Bất động sản

Diện mạo thành phố Thủ Đức từ góc nhìn chuyên gia

(VNF) - Thành phố Thủ Đức được thành lập từ sắp xếp các quận 2, 9, Thủ Đức, sẽ có một số cơ chế đặc thù để phát triển thành đô thị loại 1 trực thuộc TP. HCM. Dự kiến, nơi đây sẽ được hoàn chỉnh quy hoạch thành một đô thị vào cuối năm 2021 nếu được triển khai đúng tiến độ. Các chuyên gia đã đưa nhiều ý kiến đóng góp theo các góc nhìn khác nhau.

Diện mạo thành phố Thủ Đức từ góc nhìn chuyên gia

Diện mạo Thành phố Thủ Đức tương lai sẽ thế nào?

PGG.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên Giảng viên Đại học Bách khoa TP. HCM nhìn nhận, kế hoạch phát triển các đô thị vệ tinh đã được nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố nung nấu, kiên trì đề xuất qua từng nhiệm kỳ. Mô hình này nhắm đến phát triển khu đô thị trung tâm, song song với các đô thị vệ tinh, có giai đoạn gọi là các đô thị Đông, Tây, Nam, Bắc. Ở phía Đông, có ba quận 2, 9, Thủ Đức là tương đối hoàn chỉnh về mặt hạ tầng đô thị, nên TP. HCM quyết tâm làm trước.

Thành phố từng tổ chức cuộc thi cấp quốc tế để chọn được phương án quy hoạch cho khu vực trọng điểm của đô thị phía Đông. Tuy nhiên, vào lúc đó thì lãnh đạo TP. HCM cũng chưa tính đến một mô hình tách biệt “thành phố trong thành phố” với đầy đủ cấu hình của nó. Cũng vì tầm quan trọng và chưa có tiền lệ kể trên, quá trình hoàn chỉnh đề án phải nhắm đến được các mục tiêu cơ bản của một đô thị, như quy hoạch hạ tầng; hệ thống tiêu thoát nước hiện đại; tiêu chuẩn cư dân đô thị; nguồn nhân lực; cơ sở về chất lượng cuộc sống…

Theo Kỹ sư Thạch Hà Đông, người từng tham gia dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thì vấn đề về cơ chế tài chính cho một đô thị tự chủ là rất quan trọng. Nếu bị trói buộc bởi cơ chế cũ và quá nặng về tư duy kinh tế tập trung thì rất khó tạo đột phá trong khi phải bỏ công ra quy hoạch một đô thị hoàn chỉnh.

Theo chuyên gia này, TP. HCM đang thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 45 của Quốc hội thì cơ chế này cũng cần nghiên cứu cho riêng thành phố phía Đông. Cơ chế đặc thù là rất quan trọng, vì nếu không thể dựa vào vốn ngân sách nhà nước thì cần cơ chế thoáng để thu hút nhà đầu tư, nhất là nguồn lực xã hội hóa.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Biểu, Giám đốc công ty Bhome tại TP. HCM, dù hạ tầng đô thị của khu đông TP. HCM bao gồm 3 quận có những ưu điểm cụ thể nhưng cũng chưa hẳn không có yếu điểm. Về ưu điểm, thành phố Thủ Đức có quy mô ban đầu khoảng 1,1 triệu dân, lấy khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) quy hoạch thành trung tâm tài chính kinh tế của thành phố; khu công nghệ cao (quận 9) là nơi thực hành những ý tưởng sáng tạo và khu Đại học Quốc gia (quận Thủ Đức) là nơi ươm mầm cho nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên, vấn đề của cả ba quận phía Đông hiện nay là 50% là đất đô thị hiện hữu, còn lại nhiều khu đang phát triển tự phát, với đường giao thông hẹp, thiếu hạ tầng kết nối Đông - Tây. Nếu quy hoạch chỉnh trang, phải kiểm soát được tình hình xây dựng tự phát. Nếu tồn tại tình trạng xây nhà không phép, sai phép tràn lan như thời gian qua thì có thể dẫn đến mất kiểm soát, khiến cho các khu vực này có thể trở thành những khu ổ chuột mới của đô thị TP. HCM trong tương lai.

