Thị trường

Diễn đàn kinh tế số TP. HCM: Bắt đầu từ nguồn nhân lực

(VNF) - Ngày 15/4, UBND TP. HCM khai mạc Diễn dàn Kinh tế năm 2022 với chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP. HCM trong tương lai".

Diễn đàn kinh tế số TP. HCM: Bắt đầu từ nguồn nhân lực

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 900 đại biểu (ảnh Việt Dũng)

4 chủ đề chính của Diễn đàn là “Bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở TP. HCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030”;  “Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TP. HCM: định hướng 2025 và tầm nhìn 2030”; “Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: thách thức và giải pháp”; “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế”.

TP. HCM đặt mục tiêu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố.

Đặc điểm kinh tế TP. HCM với hơn 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với hơn 300.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể đang tạo ra sức sống cho đời sống kinh tế thành phố.

Mặc dù chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong mọi ngành kinh tế, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức, trong đó nổi bật là yếu tố nhân lực kể cả 2 khía cạnh: Nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhân lực dôi dư do không đáp ứng yếu cầu chuyển đổi số trong từng doanh nghiệp, thuận lợi và khó khăn đang đan xen nhau.

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM, công nghệ là quan trọng nhưng quan trọng hơn là yếu tố con người. Do đó, vấn đề đặt ra là vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra chính sách động lực để doanh nghiệp thấy được lợi ích và tự vượt qua thách thức thực hiện quá trình chuyển đổi số; đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã gợi mở cho chính quyền TP. HCM nhiều hướng đi trong chính sách, cách triển khai kinh tế số.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế số ở TP. HCM, lãnh đạo thành phố cần thiết phải thực hiện 4 nhiệm vụ.

Một là, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là nền kinh tế thực. Vì chỉ khi có nền kinh tế mạnh, hàng hóa dịch vụ dồi dào thì mới là nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế số, kinh doanh trực tuyến hay các dịch vụ cao cấp khác.

Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP. HCM trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, rà soát các bất cập về thể chế, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển.

Hai là, kinh tế số là vấn đề mới đối với Việt Nam, nhưng không mới đối với nhiều quốc gia, đã hình thành các khuôn khổ, cách tiếp cận chung có tính chất toàn cầu, với bản chất không biên giới. Do đó, cần tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế.

Ba là, định hướng chung và chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số đã có, vấn đề còn lại là triển khai nhanh chóng và hiệu quả vào các hoạt động thực tế của thành phố. Phương châm về thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số là “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thực tiễn, cụ thể”. Tuyệt đối không thể triển khai theo kiểu phong trào, vì chắc chắn sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, không hiệu quả.

Bốn là, trong giai đoạn trước mắt, một việc rất quan trọng nhưng ít tốn kém là nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng của nhân lực tham gia chuyển đổi số và kinh tế số. Chỉ khi nhận thức đúng, tức hiểu rõ và ủng hộ, doanh nghiệp mới dành thời gian, tiền bạc cho sự thay đổi có tính chất cách mạng này, khi đó mới thành công. Trong đó, sự chuyển biến nhận thức thực sự cần bắt đầu từ các cán bộ công chức trong bộ máy chính quyền.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, có thể chọn định hướng phát triển TP. HCM như một "viên ngọc xanh" trong kinh tế số.

Việt Nam đã đứng số 2 thế giới về xuất khẩu phần mềm và đứng thứ 10 thế giới về đào tạo kỹ sư. Năng suất lao động về xuất khẩu phần mềm rất cao, những người làm game trẻ tuổi có năng suất lao động gấp 20 - 30 lần xuất khẩu phần mềm.

Việt Nam là một quốc gia quyết liệt về chuyển đổi số. Riêng TP. HCM là ngọn cờ đầu về công nghệ thông tin của cả nước, có lực lượng nhân lực được đào tạo, là thành phố sử dụng kho dữ liệu tốt nhất trên cả nước.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng kinh tế số có vai trò rất lớn với TP. HCM trong xây dựng, kiến tạo...

Ông Trương Gia Bình kiến nghị, tất cả các trường đại học, cao đẳng và PTTH có thể đưa những môn khoa học liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… vào để có nguồn nhân lực lớn nhất thế giới. Đồng thời thí điểm những đổi mới, sáng tạo ngay ở TP. HCM, ở từng phường, từng quận.

Tin mới lên