Tiêu điểm

‘Dịch vụ xoa bóp đưa vào kinh doanh có điều kiện nhưng dịch vụ thám tử tư thì không’

(VNF) – Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) đề nghị cấm dịch vụ thám tử tư, hoặc chí ít cũng đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

‘Dịch vụ xoa bóp đưa vào kinh doanh có điều kiện nhưng dịch vụ thám tử tư thì không’

Đai biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, việc điều tra thông tin bí mật là hành vi bị cấm. “Thông tin điều tra về bí mật kinh doanh hoặc bí mật nhà nước thì đã bị cấm, anh đi điều tra bí mật đời tư thì Hiến pháp cũng cấm, Bộ luật Dân sự cũng cấm. Dịch vụ thám tử tư mục đích cuối cùng để làm gì mà chúng ta lại bỏ khỏi danh mục cấm?”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho rằng hoạt động điều tra của thám tử tư rất nguy hiểm vì các hoạt động này thu thập rất nhiều thông tin về đời tư mà không ai quản lý được, không ai rõ thông tin này được sử dụng trong trường hợp nào, có luật lệ gì khống chế việc sử dụng này không, người điều tra lưu giữ những dữ liệu đó như thế nào…

“Ở các nước làm rất chặt chẽ, còn mình thiếu sự chặt chẽ và nghiêm túc trong quản lý, cho nên chúng tôi đề nghị cấm dịch vụ này, chí ít thì cũng đưa vào kinh doanh có điều kiện. Tôi xin nói thêm, ví dụ dịch vụ xoa bóp mình đưa vào kinh doanh có điều kiện nhưng dịch vụ thám tử tư thì lại không”, ông Nghĩa so sánh.

Đối với dịch vụ đòi nợ thuê, ông Nghĩa cũng cho rằng Quốc hội nên cấm “vì dịch vụ này biến tướng và hại nhiều hơn lợi”.

“Về pháp lý, mình cứ nói là nợ nhưng trước hết đó có phải là nợ hay không? Anh này nói là anh kia nợ, anh kia nói là tôi không nợ, những tranh chấp này ra tòa án giải quyết còn phức tạp”, ông Nghĩa nêu vấn đề và cho rằng việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ làm phát sinh nhiều hệ lụy.

Ngoài ra ông Nghĩa cũng đề nghị đưa sản xuất kinh doanh nước sạch vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Đánh giá tổng thể về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ông Nghĩa cho rằng ban soạn thảo dự luật Đầu tư  (sửa đổi) “cần xem lại câu chữ và cách tổ chức, bởi vì hiện nay không biết nó theo trật tự nào, theo thứ tự nào, theo hệ thống nào, cứ từ trên xuống dưới mà mỗi lần tìm kiếm rất khó”.

“Tôi chưa thấy một tư duy khoa học trong việc thiết lập danh mục này”, ông Nghĩa bình luận.

Một vấn đề nữa được ông Nghĩa góp ý là tình trạng Chính phủ ban hành các điều kiện cho các ngành nghề rất lỏng lẻo. Ông cho rằng khi thiết lập các điều kiện cho các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, Chính phủ phải xem xét rất kỹ, có những ngành nghề cần phải hạn chế chuyển nhượng ở bên ngoài Việt Nam, có những ngành nghề phải hạn chế người nước ngoài sở hữu.

“Hạn chế có nghĩa là không cho người nước ngoài có tỷ lệ sở hữu cao. Ví dụ như vấn đề kinh doanh nước sạch ở những đô thị lớn, đây là vấn đề an ninh rất hệ trọng, liệu chúng ta có nên đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện mà một trong những điều kiện là không cho chuyển nhượng ra bên ngoài Việt Nam? Nhà đầu tư vào đây thì có thể chuyển nhượng qua lại.

“Tôi nghĩ lý tưởng là nếu có danh mục các điều kiện kèm cho các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì chúng ta sẽ yên tâm”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

Tin mới lên