Tài chính

Diêm Thống Nhất: 8 năm theo kiện hợp đồng thuê đất

Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đang giải quyết phúc thẩm vụ kiện tranh chấp hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Diêm Thống Nhất và Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Sông Hồng (SongHong Land).

Diêm Thống Nhất: 8 năm theo kiện hợp đồng thuê đất

(Ảnh minh họa)

Thỏa thuận mới ký đã phát sinh tranh chấp

Được biết, sau cổ phần hóa, Diêm Thống Nhất có nhu cầu di dời nhà máy ở Long Biên (Hà Nội) và sử dụng khu đất này để thực hiện đầu tư dự án khác. Công ty có chủ trương tìm kiếm địa điểm và đối tác di dời nhà máy. Năm 2011, SongHong Land và Diêm Thống Nhất ký hợp đồng nguyên tắc số 24.

Theo đó, Diêm Thống Nhất thuê lại đất và cơ sở hạ tầng của SongHong Land tại cụm công nghiệp Đông Thọ (Bắc Ninh). Diện tích thuê là 32.000 m2, tổng giá trị hợp đồng hơn 32 tỷ đồng, thời hạn thuê 47 năm, thanh toán làm 3 đợt.

Sau khi ký kết hợp đồng, Diêm Thống Nhất đã thanh toán 11,8 tỷ đồng (tương đương với giá trị thuê cơ sở hạ tầng). Đến đợt thứ 2, công ty chậm thanh toán.

Hai bên có nhiều văn bản trao đổi qua lại về việc thanh toán đợt 2. Sau này, khi vi phạm kéo dài, SongHong Land có văn bản với nội dung thông báo công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, yêu cầu Diêm Thống Nhất bồi thường theo hợp đồng số tiền 4,9 tỷ đồng,

Trong quá trình này, ban đầu, Diêm Thống Nhất đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng và thanh toán thêm 2 tỷ đồng.

Nhưng sau đó, Diêm Thống Nhất có một văn bản do Phó tổng giám đốc Hoàng Tùng ký với nội dung chấp nhận chấm dứt hợp đồng, xin giảm số tiền bồi thường chỉ còn lại 50% của 4,9 tỷ đồng và đề nghị trả lại số tiền 11,8 tỷ đồng nói trên.

Đến năm 2012, Diêm Thống Nhất khởi kiện đề nghị tòa án xác định hợp đồng 24 vô hiệu vì tổng giám đốc công ty, ông Nguyễn Hưng đã ký vượt thẩm quyền, bên Công ty SongHong Land phải trả lại số tiền 11,8 tỷ đồng đã nhận.

Vụ việc đã được giải quyết sơ thẩm lần 1 với bản án chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Diêm Thống Nhất. Năm 2014, tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm vì lý do vi phạm tố tụng.

Đến năm 2019, Tòa án nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội) đã đưa vụ án ra xét xử lần 2. Bản án sơ thẩm xác định hợp đồng số 24 có hiệu lực pháp luật và đã bị chấm dứt hiệu lực pháp luật.

Bản án buộc SongHong Land phải trả lại số tiền 11,8 tỷ đồng và chấp nhận yêu cầu phản tố của SongHong Land, Diêm Thống Nhất phải bồi thường 4,9 tỷ đồng. Đối trừ nghĩa vụ, Diêm Thống Nhất còn phải trả lại hơn 6 tỷ đồng.

Sau đó, cả hai bên đương sự đều có đơn kháng cáo.

Hợp đồng vô hiệu vì tổng giám đốc ký vượt thẩm quyền!

Tại phiên tòa phúc thẩm, các luận điểm pháp lý hai bên đưa ra cơ bản tập trung vào vấn đề hiệu lực của hợp đồng.

Phía Diêm Thống Nhất cho rằng, bản hợp đồng có giá trị khoảng 32 tỷ đồng, vượt quá 50% tổng giá trị tài sản của công ty trong báo cáo tài chính năm gần nhất 2010 (42 tỷ đồng).

Điều lệ công ty quy định với các hợp đồng như vậy phải thông qua ĐHCĐ, nhưng tổng giám đốc trước khi ký đã không thông qua ĐHCĐ.

Về công văn Phó tổng giám đốc Hoàng Tùng ký gửi SongHong Land có nội dung chấp thuận chấm dứt hợp đồng, đề nghị giảm 50% khoản bồi thường thiệt hại, phía Diêm Thống Nhất cho rằng trong hồ sơ vụ án có lời khai của ông Tùng thể hiện ông Tùng ký với tư cách cá nhân, không đại diện cho công ty.

Theo điều lệ công ty, với vị trí phó tổng giám đốc, ông Tùng chỉ được thực hiện các nhiệm vụ được giao và nếu ký thì phải có văn bản ủy quyền.

Trong khi đó, SongHong Land cho rằng việc ký kết hợp đồng được thực hiện bởi người đại diện theo pháp luật của hai bên, SongHong Land không thể giao dịch với ĐHCĐ Diêm Thống Nhất.

Vấn đề phân cấp, phân quyền là chuyện nội bộ của Diêm Thống Nhất. Hợp đồng có đủ chữ ký người đại diện theo pháp luật và được đóng dấu là đảm bảo có hiệu lực.

Thêm nữa, Diêm Thống Nhất đã biết việc tổng giám đốc ký vượt thẩm quyền nhưng không hề có văn bản phản đối, thể hiện qua việc chi phí cho thuê được ghi nhận trong các văn bản của ĐHCĐ, báo cáo tài chính năm 2011.

Liên quan đến vấn đề thiệt hại do hợp đồng bị chấm dứt, Công ty Diêm Thống Nhất cho rằng SongHong Land không hề có thiệt hại, không chứng minh được thiệt hại. 

Song, phía Hong Land cho rằng công ty chịu thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng bao gồm các chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí thi công và không cho thuê đất trong một thời gian dài (đến năm 2015, SongHong Land mới cho thuê được).

Tuy nhiên, SongHong Land không yêu cầu bồi thường các thiệt hại thực tế này mà yêu cầu bồi thường theo thỏa thuận hợp đồng: 50% giá trị thanh toán đợt 1, tương đương với 4,9 tỷ đồng.

Hiện, hội đồng xét xử vụ án đang nghị án kéo dài. Phóng viên sẽ thông tin tiếp về vụ việc.

Diêm Thống Nhất đã từng là thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Tuy nhiên, do sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng, sản phẩm Diêm Thống Nhất ngày càng bị thu hẹp. Doanh nghiệp này đã phải chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, sản xuất thêm bật lửa và bao bì – carton. 

Năm 2019, công ty đạt doanh thu 137 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 896 triệu đồng, tổng tài sản hơn 59 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 22 tỷ đồng.

Tin mới lên