Thị trường

Điện một giá và điện bậc thang: Chọn sao cho có lợi?

(VNF) - Đối với các khách hàng có mức tiêu thụ tiện điện lớn, việc lựa chọn điện một giá ở phương án 2 mà Bộ Công Thương đưa ra sẽ giúp tiết giảm tiền điện.

Điện một giá và điện bậc thang: Chọn sao cho có lợi?

Hai phương án giá điện

Bộ Công Thương mới đây đã công bố các phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện. Phương án một là biểu giá 5 bậc thang. Phương án 2 là khách hàng có thể lựa chọn giữa biểu giá điện 5 bậc thang (có điều chỉnh so với phương án 1) và biểu giá điện một giá.

Hai phương án giá bán điện của Bộ Công Thương

Với phương án 1, có thể thấy cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đã được rút từ 6 bậc (hiện hành) xuống 5 bậc. Trong đó, bậc 1 hiện hành ghép với bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (0-100kWh), giá bậc 1 mới bằng giá bậc 1 hiện hành.

Bậc 3 hiện hành (101 – 200kWh) được giữ nguyên, là bậc 2 mới.

Bậc 4 và bậc 5 hiện hành được ghép thành bậc 3 mới (201 – 400kWh).

Bậc 6 hiện hành (từ 401kWh trở lên ) được tách thành bậc 4 mới (401– 700kWh) và bậc 5 mới (từ 701kWh trở lên).

Với phương án 2, Bộ Công Thương đưa ra hai lựa chọn cho khách hàng. Ở lựa chọn 2A, biểu giá điện 5 bậc thang được giữ nguyên 4 bậc đầu, chỉ sửa đổi giá bậc 5 (thành 274%). Tương ứng, biểu giá điện một giá sẽ có mức giá bằng 145% giá bán lẻ điện bình quân.

Ở lựa chọn 2B, biểu giá điện 5 bậc thang cũng được giữ nguyên 4 bậc đầu, chỉ sửa đổi giá bậc 5 (thành 185%). Tương ứng, biểu giá điện một giá sẽ có mức giá bằng 155% giá bán lẻ điện bình quân.

Nếu phương án 2 thành hiện thực, khách hàng có quyền lựa chọn biểu giá 5 bậc thang hoặc biểu giá một giá. Mỗi lần chuyển đổi giữa hai lựa chọn biểu giá tối thiểu là 12 tháng.

Chọn sao cho có lợi?

Với cơ cấu biểu giá 5 bậc thang, có thể thấy ở cả hai phương án, 4 bậc giá đầu tiên đều như nhau. Điều này có nghĩa là các khách hàng sử dụng điện trung bình hằng tháng dưới 700kWh (chiếm tỷ lệ trên 98% tổng số khách hàng) có chi phí tiền điện bằng nhau.

Ở phương án 2, việc lựa chọn điện một giá sẽ có lợi hơn so với điện bậc thang trong trường hợp khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn.

Cụ thể, ở “lựa chọn 2A”, khách hàng sử dụng trên 800kWh chọn điện một giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn chọn điện bậc thang. Tương tự, ở “lựa chọn 2B”, khách hàng sử dụng trên 1.100kWh chọn điện một giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn chọn điện bậc thang.

Vì sao điện một giá lại cao hơn nhiều so với giá điện bình quân?

Theo Bộ Công Thương, trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, Bộ đã xây dựng và đưa ra phương án một giá áp dụng cho tất cả khách hàng sử dụng điện.

Phương án này có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, khắc phục được một số nhược điểm của cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bậc thang hiện hành.

Tuy nhiên nếu thực hiện phương án này thì toàn bộ khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh với số lượng là khoảng trên 18,7 triệu khách hàng (chiếm tỷ lệ xấp xỉ 75% tổng số khách hàng hiện nay) sẽ phải trả tiền điện thêm từ 19.000 - 39.000 đồng.

Số tiền ngân sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách xã hội cũng phải tăng từ khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm lên 1.240 tỷ đồng/năm do giá điện cao hơn bậc 1 hiện hành.

Đồng thời việc áp dụng giá điện một giá cho tất cả các đối tượng khách hàng sẽ không khuyến khích được việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.

Mặt khác, nếu áp giá điện một giá ở mức bằng mức giá bình quân thì để đảm bảo giá điện sinh hoạt bình quân không đổi sẽ phải điều chỉnh tăng mức giá bán lẻ ở các mức dưới 700kWh/tháng.

Phương án này có lợi cho các khách hàng sử dụng điện nhiều nhưng sẽ ảnh hưởng tới trên 98% khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội.

Tin mới lên