Tài chính

Điều gì giúp cổ phiếu MWG liên tục phá đỉnh?

(VNF) - Thời gian gần đây, cổ phiếu MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) liên tục tăng giá và phá đỉnh. Thống kê 3 tháng qua cho thấy, thị giá MWG đã tăng tới 40%, từ mức 83.559 đồng/cổ phiếu chốt phiên 12/5/2019 (tính theo giá điều chỉnh sau khi chia cổ tức) lên mức 117.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên 12/8/2019.

Điều gì giúp cổ phiếu MWG liên tục phá đỉnh?

Điều gì giúp cổ phiếu MWG liên tục phá đỉnh?

Theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, mức thị giá hiện tại vẫn chưa phản ánh hết "giá trị thực" của cổ phiếu MWG.

Trong một động thái mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã bất ngờ nâng giá mục tiêu mỗi cổ phiếu MWG thêm tới 31%, lên 215.000 đồng/cổ phiếu.

Cơ sở của việc nâng mạnh giá mục tiêu lần này là VCSC nâng dự báo lãi ròng các năm 2019, 2020, 2021 thêm lần lượt 5%, 12%, 15%, xuất phát từ việc tăng giả định doanh số/cửa hàng của chuỗi siêu thị mini và cập nhật mô hình định giá.

"Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS 30% trong giai đoạn 2018-2021, được dẫn dắt bởi chuỗi Điện máy Xanh và kỳ vọng của chúng tôi rằng chuỗi Bách hóa Xanh sẽ bắt đầu đóng góp lợi nhuận ròng trong năm 2021", VCSC cho hay.

VCSC cho biết dự báo lợi nhuận được điều chỉnh tăng khi công ty này gia tăng giả định lượng cửa hàng năm 2021 cho Điện máy Xanh từ khoảng 1.000 lên 1.300 cửa hàng. Cùng với đó, điều chỉnh giảm dự báo chi phí Hành chính & Quản lý, hiện đang tăng chậm hơn dự báo của VCSC.

Công ty chứng khoán này cũng nâng dự báo số cửa hàng vào cuối năm 2019, 2021, 2023 của Bách hóa Xanh lần lượt từ 900, 2.200, 4.200 trước đây lên 950, 2.800, 4.800 cửa hàng trong bối cảnh tốc độ mở cửa hàng Bách hóa Xanh đang tăng tốc.

VCSC cũng điều chỉnh tăng doanh số/cửa hàng/tháng dài hạn cho Bách hóa Xanh từ 1,3 tỷ đồng lên 1,7 tỷ đồng, đồng thời dự báo Bách hóa Xanh sẽ đóng góp gần 20% lãi ròng cho MWG vào năm 2023.

Chuỗi Bách hóa Xanh hiện bán cả đồ gia dụng

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng bày tỏ lạc quan vào triển vọng kinh doanh của MWG.

Trong báo cáo nhận định công bố mới đây, VDSC đánh giá mặc dù chuỗi Bách hóa Xanh vẫn chưa hòa vốn trên toàn hệ thống nhưng MWG đang "từng bước xóa tan những nghi ngờ ban đầu" về khả năng thành công khi một công ty bán lẻ điện thoại/điện máy chuyển sang bán thực phẩm.

Hiện MWG đang nhân rộng mô hình thành công đã tìm được từ TP. HCM ra các địa phương khác với các cửa hàng lớn cùng số lượng hàng hóa dồi dào (đặc biệt là hàng tươi sống), vị trí nằm gần hoặc ngay bên cạnh các chợ truyền thống, mức giá rất cạnh tranh (nhiều mặt hàng còn rẻ hơn chợ).

"Mặc dù làm tăng chi phí cũng như điểm hòa vốn, mô hình này làm Bách hóa Xanh nổi bật khỏi các chuỗi minimart khác trên thị trường, và quan trọng hơn cả, kéo khách trực tiếp từ các chợ truyền thống, mô hình bán lẻ đang thống trị tại Việt Nam", VDSC nhìn nhận.