Theo ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP. HCM, thành phố Thủ Đức là vùng động lực phát triển mới bởi khu vực này đáp ứng đầy đủ các yếu tố để phát triển thành một khu đô thị đặc thù đầu tiên của TP.HCM. Khu vực này là nơi tập trung ba trục động lực lớn nhất, nổi bật nhất và quan trọng nhất, với mục tiêu là đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, có tính tương tác cao.

Động lực đầu tiên là khu đô thị Thủ Thiêm tại quận 2, thành phố đang có đề án xây dựng nơi đây thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đây sẽ là trục động lực về kinh tế - tài chính đặc biệt quan trọng. Thứ hai là trục động lực về khoa học công nghệ, chính là Khu công nghệ cao tại quận 9 - sẽ là nơi cung cấp các sản phẩm hàm lượng khoa học công nghệ cao, nơi ươm mầm khởi nghiệp; đồng thời thu hút rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế đến làm việc và sinh sống.

Thứ ba là trục động lực về giáo dục đào tạo với cụm Đại học Quốc gia và hàng loạt trường đại học tại TP. HCM, tập trung tại làng đại học Thủ Đức. Nơi đây sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao với hơn 100.000 sinh viên và hơn 2.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ. Ba trục động lực này có sự tương tác, hỗ trợ qua lại lẫn nhau và rất khớp nhau. Trong khi khu đô thị Thủ Thiêm tập trung nguồn lực tài chính thì làng đại học sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho Khu công nghệ cao. Những sản phẩm công nghệ quay lại phục vụ cho sự phát triển của thành phố…

Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, bộ máy hành chính của thành phố Thủ Đức cũng sẽ phải được tính toán để phù hợp với mô hình thành phố mới. Không tổ chức HĐND quận, phường, tuy nhiên, với thành phố Thủ Đức, ông nghĩ cần có HĐND để tăng thêm quyền của người dân trong việc giám sát.

Với một đô thị thông minh, công nghệ số sẽ xóa đi địa giới hành chính. Do đó, người dân không phải đi lại qua nhiều tầng nấc. Chính quyền thành phố sẽ tập trung đầu tư không chỉ về mặt hạ tầng giao thông, các thiết chế văn hóa, y tế, trường học mà còn là hạ tầng số. Tức là sử dụng băng thông rộng để người dân có thể sử dụng công nghệ số qua môi trường mạng.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, về mặt tổ chức chính quyền của thành phố Thủ Đức, không nên bỏ cấp quận mà vẫn giữ ba quận này, vì quy mô thành phố quá lớn, bỏ cấp quận là không phù hợp. Tuy nhiên, có thể tính toán giảm cấp phường vì theo tiêu chí đô thị thông minh thì tới đây nhiều thủ tục hành chính ở phường được thực hiện qua công nghệ số. "Vậy có thể tính toán đề xuất cơ chế chủ tịch thành phố Thủ Đức tới đây ngang cấp với phó chủ tịch UBND TP. HCM được không? Thành phố Thủ Đức trong tương lai, cần cơ chế đặc thù cho nó…", vị kiến trúc sư nêu vấn đề.

Theo cựu đại biểu Trần Du Lịch (nguyên Viện trưởng Viện kinh tế TP. HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng),  ập quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, tránh những bài học sai lầm đã mắc phải trước đây hay tình trạng lập quy hoạch rồi sửa. Quy hoạch xong phải chấp hành, thực hiện và triển khai nghiêm túc. Quy hoạch một thành phố phải khác quy hoạch của ba quận. Xây dựng bộ máy chính quyền hiệu quả, tăng tính chủ động để phát huy các lợi thế, tiềm năng sẵn có. Mô hình tổ chức bộ máy của thành phố Thủ Đức chắc chắn sẽ tinh gọn, năng động, hiệu quả hơn thay vì bộ máy của ba quận. Cần tăng tính tự chủ của thành phố mới, phân quyền nhiều hơn trong từng lĩnh vực để tăng tính năng động, sáng tạo, đặc biệt, bớt được cơ chế xin - cho.

Tin mới lên