Tài chính quốc tế

Điều gì xảy ra khi nhân dân tệ được đưa vào giỏ tiền dự trữ quốc tế?

Đại diện IMF đã phát tín hiệu mạnh mẽ về việc sớm đưa nhân dân tệ vào giỏ tiền dự trữ, Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), theo Bloomberg.

Điều gì xảy ra khi nhân dân tệ được đưa vào giỏ tiền dự trữ quốc tế?

SDR là gì?

IMF khởi động SDR vào năm 1969 nhằm thúc đẩy thanh khoản toàn cầu do hệ thống ấn định tỷ giá hối đoái Bretton Woods gặp vấn đề khó khăn.Tuy SDR về mặt kỹ thuật không phải là một đồng tiền, song nó cho phép các nước thành viên IMF đang nắm giữ có quyền sử dụng bất kỳ đồng tiền nào trong giỏ tiền tệ này - hiện SDR gồm USD, euro, yên và bảng Anh - nhằm đáp ứng nhu cầu cán cân thanh toán.

Do vậy, khả năng chuyển đổi các đồng tiền trong SDR thành nhân dân tệ theo nhu cầu đóng vai trò quan trọng. Giá trị nhân dân tệ hiện đang được tính theo tỷ giá của đồng tiền này với 4 đồng tiền trong SDR.

SDR trị giá bao nhiêu?

Hiện một khoản tiền tương đương 280 tỷ USD trong SDR đang được phân bổ cho các thành viên IMF tính đến tháng 9/2015, trong khi đó dự trữ ngoại hối toàn cầu hiện đạt 11,3 nghìn tỷ USD. Tính đến tháng 8, Mỹ nắm khoảng 50 tỷ USD trong SDR.

Vì sao Trung Quốc lại mong muốn nhân dân tệ có được vị thế đồng tiền dự trữ đến như vậy?

Trong bài phát biểu năm 2009, Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) Chu Tiểu Xuyên cho biết, khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm trầm trọng thêm rủi ro của hệ thống tiền tệ toàn cầu vốn lệ thuộc vào các đồng tiền dự trữ quốc gia. Tuy không đề cập trực tiếp đến nhân dân tệ, song ông Châu cho rằng SDR nên tính đến vai trò của "đồng tiền dự trữ siêu quốc gia" với việc đưa thêm đồng tiền của các nền kinh tế lớn vào giỏ SDR.

Sau cuộc gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà trắng hồi tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảm ơn Mỹ về ủng hộ đưa nhân dân tệ vào giỏ SDR. Có được vị thế này sẽ cho phép chính phủ Trung Quốc khẳng định việc chuyển dần sang nền kinh tế thị trường đang có được thành công.

Tại sao IMF có thể phê chuẩn việc này?

Việc sử dụng nhân dân tệ trên thế giới ngày càng phổ biến hơn kể từ khi IMF từ chối đưa đồng tiền này vào SDR trong lần xem xét gần đây nhất năm 2010. Tháng 8 vừa qua, nhân dân tệ đã vượt qua yên để trở thành đồng tiền được giao dịch phổ biến thứ 4 thế giới, theo SWIFT.

IMF sử dụng nhiều chỉ số khác nhau để xác định xem liệu một đồng tiền có được "sử dụng tự do" hay không - tiêu chí cơ bản để đưa vào giỏ SDR. Trong báo cáo hồi tháng 8, IMF cho biết nhân dân tệ đang bắt kịp các đồng tiền chủ chốt toàn cầu ở nhiều tiêu chí như được sử dụng trong dự trữ chính thức, nợ và giao dịch tiền tệ, nhưng cũng nhấn mạnh rằng 24 giám đốc điều hành IMF sẽ cần cân nhắc thêm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Nhiều nền kinh tế lớn, kể cả Mỹ, Đức và Anh, cho biết, họ sẵn sàng ủng hộ việc đưa nhân dân tệ vào giỏ SDR nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn của IMF.

Việc đưa nhân dân tệ vào giỏ dự trữ ngoại tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế sẽ giúp nâng cao vị thế toàn cầu của Trung Quốc cũng như khuyến khích các ngân hàng trung ương tăng cường dự trữ đồng tiền này.

Điều gì sẽ xảy ra đối với tài sản bằng nhân dân tệ trong dài hạn?

Theo Standard Chartered và Quỹ đầu tư AXA, ít nhất 1 nghìn tỷ USD dự trữ toàn cầu sẽ chuyển sang các tài sản bằng nhân dân tệ nếu đồng tiền này được đưa vào giỏ dự trữ quốc tế của IMF.

Tổng giá trị phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ của doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc có thể vượt 50 tỷ USD trong 5 năm tới, theo Công ty Tài chính Quốc tế của World Bank (IFC).

"Khi nhân dân tệ được đưa vào giỏ SDR, các nhà quản lý dự trữ ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư tổ chức sẽ muốn tích lũy tài sản bằng nhân dân tệ. Điều này có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược đối với Trung Quốc khi chào đón tất cả các đối tượng phát hành trái phiếu trên thị trường nội địa", Hua Jingdong, phó chủ tịch IFC, nhận định.

Tin mới lên