Tài chính

Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài trên đường phục hồi, Nhựa Bình Minh mở room tuần tới

(VNF) – Theo cáo cáo mới nhất từ các công ty chứng khoán, Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) sẽ phục hồi vào năm 2018 nhờ thị trường tăng trưởng. Trong khi đó, Nhựa Bình Minh (BMP) dự kiến mở room trong tuần tới.

Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài trên đường phục hồi, Nhựa Bình Minh mở room tuần tới

SSI dự báo năm 2018, doanh thu của Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài có thể tăng 6,6% so với năm trước, đạt 717 tỷ đồng.

Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài được kỳ vọng sẽ phục hồi từ năm 2018

Báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 332 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 184 tỷ đồng. Diễn biến lợi nhuận gộp giảm từ 57% xuống còn 55%.

Nguyên nhân chính là do khối lượng hàng hóa quốc tế của Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài giảm 2,3%, đạt 115.000 tấn, trong khi lượng hàng hóa nội địa tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái lên 61.000 tấn. Mức phí áp dụng đối với hàng hóa quốc tế cao hơn so với trong nước nên loại hàng hóa này mang lại phần lớn lợi nhuận cho công ty này.

Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế của Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài vẫn giảm 14% so với cùng kỳ năm 2016, còn 153 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 122,6 tỷ đồng, tăng 13,9% so với nửa đầu năm trước, hoàn thành 57% kế hoạch năm 2017. Như vậy, mục tiêu 268 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm nay vẫn được đánh giá là khả thi.

Cơ hội đã trở lại, Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài đang trên con đường phục hồi và tăng trưởng thêm lượng khách hàng, báo hiệu giao đoạn khó khăn sắp đến hồi kết thúc.

Trước đó, trong quý 3/2016, Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài mất 2 khách hàng lớn là Malaysia Airlines và Japan Airlines, dẫn đến sự suy giảm về khối lượng hàng hóa quốc tế trong 6 tháng đầu năm nay. Rút kinh nghiệm từ bài học này, năm 2017, công ty này đã giữ được tất cả các khách hàng hiện tại, đồng thời ký các hợp đồng bổ sung với 2 hãng hàng không mới đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đây là hai hãng hàng không dân dụng nhỏ, đặc trưng với khối lượng hàng hóa tương đối thấp (khoảng 1 – 2% tổng khối lượng hàng hóa tại Nội Bài). Cơ hội đã trở lại, Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài đang trên con đường phục hồi và tăng trưởng thêm lượng khách hàng, báo hiệu giao đoạn khó khăn nhất của công ty này sắp đến hồi kết thúc.

Hơn nữa, sang quý II/2018, Công ty cồ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam (ACSV) sẽ hoàn thành việc mở rộng ga hàng hóa và kho mới. Sau khi hoàn thành, Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài sẽ thuê phần lớn diện tịch kho này (khoảng 17 km2) để nâng cao năng suất và chất lượng dịch vụ.

Hiện tại, tất cả các kho của công ty này đều đã hoạt động hết công suất. Bằng việc thuê kho mới này, tổng diện tích kho của Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài có thể tăng gần 100% lên 35 km2. Đây là một yếu tố hỗ trợ giúp công ty này thu hút khách hàng từ năm 2018 trở đi.

Theo đó, SSI dự báo, trong năm 2018, doanh thu của Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài có thể tăng 6,6% so với năm trước, đạt 717 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng sau thuế dự kiến đạt 266 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017.

Nhựa Bình Minh mở room trong tuần tới

Theo báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) đã nhận được phê duyệt từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép nới room lên 100%.

Nhựa Bình Minh hiện đang đợi xác nhận cuối cùng từ Trung tâm lưu ký chứng khoán trước khi chính thức nới room. HSC dự báo room sẽ mở vào tuần sau. Thông tin nới room có thể hỗ trợ nhẹ đối với cổ phiếu.

Trong 8 tháng đầu năm 2017, Nhựa Bình Minh ước tính tổng doanh thu đạt 2.481 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế là 370 – 380 tỷ đồng (giảm 35% so với cùng kỳ). Theo đó, công ty này đã hoàn thành 61,3% kế hoạch doanh thu và 54,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận giảm có thể là do tỷ suất lợi nhuận giảm và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng.