Về mặt hiệu quả, nhờ vào chiến lược mới trong khâu mua hàng khi mua trực tiếp hàng tươi sống từ vùng trồng và nhập khẩu trái cây, cá biển từ cảng mà không qua thương lái, biên lợi nhuận gộp tăng lên 19% so với mức 18% đầu năm.

VDSC cho hay Bách hóa Xanh hiện là chuỗi có doanh thu thực phẩm tươi sống lớn nhất cả nước, với 9.000 tấn hàng bán trong tháng 6 (tăng 80% so với đầu năm). MWG cũng đang thử nghiệm mô hình bảo quản mới nhằm giảm thiểu tỷ lệ hủy hàng tươi sống. Kết quả từ 10 cửa hàng đầu tiên áp dụng mô hình cho thấy tỷ lệ hủy đã giảm xuống còn khoảng 1,5%, so với trung bình 3% của toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, MWG đang nhân rộng việc bán các loại đồ dùng nhà bếp và hàng gia dụng không chỉ tại Điện máy Xanh mà còn ở Bách hóa Xanh. Doanh thu trung bình từ các mặt hàng này đạt 500 tỷ/tháng, công ty đặt mục tiêu 7.000 tỷ cho năm nay, tương đương khoảng 7% tổng doanh thu dự kiến.

"Mặc dù có giá trị thấp, đồ dùng nhà bếp và hàng gia dụng có biên lợi nhuận cao (nhất là các sản phẩm nhãn riêng - private label) và vòng đời sản phẩm ngắn hơn nhiều so với hàng điện máy, cũng như không có rủi ro lỗi thời và mất giá hàng tồn kho", VDSC đánh giá.

Ngoài ra, đồng hồ đeo tay và mắt kính cũng là những mặt hàng được bổ sung vào danh mục của Thế giới di động và Điện máy Xanh.

Theo VDSC, thị trường của các sản phẩm này đang cực kỳ phân mảnh với thị phần hầu hết trong tay các cửa hàng nhỏ lẻ và hàng xách tay. Giá trị của thị trường đồng hồ chính hãng ước tính đạt 1 tỷ USD/năm, chưa kể số lượng tràn lan các sản phẩm xách tay và hàng nhái.

"Với biên lợi nhuận gộp trung bình đạt 30%-50% và hầu như không tăng chi phí vận hành vì được bán tại các cửa hàng hiện hữu, các mặt hàng mới này có tiềm năm rất lớn. Hiện tại mới chỉ có 34 cửa hàng có bán đồng hồ, khoảng 11.000 chiếc được bán trong tháng 6 (giá trị trung bình đạt 1,5 triệu/chiếc, tương ứng phân khúc giá rẻ) và tiềm năng cải thiện doanh thu cửa hàng hiện hữu là rất lớn", công ty chứng khoán nhận định.

Tựu chung, VDSC cho hay mặc dù vẫn chưa đạt hòa vốn, Bách hóa Xanh đang tăng trưởng rất tốt về doanh thu, lưu lượng khách hàng và nhận diện thương hiệu, đây là những tiêu chí tối quan trọng trong bán lẻ và chúng tôi cho rằng việc có lợi nhuận chỉ là vấn đề thời gian.

"Đối với Thế giới di động và Điện máy Xanh, vị tân CEO đang mang lại những làn gió mới với các chiến lược tăng trưởng cả về chiều rộng (mở mới cửa hàng) và chiều sâu (tăng trưởng SSSG). Mặc dù giá cổ phiếu đã tăng khá tốt trong thời gian qua, chúng tôi cho rằng cổ phiếu MWG vẫn đang rẻ hơn giá trị thực, nhất là đối với nhà đầu tư dài hạn", công ty chứng khoán này lạc quan.

Tin mới lên