Shuopeng lý giải số người nhiễm Covid-19 vẫn tăng mạnh ở Italy bởi các biện pháp áp đặt tại khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề ở miền bắc Italy không đủ quyết liệt. Tại Milan, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, không có sự phong tỏa nghiêm ngặt, giao thông công cộng vẫn hoạt động, người dân đi lại, ăn tối, tiệc tùng trong khách sạn và không đeo khẩu trang.

Iran: Vùng dịch lớn thứ hai châu Á

Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai ở châu Á, sau Trung Quốc đại lục, với 1.046 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 18.407.

Iran cũng ghi nhận thêm 149 người chết do đại dịch trong 24 giờ qua, nâng số ca tử vong lên 1.284.

Bộ Y tế Iran cho biết cứ sau 10 phút lại có một người Iran chết do virus SARS-CoV-2 và sau mỗi giờ, thêm 50 người Iran nhiễm dịch bệnh này. Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã ra lệnh đóng cửa tất cả các trung tâm mua sắm và chợ, ngoại trừ những cơ sở thiết yếu như nhà thuốc và cửa hàng tạp hóa trong 15 ngày, bắt đầu từ ngày 21/3.

Theo Bộ Quốc phòng Iran, quân đội Trung Quốc đã viện trợ cho lực lượng vũ trang Iran vật tư y tế như bộ xét nghiệm axit nucleic, đồ bảo hộ, khẩu trang nhằm giúp chống dịch bệnh.

Mỹ: Số người nhiễm dịch tăng hơn 500% trong 7 ngày

Số người dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã tăng tới 534% chỉ trong vòng một tuần sau khi các bộ xét nghiệm được phân bổ rộng rãi trên cả nước.

Theo dữ liệu cập nhật của Đại học Johns Hopkins, số người được khẳng định mắc Covid-19 tại Mỹ đã vượt ngưỡng 13.000 trường hợp, so với 1.694 ca được ghi nhận vào ngày 12/3 vừa qua. Trong đó có 207 người tử vong.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, 20% trên tổng số 508 người nhập viện do lây nhiễm Covid-19 ở nước này có độ tuổi từ 20 - 44 và 18% có độ tuổi từ 45 - 54.

Nhà Trắng đang thúc đẩy gói kích thích kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD, bao gồm hỗ trợ 1.000 USD tiền mặt cho người lớn và 500 USD cho trẻ em ở Mỹ. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, đây là gói kích thích kinh tế giai đoạn 3 nhằm đối phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Brazil đóng toàn bộ cửa khẩu biên giới

Bộ Y tế Brazil cho biết nước này đã ghi nhận thêm 193 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 621 người, trong đó có 7 trường hợp tử vong.

Hai bang bị ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch COVID-19 là Sao Paolo với 286 ca và Rio de Janeiro với 65 trường hợp, song giới chức y tế cảnh báo tình hình có thể diễn biến phức tạp hơn khi có tới 6 bang hoặc khu đô thị xuất hiện trường hợp lây nhiễm cộng đồng là Sao Paolo, Pernambuco, Santa Catarina, Rio de Janeiro, Belo Horizonte và Porto Alegre.

Chính phủ Brazil đã quyết định tạm thời đóng toàn bộ các cửa khẩu biên giới trên bộ trong 15 ngày để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, song vẫn cho phép lưu thông hàng hóa, hoạt động cứu trợ, cũng như các công dân Brazil trở về nước. Ngoài ra, chính phủ cũng dự kiến triển khai kế hoạch bơm khoảng 30 tỷ để giúp nền kinh tế nước này giảm thiểu những tác động của đại dịch Covid-19.

Tây Ban Nha: Số ca tử vong tăng vọt

Cơ quan chức năng Tây Ban Nha ngày 19/3 thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 209 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca thiệt mạng ở quốc gia châu Âu lên 831. Đây là mức tăng được đánh giá là cao, khi số người chết tăng tới 30% so với ngày hôm trước.

Trong khi đó, tổng số người dương tính với Covid-19 ở Tây Ban Nhà là 18.007, tăng 3.431 ca. Đây cũng được xem là mức tăng khá cao, 25% so với ngày hôm trước.

Theo truyền thông địa phương, 2 cơ sở hỏa táng ở Madrid đã làm việc hết công suất 24 giờ để ứng phó với số lương ca tử vong tăng vọt vì dịch bệnh ở thành phố này.

Indonesia: Số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á

Indonesia thông báo thêm 6 ca tử vong do dịch Covid-19, nâng số người chết trên cả nước lên 25, mức cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Nước này cũng ghi nhận thêm 82 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại Indonesia lên 308.

Thủ đô Jakarta ghi nhận số người chết cao nhất với 17 trường hợp. Tỷ lệ tử vong do virus SARS-CoV-2  ở Indonesia là 8%, cao gần gấp đôi tỷ lệ trung bình 4,1% trên toàn cầu. Phần lớn các ca tử vong trong độ tuổi 45-65 và có bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạn tính, phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tổng Thư ký LHQ cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu

Phát biểu tại buổi họp báo trực tuyến từ trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở thành phố New York ngày 19/3, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong lịch sử 75 năm hình thành Liên Hợp Quốc.

Theo ông Guterres, một cuộc suy thoái toàn cầu, với những khía cạnh kỷ lục do đại dịch Covid-19 gây ra là điều gần như chắc chắn. Ông Guterres đồng thời khẳng định, những biện pháp ứng phó ở cấp độ quốc gia như hiện nay đối với đại dịch Covid-19 sẽ không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng phức tạp và ở quy mô toàn cầu này.

Tổng Thư ký LHQ dẫn báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, người lao động trên toàn thế giới có thể mất nhiều nhất tới 3.400 tỷ USD thu nhập vào cuối năm nay. Do vậy, ông Guterres nhấn mạnh, ưu tiên hỗ trợ những người lao động thu nhập thấp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu phá sản và thất nghiệp.

Xem thêm >> Thủ tướng Hà Lan: ‘Miễn dịch cộng đồng là kịch bản chúng ta phải ngăn chặn bằng mọi giá’

Tin mới lên