Nhựa Bình Minh (BMP) đã nhận được phê duyệt từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép nới room lên 100%

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, khả năng định giá bán khá yếu của Nhựa Bình Minh đã không thể giúp bù đắp cho kết quả kinh doanh kém khả quan. Trên thực tế, để bảo vệ thị phần hiện tại, công ty này đã phải tăng tỷ lệ chiết khấu bán hàng cho các nhà phân phối.

Ngoài ra, sản lượng của Nhựa Bình Minh chỉ tăng 7%, thấp hơn mức tăng chung của ngành (vào khoảng 10 – 15%). Điều này cho thấy, mặc dù đã nỗ lực đẩy mạnh bán hàng nhưng Nhựa Bình Minh có lẽ vẫn đang bị mất thị phần.

Trước đây, sản lượng của Nhựa Bình Minh khá khó tăng do hạn chế về công suất, tuy nhiên, từ cuối năm ngoái, công ty này đã nâng công suất thêm 40% và sẽ nâng tiếp 15,4% trong năm nay. Hiện Nhựa Bình Minh cần đẩy mạnh bán hàng nhằm tối ưu hóa công suất hoạt động và giảm thiểu giá thành sản xuất.

Liên quan đến kế hoạch thoái vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), HSC cho rằng SCIC vẫn hi vọng sẽ bán cổ phần tại Nhựa Bình Minh trong năm nay theo như kế hoạch tái cấu trúc mới nhất. Như vậy, câu chuyện M&A ở cổ phiếu còn rất tiềm năng. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp hỗ trợ phần nào giá cổ phiếu của Nhựa Bình Minh.

Nhựa và Khoáng sản An Phát hợp nhất kết quả kinh doanh của 2 công ty con

Theo báo cáo gần đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty cổ phần Nhựa và Khoáng sản An Phát – Yên Bái (HII) đã công bố kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2017. Cụ thể, doanh thu bán hàng tăng 4,5 lần và lợi nhuận ròng tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trước năm 2017, An Phát chỉ có doanh nghiệp sản xuất chất nhựa phụ gia. Tuy nhiên, gần đây, công ty này đã bắt đầu hợp nhất kết quả kinh doanh của hai công ty con là An Thành Bicsol và An Tín Logistics.

Doanh thu từ hoạt động sản xuất cũng tăng 92% trong nửa đầu năm nay, chiếm 35% tổng doanh thu sau khi An Phát tăng công suất từ 20.000 tấn/năm lên 40.000 tấn/năm trong quý IV/2016.

Biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức cao trong quá khứ, vì công ty này chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh sản xuất. Trong 6 tháng đầu năm 2017, do sự đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận gộp đã giảm xuống chỉ còn 11% nhưng tỷ suất lợi nhuận ròng lại tăng từ 6% lên 6,2%.

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng của An Phát tăng 4,5 lần và lợi nhuận ròng tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm trước

Biên lợi nhuận gộp chất nhựa phụ gia tăng từ 20% trong nửa đầu năm 2016 lên 30% trong nửa đầu năm 2017 do An Phát tăng công suất sản xuất. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của mảng thương mại giảm xuống còn 2% từ mức 9% cùng kỳ năm ngoái và biên lợi nhuận trong phân khúc logistics thậm chí còn ở mức âm.

Theo ban lãnh đạo HII, hai mảng kinh doanh thương mại và logistics bắt đầu mở rộng công suất trong năm nay, và phát sinh lỗ do chi phí cố định cao. Trong nửa cuối năm 2017, khi sản lượng tiêu thụ tăng gấp đôi so với nửa đầu năm, công ty này kỳ vọng biên lợi nhuận ở mảng thương mại và logistics sẽ đạt tương ứng 5% và 7%.

Ngoài ra, SSI dự báo, trong năm 2018, sản lượng tiêu thụ chất nhựa phụ gia kỳ vọng sẽ đạt 80.000 tấn sau khi hoàn thành mở rộng công suất trong năm 2017 và nửa đầu năm sau. Con số này có thể sẽ tiếp tục tăng lên 150.000 tấn vào năm 2022. Hơn nữa, SSI cũng kỳ vọng trong năm 2018, An Phát sẽ tiêu thụ 20.000 tấn CaCO3 ra ngoài thị trường sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu CaCO3 cung ứng cho việc sản xuất của công ty.

Tin mới lên