Tiêu điểm

Điểm danh các pháp nhân liên quan trong vụ bán rẻ 43ha 'đất vàng' ở Bình Dương

(VNF) - Ngoài Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV, 7 pháp nhân khác là các doanh nghiệp có liên quan trực tiếp tới việc bán rẻ 43ha "đất vàng" ở Bình Dương.

Điểm danh các pháp nhân liên quan trong vụ bán rẻ 43ha 'đất vàng' ở Bình Dương

Đề nghị truy tố 21 bị can trong vụ bán rẻ 43ha 'đất vàng' ở Bình Dương. (Ảnh minh họa)

Như VietnamFinance đã thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Protrade) và các đơn vị có liên quan.

Theo kết luận điều tra, có 8 pháp nhân là doanh nghiệp liên quan đến vụ án này. Đầu tiên là Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng công ty 3/2). Doanh nghiệp này tiền thân là xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3/2 Sông Bé, được thành lập theo vào năm 1982.

Đến năm 2000, công ty đổi tên thành Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương, là doanh nghiệp nhà nước, chịu sự chỉ đạo và quản lý mọi mặt của UBND tỉnh Bình Dương với vốn kinh doanh là 58,7 tỷ đồng.

Năm 2010, Tinh ủy Bình Dương giao UBND tỉnh chỉ đạo Ban chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy và các doanh nghiệp Đảng tiến hành làm thủ tục để chuyển Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương thành tổng công ty theo mô hình công ty me - công ty con.

Theo quyết định năm 2010 của UBND tỉnh Bình Dương, công ty chuyển thành Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV, là công ty do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Tinh ủy Bình Dương là chủ sở hữu) với số vốn điều lệ là 621 tỷ đồng.

Xem thêm >>> Tổng công ty 3/2 sai phạm gì trong vụ bán rẻ 43ha 'đất vàng' ở Bình Dương?

Pháp nhân thứ hai là Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc. Doanh nghiệp này thành lập ngày 22/6/2010 với vốn điều lệ là 6 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập, gồm: ông Dương Đình Tâm, ông Huỳnh Trung Nam và ông Nguyễn Quốc Hùng.

Đến ngày 30/6/2010, Âu Lạc tăng vốn điều lệ lên gấp 10 lần, đạt 60 tỷ đồng. Đến ngày 27/7/2010, doanh nghiệp này tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 153 tỷ đồng. Vào tháng 8 cùng năm, ông Dương Đình Tâm là người đại diện pháp luật và giữ chức tổng giám đốc.

Đến ngày 27/11/2018, người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc chuyển sang ông Nguyễn Quốc Hùng. Ông Hùng lúc này cũng là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc.

Pháp nhân thứ ba là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú. Doanh nghiệp này thành lập ngày 9/9/2010, với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, gồm 2 thành viên góp vốn là Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc và Tổng công ty 3/2.

Đến ngày 25/9/2017, doanh nghiệp này chuyển thành công ty TNHH MTV do Tổng công ty 3/2 chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, nâng vốn điều lệ lên 350 tỷ đồng và do Âu Lạc là chủ sở hữu.

Đến ngày 18/10/2017, doanh nghiệp này lại chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên do Công ty Âu Lạc chuyển nhượng 50% vốn điều lệ cho Công ty TNHH Xây dựng A Đông Hải.

Đến tháng 3/2018, Tân Phú lại chuyển thành công ty TNHH MTV do Công ty Âu Lạc chuyển nhượng nốt 50% vốn điều lệ cho Công ty A Đông Hải.

Pháp nhân thứ tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP. HCM. Doanh nghiệp này được đổi tên từ Công ty A Đông Hải. Sau nhiều lần thay đổi thành viên góp vốn, đến tháng 3/2014, doanh nghiệp này có nâng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng.

Pháp nhân thứ năm là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Thành. Doanh nghiệp này thành lập vào tháng 11/2007, với số vốn điều lệ là 480 tỷ đồng (tương đương 30 triệu USD). Trong đó, Tổng công ty 3/2 góp 9 triệu USD bằng quyền sử dụng khu đất 150ha, 2 đối tác Hàn Quốc góp 21 triệu USD.

Pháp nhân thứ sáu là Công ty Cổ phần Hưng Vượng, tiền thân là xí nghiệp chế biến lâm sản xuất khẩu 3/2. Năm 2004, doanh nghiệp này có vốn điều lệ là 36,4 tỷ đồng. Đến năm 2015, doanh nghiệp nâng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng.

Pháp nhân thứ bảy là Công ty TNHH Phát Triển. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 3/202, với số vốn điều lệ hơn 18,6 tỷ đồng. Tháng 8/2019, doanh nghiệp này nâng vốn điều lệu lên 300 tỷ đồng.

Pháp nhân thứ tám là Công ty Cổ phần tư vấn và thẩm định giá Đông Nam. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 1/2007, với số vốn điều lệ là 3,5 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án này, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố 21 bị can về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Khoản 3, Điều 129, Bộ luật Hình sư năm 2015.

Trong số 21 bị can bị đề nghị truy tố, đáng chú ý có cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam. Trước đó, ông Nam đã bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng và bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra vụ án.

Một bị can khác đáng chú ý cũng nằm trong danh sách bị đề nghị truy tố là Nguyễn Đại Dương (Dương “New Century”). Ông Dương là con rể ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3/2 (người đã bị khởi tố trước đó).

Tin mới lên