Tài chính quốc tế

Định giá của Klarna tăng gấp 3 lần lên 31 tỷ USD, tạo ra 2 tỷ phú Fintech mới

(VNF) - Thanh toán bằng Klarna đang dần trở nên phổ biến khi đem đến cho người dùng nhiều phương thức thanh toán tiện lợi trên shopify.

Klarna được thành lập vào năm 2005, và đi tiên phong trong mô hình "mua trước, trả sau" trong giới công nghệ tài chính. Mô hình này đã trở nên phổ biến kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ.

Mới đây, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2020, định giá của công ty khởi nghiệp Klarna đã huy động được 1 tỷ USD tiền tài trợ mới với mức định giá 31 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với mức định giá ban đầu của start-up này.

Cùng với đó, những nhà sáng lập và nhà đầu tư của công ty này cũng có khối tài sản tăng lên đáng kể, trở thành hai tỷ phú mới trong giới tài chính công nghệ.

Theo Forbes, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Klarna, ông Sebastian Siemiatkowski hiện sở hữu gần 8% cổ phần của Klarna và có tổng giá trị tài sản khoảng 2,2 tỷ USD.

Ông Victor Jacobsson, một nhà đồng sáng lập khác của Klarna, tuy đã rời công ty vào năm 2012 nhưng vẫn giữ khoảng 10% cổ phần và có tổng giá trị tài sản được ước tính là 2,7 tỷ USD.

Giám đốc điều hành của Klarna, ông Sebastian Siemiatkowski trở thành tỷ phú trong giới tài chính công nghệ.

Tham vọng của Klarna đang ngày càng tăng, CEO Siemiatkowski nói rằng mô hình này có cơ hội chuyển đổi hoạt động của ngân hàng bán lẻ giống như cách mà Tesla đã thay đổi ngành sản xuất ô tô.

Sau khi mức định giá của Klarna tăng gấp 3 lần, xếp hạng của công ty này còn đứng trước tất cả các ngân hàng Thuỵ Điển được niêm yết, chỉ sau Ngân hàng Nordea trong khu vực Bắc Âu.

Ông Siemiatkowski nói rằng Klarna đang có kế hoạch niêm yết công khai trong một hoặc hai năm tới. Việc niêm yết trực tiếp bao gồm việc bán cổ phiếu hiện có thay vì bán cổ phiếu mới và cắt bỏ vai trò của ngân hàng đầu tư.

Theo kênh CNN, ý tưởng này rất đơn giản. Khi khách hàng vào các trang mua sắm như ASOS, Gymshark hay Topshop, họ có thể trả tiền ngay lập tức bằng thẻ hay PayPal hoặc họ có thể trả tiền sau với Klarna.

Với Klarna, họ có thể hoàn thành đơn hàng mà không cần trả tiền luôn cho người bán hàng. Thay vào đó, họ trả tiền cho Klarna trong khoảng thời gian lên tới 30 ngày sau khi sản phẩm được giao.

Đặc biệt, Khách hàng có thể chọn trả tiền toàn bộ 30 ngày sau đó hoặc trả dần không lãi suất trong 3 hoặc 4 tháng. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể đăng ký chia giá của các đơn hàng đắt tiền thành 36 lần trả tiền theo tháng nhưng có lãi suất.

Klarna có gần bốn triệu người dùng hoạt động hàng tháng tại Mỹ và gần 90 triệu người dùng toàn cầu.

Dịch vụ "mua trước, trả tiền sau" không mới nhưng điều khiến Klarna khác biệt so với các nhà cung cấp thẻ tín dụng và các đơn vị cho vay truyền thống khác là có nhiều lựa chọn không tính lãi suất hay phí.

Trong các báo cáo tài chính của mình, vào năm 2020, Klarna đã xử lý 53 tỷ USD trong các giao dịch toàn cầu và tăng trưởng doanh thu 37% để đạt 1,2 tỷ USD. 

Đại diện phía Klarna từng có chia sẻ về sự tiện lợi của phương thức thanh toán này: “Với khách hàng, chúng tôi trao cho họ cơ hội nhận hàng và đảm bảo là họ hài lòng với thứ đã mua, kích cỡ vừa vặn, nhận đúng sản phẩm mình muốn. Nếu họ muốn trả lại, họ có thể trả luôn mà không cần chờ hoàn lại tiền vào tài khoản”.

Xem thêm >> Vì sao Apple thắng lớn tại Trung Quốc?

Tin mới lên