Tài chính

Điểm tên 10 DNNN đình đám nhất Nhà nước sẽ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ

(VNF) – Rất nhiều cái tên đình đám xuất hiện trong danh sách các DNNN thuộc diện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Cùng VietnamFinance điểm qua 10 DNNN đình đám nhất mà theo dự kiến, Nhà nước sẽ không nắm lượng cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp này.

Điểm tên 10 DNNN đình đám nhất Nhà nước sẽ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ

PV Power cũng nằm trọng danh sách cổ phần hóa, Nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ

1. Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil)

PV Oil là một trong những trụ cột của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đang trong quá trình cổ phần hóa. Trong danh mục doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020, PV Oil được xếp vào nhóm cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Trong năm 2016, PV Oil đã xuất bán 15 triệu tấn dầu, tương đương với 112 triệu thùng, hoàn thành 107% kế hoạch năm. Đồng thời, PV Oil tiếp tục là đơn vị cung cấp 100% dầu thô đầu vào cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ khi đi vào hoạt động đến nay.

Doanh thu hợp nhất năm 2016 của PV Oil ước đạt 34.000 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch năm. Doanh thu công ty mẹ ước đạt gần 24.000 tỷ đồng, hoàn thành 103%  kế hoạch năm và bằng 73% cùng kỳ năm 2015.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của PV Oil trong năm 2016 ước đạt 530 tỷ đồng, hoàn thành 196% kế hoạch năm. Lợi nhuận công ty mẹ ước đạt 340 tỷ đồng, hoàn thành 275% kế hoạch năm.

2. Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power)

Tương tự như PV Oil, một trụ cột khác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là PV Power cũng thuộc vào diện cổ phần hóa, Nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ.

Năm 2016, tổng sản lượng điện sản xuất của PV Power ước đạt 21,156 tỷ kWh. Doanh thu toàn Tổng Công ty đạt 26.522 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.595 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước đạt 1.126 tỷ đồng.

Theo kế hoạch năm 2017, PV Power dự kiến đạt tổng sản lượng điện sản xuất là 21 tỷ kWh, thấp hơn thực hiện năm 2016. Tổng doanh thu dự kiến trên 29.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.367 tỷ đồng, nộp ngân sách thấp hơn năm 2016, dự kiến 1.105 tỷ đồng.

3. Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM)

VICEM có thể coi là cái tên đình đám và được chờ đợi cổ phần hóa nhất trong năm 2016, tuy nhiên, sang đến năm 2017, tiến trình trên vẫn chưa có thêm bước tiến rõ nét nào. Là một doanh nghiệp thuộc hàng lớn nhất của Bộ Xây Dựng với vốn chủ sở hữu lên đến trên 13.000 tỷ đồng, tuy nhiên, Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ của VICEM.

Sở dĩ tiến trình cổ phần hóa VICEM bị chậm lại là do tổng công ty này chịu lực cản từ 2 công ty thành viên đang thua lỗ lớn hàng nghìn tỷ đồng là Xi măng Sông Thao và Xi măng Hạ Long. Trước khi cổ phần hóa, VICEM buộc phải tái cấu trúc 2 công ty thành viên này.

Kết thúc năm 2016, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất – tiêu thụ của VICEM đều gần như hoàn thành kế hoạch năm, chẳng hạn như sản xuất Clinker ước đạt 18,7 triệu tấn, hoàn thành 99,8% kế hoạch năm; sản xuất Xi măng ước đạt 22,7 triệu tấn, hoàn thành 112,3% kế hoạch năm; tiêu thụ sản phẩm chính (Clinker và Xi măng) ước đạt 25,8 triệu tấn, hoàn thành 111% kế hoạch năm.

Năm 2017, VICEM đặt kế hoạch doanh thu trên 35.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng.

4. Tổng công ty Sông Đà

Cùng với VICEM, một công ty đình đám khác của Bộ Xây Dựng là Tổng công ty Sông Đà cũng nằm trong danh sách Nhà nước sẽ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ giai đoạn 2016 – 2020.

Trước đó, theo một tờ trình về phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà của Bộ Xây dựng, tỷ lệ vốn Nhà nước ban đầu được đề xuất là 51% vốn điều lệ của Tổng công ty Sông Đà, sau đó sẽ có lộ trình giảm xuống 36% trong các năm tiếp theo.

Sở dĩ Bộ Xây dựng vẫn muốn nắm cổ phần chi phối tại Tổng công ty Sông Đà trong giai đoạn đầu cổ phần hóa là do Bộ Xây Dựng cho rằng, Tổng công ty Sông Đà chiếm khoảng 85% thị phần trong nước về xây dựng thuỷ điện, là nhà thầu lớn nhất trong lĩnh vực này tại Việt Nam, đồng thời là nhà thầu có vị thế số một về năng lực con người, chuyên môn kỹ thuật, máy móc thiết bị trong nước cũng như khu vực về xây dựng thuỷ điện.

9 tháng đầu năm 2016, doanh thu của Tổng công ty Sông Đà đạt mức 9.599 tỷ đồng, lợi nhuận đạt mức 300 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2016, doanh thu tổng công ty này ở mức 13.599 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến là 370 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Tổng công ty Sông Đà cỡ khoảng trên 31.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 3/4 là hình thành từ nợ, chỉ vỏn vẹn 1/4 tài sản là hình thành từ vốn chủ sở hữu.

5. Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC)

VTC là đơn vị đình đám nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông dự định cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Tổng doanh thu năm 2016 của VTC ước đạt 5.209 tỷ đồng, vượt trên 34% so với kế hoạch và tăng 39% so với kết quả thực hiện năm 2015. Lợi nhuận trước thuế đạt 180 tỷ đồng, vượt trên 15% so với kế hoạch và đạt mức tăng trưởng trên 46% so với năm 2015. Nộp ngân sách nhà nước đạt 520 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2015. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 13,1%, vượt 20% kế hoạch được giao và tăng trưởng 48% so với năm 2015.

Với mức lãi trước thuế 180 tỷ đồng trong năm 2016, VTC đã chính thức xóa lỗ lũy kế. Đây là tiền đề thuận lợi cho tiến trình cổ phần hóa sắp tới của VTC.

6. Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra)

Satra là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Theo tiết lộ mới đây của bà Lê Minh Trang, Tổng giám đốc Satra, năm 2016, doanh thu trên toàn hệ thống (công ty mẹ, các công ty con và công ty liên kết) của Satra lên tới 55.266 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ 2015; lợi nhuận ước đạt gần 11.100 tỷ đồng, tăng 26,2%. Riêng công ty mẹ đạt doanh thu 9.556 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 2.700 tỷ đồng.

Năm 2017, Satra đặt kế hoạch đẩy mạnh phát triển hệ thống bán lẻ như siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, trong đó ưu tiên phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi Satrafoods. Dự kiến Satra sẽ khai trương 55 cửa hàng Satrafoods (trong đó có 10 cửa hàng Satrafoods tại TP. Cần Thơ), 3 nhà hàng ẩm thực, nâng tổng số cửa hàng mang thương hiệu Satra đến cuối năm lên 172 cửa hàng (trong đó, có 155 cửa hàng satrafoods).

Với tiềm năng rất lớn cộng với sức hấp dẫn từ chủ trương Nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ, chắc chắn Satra sẽ trở thành "món hàng hot" đối với các nhà đầu tư.

7. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)

Một trong những trụ cột của ngành vàng bạc đá quý Việt Nam là SJC cũng nằm trong danh sách cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50%. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu của SJC đã lên đến 10.357 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lãi trước thuế của SJC ở mức khá thấp so với tương quan doanh thu, đạt 25,5 tỷ đồng. Sở dĩ có tình trạng như vậy là do trụ cột kinh doanh của SJC là vàng miếng vốn có mức lãi thấp và thấp hơn nhiều so với mức lãi của các loại hình trang sức.

Hiện vốn chủ sở hữu của SJC ở mức khoảng trên 1.400 tỷ đồng, thua kém không nhiều so với mức trên 1.550 tỷ đồng của đối thủ là Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Tuy nhiên, mức lợi nhuận của PNJ năm 2016 ước đạt tới 600 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều SJC. Việc Nhà nước chỉ chủ trương nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ của SJC là điều kiện thuận lợi để công ty này cổ phần hóa và huy động vốn trên thị trường, nhằm tạo thêm nguồn lực đáng kể cạnh tranh với PNJ, nếu không SJC sẽ bị tụt lại ngày càng xa.

8. Tổng công ty Bến Thành

Tổng công ty Bến Thành là doanh nghiệp nhà nước lớn trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, cũng nằm trong danh sách cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ cùng với 2 "đồng hương" là Satra và SJC.

Theo thông tin từ Tổng công ty Bến Thành, doanh thu toàn hệ thống của tổng công ty trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt tới trên 13.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của hệ thống đạt 107,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng công ty Bến Thành hoạt động trong 4 lĩnh vực chính là thương mại, du lịch, bất động sản và sản xuất công nghiệp, trong đó, thương mại là trụ cột chính của tổng công ty này. Doanh thu của 9 doanh nghiệp dịch vụ thương mại thuộc Tổng công ty Bến Thành trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt gần 11.000 tỷ đồng. Trung tâm thương mại Savico Megamall tại Hà Nội và TP.HCM đều do Tổng công ty Bến Thành làm chủ sở hữu.

9. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist)

Saigontourist là cái tên đình đám thứ 4 trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ trong giai đoạn 2016 – 2020. Lãi trước thuế năm 2016 của Saigontourist dự kiến lên đến cả nghìn tỷ đồng mặc dù doanh thu hợp nhất chỉ cỡ khoảng 6.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân là do Saigontourist không chỉ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lữ hành vốn có mức lãi khá thấp, mà tổng công ty còn hoạt động khá đồng đều ở cả lĩnh vực khai thác ăn uống, thuê phòng, thuê mặt bằng và các lĩnh vực khác.

Năm 2016, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đạt tổng doanh thu chuyên doanh lữ hành trên 3.900 tỷ đồng, với mức tăng trưởng trên 13% so với năm 2015.

10. Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)

Hapro là cái tên rất hấp dẫn đối với rất nhiều nhà đầu tư, không chỉ bởi vị thế khá lớn trong lĩnh vực thương mại với doanh thu năm 2016 ước đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, mà quan trọng hơn, Hapro hiện nắm trong tay nhiều mặt bằng thương mại có vị trí đắc địa tại nhiều tỉnh, thành phố lớn.

Chẳng hạn như dự án Trung tâm thương mại số 10B Tràng Thi, Dự án TTTM, văn phòng số 5 Lê Duẩn, Tổ hợp thương mại văn phòng số 11B Cát Linh, 8 mặt bằng thương mại hay 11 cơ sở nhà đất của Công ty Cổ phần Thương mại – Đầu tư Long Biên.

Với việc nằm trong danh sách thoái vốn Nhà nước trên 50%, sức hấp dẫn của Hapro càng được tăng thêm hơn nữa trong mắt các nhà đầu tư.

Tin mới lên