Bất động sản

'Điểm danh' 7 dự án giao thông trọng điểm của Thủ đô giai đoạn 2021-2025

(VNF) - Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết: Giai đoạn 2021-2025 sẽ có 7 dự án giao thông trọng điểm tại Thủ đô, 5/7 dự án đó do Sở GTVT thực hiện, 2 dự án do Bộ GTVT thực hiện.

'Điểm danh' 7 dự án giao thông trọng điểm của Thủ đô giai đoạn 2021-2025

Nghiên cứu xây dựng đường Vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng kết hợp mở rộng phần từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở

Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội sẽ thực hiện các tuyến, vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài 2,27 km, tổng đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố đang triển khai bằng nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội.

Vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng kết hợp mở rộng phần từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở đang thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) ký kết giữa Hà Nội và Tập đoàn Vingroup.

Vành đai 2,5 sẽ triển khai tiếp 3 đoạn để khép kín gồm: Đoạn từ khu đô thị mới Dịch Vọng đến Dương Đình Nghệ dài 720 m, đoạn Trung Kính - Trần Duy Hưng dài 580 m và đoạn Ngụy Như Kon Tum - Đầm Hồng dài gần 1.900 m, tổng đầu tư trên 7.300 tỷ đồng.

Vành đai 3 gồm 2 đoạn từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến trục Nhật Tân - Nội Bài dài 9,8 km và đoạn từ trục Nhật Tân - Nội Bài đến Quang Minh dài 5 km, tổng đầu tư khoảng 2.450 tỷ đồng.

Vành đai 3,5 gồm 2 đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 dài 3,8km và đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 10,8 km, tổng đầu tư hơn 5.600 tỷ đồng.

Riêng 2 tuyến vành đai 4 và vành đai 5 đi qua Hà Nội sẽ do Bộ Giao thông Vận tải triển khai.

Trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: Theo dự kiến vào tháng 3/2021, Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) sẽ hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường Vành đai 4 để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư.

Theo định hướng quy hoạch, tuyến Vành đai 4 dài khoảng 98 km đi qua 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội (56,5 km, đi qua 7 quận, huyện), Hưng Yên (20,3 km) và Bắc Ninh (21,2 km).

Trong đó, các đoạn tuyến trên địa phận thành phố Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội lập dự án đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện đầu tư.

Hiện nay, UBND TP Hà Nội đang giao nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất đầu tư đường Vành đai 4 đoạn nối từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Pháp Vân - cầu Giẽ theo hình thức PPP (đoạn tuyến từ QL.32 đến cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ thuộc đoạn tuyến này).

Ảnh tuyến đường vành đai 4

Liên quan đến dự án vành đai 5, dự kiến sẽ qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện, thành phố trực thuộc 8 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hòa Bình; Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Tổng chiều dài toàn tuyến đường Vành đai 5 khoảng 331,5 km (không bao gồm khoảng 41 km đi trùng các đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long, Hà Nội – Thái Nguyên, Nội Bài – Lào Cai và quốc lộ 3).

Trong đó, đoạn qua thành phố Hà Nội dài khoảng 48 km, qua tỉnh Hòa Bình 35,4 km, qua tỉnh Hà Nam 35,3 km, qua tỉnh Thái Bình 28,5 km, qua tỉnh Hải Dương 52,7 km, qua tỉnh Bắc Giang 51,3 km, qua tỉnh Thái Nguyên 28,9 km, qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc 51,5 km.

Ông Vũ Văn Viện cho hay, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội sẽ tập trung một số dự án nút giao thông quan trọng (hầm Chui Lê Văn Lương, hầm chui vành đai 2,5, cầu vượt chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch), triển khai các dự án cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống (Vĩnh Tuy, Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc, Ngọc Hồi,Thượng Cát, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Đuống 2)...

Cùng với việc đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội đi vào hoạt động, TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các dự án đường sắt đô thị theo quy hoạch: Tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi dài 24,8 km; tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5 km; tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8 km; tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) dài 38,43 km.

Tin mới lên