Bất động sản

Điểm sáng hút vốn FDI 'đẻ trứng vàng'

Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn FDI và lần đầu tiên lọt vào top 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI.

Tuy nhiên, để dòng vốn này trở thành “gà đẻ trứng vàng”, cần có một số điều chỉnh kịp thời, phù hợp.

Số liệu vốn đầu tư toàn xã hội và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2022

Đứng đầu khu vực về hấp dẫn đầu tư

Trong năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” gần 28 tỷ USD vào Việt Nam. Trong đó, số vốn đã giải ngân khoảng gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Trong năm 2022, 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với 6,46 tỷ USD, Hàn Quốc 4,88 tỷ USD, Nhật Bản 4,78 tỷ USD...

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu; Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Điều này khẳng định rõ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn.

Tính chung trong năm 2022, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 41,8 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 39,5 tỷ USD không kể dầu thô.

Tờ Financial Times đánh giá, Việt Nam, cùng với Malaysia, đang là những nước nhận được nhiều dòng vốn FDI hơn vào lĩnh vực sản xuất tại khu vực trong bối cảnh dòng vốn FDI tăng mạnh tại ASEAN.

Theo tuần san “News and World Report” của Mỹ, Việt Nam đứng thứ 8 trong danh sách 29 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư và đứng đầu ASEAN về hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Xếp hạng là kết quả của cuộc khảo sát lấy ý kiến từ 7.000 nhà hoạch định kinh doanh.

Thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm

Một trong những ưu điểm hàng đầu của nguồn vốn FDI so với các nguồn vốn đầu tư khác là đi kèm theo chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu - phát triển, năng lực đổi mới sáng tạo… của toàn bộ nền kinh tế.

Đến nay, khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Khu vực FDI đã thúc đẩy sự hình thành một số ngành công nghiệp lớn như dầu khí, chế tạo, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Việc liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa chưa cao, khoảng 20% tỷ lệ đầu vào của FDI được mua tại Việt Nam, còn lại là nhập khẩu nguồn khác... Do đó, cần phải nhanh chóng nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng chống trốn thuế như giảm thiểu dàn xếp chênh lệch về thuế ở các quốc gia, hạn chế chuyển nợ quốc tế, lợi nhuận từ nước này sang nước kia...

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

Các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu hàng xuất khẩu từ nguyên liệu thô, khoáng sản sang công nghiệp chế biến giá trị gia tăng cao; xuất siêu của các doanh nghiệp FDI không chỉ bù đắp mức nhập siêu của doanh nghiệp trong nước, mà còn góp phần cân bằng cán cân thương mại quốc tế.

Khu vực doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm trực tiếp cho 4,6 triệu người, chiếm hơn 7% tổng số lao động của Việt Nam và hàng triệu lao động gián tiếp khác.

Với số vốn đầu tư tăng cao, FDI như một điểm sáng thúc đẩy tăng trưởng, hội nhập kinh tế nói chung, lĩnh vực bất động sản nói riêng.

Viện dẫn báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho biết, khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu.

Vẫn còn kẽ hở

Dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây (Starlake Tây Hồ) được cấp phép đầu tư từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh như kỳ vọng ban đầu. Ảnh: Tạ Hải
Dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây (Starlake Tây Hồ) được cấp phép đầu tư từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh như kỳ vọng ban đầu. Ảnh: Tạ Hải

Bên cạnh những doanh nghiệp, dự án FDI đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế, cũng không ít doanh nghiệp lợi dụng khe hở pháp luật và lỏng lẻo trong hoạt động quản lý để trốn thuế, trốn trách nhiệm.

Điển hình như Công ty TNHH Mannequins Đông Á (TP. HCM), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã nợ hơn 13 tỷ đồng tiền thuế.

Quá trình hoạt động, doanh nghiệp này không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế, buộc cơ quan hải quan ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ đầu tháng 11.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính trước đó, 56% tổng số doanh nghiệp (14.100 doanh nghiệp) FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam báo lỗ.

Riêng lĩnh vực bất động sản, nhiều chủ đầu tư “ôm” đất, triển khai hàng chục năm chưa xong. Ví dụ như Dự án tổ hợp chung cư Booyoung Vina (Hà Đông, Hà Nội), có tổng mức đầu tư lên tới 171 triệu USD (gần 4.000 tỷ đồng hiện tại). Dự án được cấp phép từ năm 2006, dự kiến hoàn thành năm 2010, với 6 tòa chung cư cao 30 tầng song đến nay, chỉ có 2 tòa chung cư được xây dựng, 4 ô đất còn lại đang quây tôn, bỏ hoang.

Hay như Dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây (Starlake, Tây Hồ, Hà Nội), tổng vốn 2,5 tỷ USD (100% vốn Hàn Quốc), được cấp phép đầu tư từ năm 2006, nhưng đến nay sau 16 năm, dự án vẫn chưa hoàn chỉnh như kỳ vọng ban đầu. Hay như dự án 272ha vốn Nhật Bản tại Đông Anh, sau 3 năm động thổ vẫn là bãi đất trống.

Nhìn nhận về thực tại này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, có tình trạng chuyển giá, hòng trốn thuế. Doanh nghiệp lợi dụng những khe hở của pháp luật “găm” đất chờ tăng giá.

Cần xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nhìn nhận, doanh nghiệp FDI nước ngoài đã có kinh nghiệm đi trước, do đó khi vào Việt Nam, họ “lách luật”, đóng tiền thuê đất 1 lần với giá rẻ, sau đó triển khai từng bước, kéo dài nhằm gia tăng lợi nhuận. “Dự án Starlake, chủ đầu tư thuê đất 50 năm, trả tiền 1 lần khoảng 500 triệu USD. Nhưng đến nay, dự án này đã có giá hàng chục tỷ USD”, ông Điệp lấy ví dụ.

Để giải quyết tình trạng trên, ông Điệp cho rằng, cần có chính sách kịp thời thu hồi các dự án chậm triển khai, chiếm dụng đất đai để giao cho đơn vị khác thực hiện, mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chỉ ra nhiều chiêu trò nhằm chuyển giá, trốn thuế. Điển hình là lợi dụng góp vốn vào doanh nghiệp trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực; Hoặc nâng chi phí đầu vào sản xuất cao hơn nhiều so với thực tế, từ đó kéo giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ và trốn được trách nhiệm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp...

“Cần có quy định nhằm tăng liên kết giữa FDI với doanh nghiệp nội như ưu tiên đặc biệt với doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn lực nội địa từ 50% trở lên; Xây dựng điều kiện, tiêu chí nhằm sàng lọc doanh nghiệp yếu kém ngay từ khâu thẩm định đầu tư; Ưu tiên những nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất...”, ông Thịnh nói.

 

Tin mới lên