Tài chính

Định giá sai, Nhà nước suýt mất gần 21.000 tỷ đồng

(VNF) - Ngày 21/8 tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) đã tổ chức hội thảo "Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của Kiểm toán Nhà nước.

Định giá sai, Nhà nước suýt mất gần 21.000 tỷ đồng

Sau kiểm toán, Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn đã được điều chỉnh thêm 5.359 tỷ đồng

Tại hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi cổ phần hóa của 7 doanh nghiệp, xác định vốn nhà nước tăng thêm 20.818 tỷ đồng.

Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Có thể kể đến như: lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất…

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo

Minh họa cho các hạn chế trên, ông Hà Quang Hàm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng: "Trong thực tế, quá trình cổ phần hóa có tình trạng định giá thấp hơn giá trị doanh nghiệp, bán rẻ tài sản của nhà nước. Do đó, cần thiết phải có sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước.

"Việc thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa đã xảy ra rồi, như trường hợp Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang bán tài sản với giá rất thấp. Các chuyên gia của Anh đã chỉ cho chúng ta thấy có doanh nghiệp vừa đưa cổ phiếu ra thị trường, ngay phiên đầu tiên đã tăng giá 72% so với giá trị. Do đó, vấn đề định giá tài sản đúng chuẩn cần phải hết sức lưu ý để không làm thất thoát tài sản nhà nước".

Phân tích thêm, TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng cần thiết phải quy định khi xác định giá trị doanh nghiệp phải áp dụng ít nhất 2 phương pháp, trong đó một phương pháp chính và một phương pháp có tính chất kiểm tra, đối chiếu.

Theo ông Brian McEnery, Chủ tịch ACCA Toàn cầu, kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc đa dạng hóa sở hữu (về lý thuyết) giúp cải thiện việc ra quyết định của công ty, áp dụng các thực tiễn kinh doanh phù hợp hơn và đảm bảo nguồn vốn đa dạng hơn. Tuy nhiên, cơ hội chỉ có thể hiện thực hóa nếu có được chiến lược, giải pháp cải cách quản trị doanh nghiệp hiệu quả hỗ trợ.

Qua kiểm toán 8 doanh nghiệp nhà nước – vốn được các tổ chức tư vấn định giá xác định theo phương pháp tài sản Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn Nhà nước hơn 8.454 tỷ đồng.

8 doanh nghiệp gồm:

Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn đã được Kiểm toán Nhà nước điều chỉnh thêm 5.359 tỷ đồng, lên 72.874 tỷ đồng.

Công ty mẹ - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam tăng 1.994 tỷ đồng, lên 60.623 tỷ đồng.

Công ty mẹ - Tổng Công ty Dầu Việt Nam tăng thêm 512 tỷ đồng, lên 19.308 tỷ đồng.

Công ty mẹ - Tập đoàn Cao su Việt Nam tăng thêm 575 tỷ đồng, lên 49.868 tỷ đồng.

Công ty mẹ - Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ tăng thêm 95 tỷ đồng, lên 7.505 tỷ đồng.

Công ty mẹ Vinafood II tăng thêm 362 tỷ đồng, lên 14.630 tỷ đồng.

Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist tăng thêm 110 tỉ đồng, lên 6.145 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam tăng 293 tỷ đồng, lên 4.249 tỷ đồng.


Tin mới lên