Tài chính

Đo 'hấp lực' của các cổ phiếu công nghệ giữa lúc dòng tiền trở lại TTCK

(VNF) - Dòng tiền đang trở lại khá mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, kéo theo kỳ vọng giá cổ phiếu tiếp tục tăng. Tuy nhiên, bối cảnh lãi suất cao vẫn khiến nhà đầu tư lo lắng về rủi ro đảo chiều. Các cổ phiếu công nghệ được cho là nhóm ngành có được sự cân bằng tốt giữa lợi ích và rủi ro hơn nhiều nhóm ngành khác bởi tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn trong dài hạn của ngành công nghệ thông tin.

Đo 'hấp lực' của các cổ phiếu công nghệ giữa lúc dòng tiền trở lại TTCK

Đo 'hấp lực' của các cổ phiếu công nghệ giữa lúc dòng tiền trở lại TTCK

Loạt cổ phiếu công nghệ có P/E dưới 8 lần

So với mặt bằng chung của ngành công nghệ thông tin, có thể thấy cổ phiếu FOC của Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) hiện đang là một trong các cổ phiếu đang có được mức định giá hấp dẫn nhất với biên lợi nhuận cao.

Hiện nay, cổ phiếu FOC đang được giao dịch với mức P/E khá thấp, chỉ đạt 7,36 lần với mức giá 106.500 đồng/cổ phiếu chốt phiên gần nhất. Mặc dù vậy, thanh khoản của cổ phiếu này không phải là cao nên chỉ phù hợp cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, bù lại, tỷ lệ cổ tức hàng năm của FOC rất cao, có thể lên tới 200% cho 1 năm, tức mỗi cổ phiếu nhận về 20.000 đồng.

Về tình hình kinh doanh, trong 4 quý gần nhất, tỷ lệ thu nhập trên vốn chủ sở hữu (ROE) của FOC đang ở mức 40,16%, thuộc top cao nhất trong ngành. Ngoài ra, kết quả kinh doanh của công ty trong quý III vừa qua đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, FOC ghi nhận 214 tỷ đồng doanh thu và 67 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 63,47% và 55,42% so với quý III/2021

Bên cạnh đó, cổ phiếu ITD của Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong cũng đang được định giá khá thấp trong ngành. Hiện nay, cổ phiếu này đang được giao dịch ở mức P/E đạt 6,17 lần. 

Tình hình kinh doanh của ITD cũng trở nên đặc biệt tươi sáng trong năm nay. Cụ thể, luỹ kế 3 quý đầu năm 2022, ITD ghi nhận 635,92 tỷ đồng doanh thu và 27,66 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng mạnh gấp 2 và 4 lần cùng kỳ năm trước Theo đó, tỷ lệ ROE bình quân 4 quý gần nhất của ITD đang đạt 18,98%.

Một cổ phiếu khác cũng đang được định giá khá thấp với mức P/E đạt 7,48 lần là cổ phiếu ONE của Công ty Cổ phần Truyền thông Số 1. Trong 4 quý gần nhất, công ty ghi nhận mức ROE thấp, đạt 6,8%.

FOC tỏ ra vượt trội trong số các cổ phiếu công nghệ có P/E dưới 8 lần, trong khi ở nhóm có P/E khoảng 14 lần thì FPT tỏ ra nhỉnh hơn cả

Nhiều mã công nghệ có P/E khoảng 14 lần, FPT nhỉnh nhất

Trên thực tế, có một số cổ phiếu đáng chú ý ngành công nghệ thông tin được định giá với mức P/E khá tương đương, vào khoảng 14 lần.

Ở nhóm này, có thể nói “ông lớn” Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) đang được quan tâm nhiều nhất với biên lợi nhuận cao. Cụ thể, FPT đang có mức ROE đạt 27,94% trong 1 năm trở lại đây, khá cao so với trung bình ngành. Kết phiên 6/12, giá cổ phiếu FPT ghi nhận phiên tăng nhẹ, nâng mức P/E lên mức 14,02 lần.

Trong các dịch vụ công ty cung cấp, khối công nghệ, bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài của FPT tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 57% doanh thu và 46% lợi nhuận trước thuế của tập đoàn, tương đương 20.047 tỷ đồng và 2.970 tỷ đồng. Như vậy, sau 10 tháng, tập đoàn này đã thực hiện được 78% chỉ tiêu doanh thu và 85% mục tiêu lợi nhuận trước thuế mà công ty đặt ra hồi đầu năm.

Tương tự, cổ phiếu ADG của Công ty Cổ phần Clever Group và CMG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC đang có mức định giá khá tương đương. Tuy nhiên, mức ROE của 2 công ty này trong 4 quý gần nhất lần lượt là 16,4% và 18,3%, thấp hơn nhiều so với FPT.

Về phần ADG, quý III 2022, công ty tuy đã ghi nhận 126 tỷ đồng doanh thu, tăng 9,84% nhưng mức lợi nhuận sau thuế của công ty đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,8 tỷ đồng. Luỹ kế 3 quý đầu năm, mức lợi nhuận sau thuế của ADG đã tăng tới 23,79% và đạt 29,01 tỷ đồng.

Trái lại, năm 2022 chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng trong kết quả kinh doanh của CMG. Luỹ kế 3 quý năm nay, công ty này ghi nhận mức doanh thu là lợi nhuận sau thuế đạt 5.326 tỷ đồng và 257 tỷ đồng, lần lượt tăng 31,7% và 21,09%.

Ngoài các nhóm trên thì cổ phiếu ELC của Công ty Cổ phần Công Nghệ - Viễn Thông Elcom đang được định giá ở mức dưới 10 lần, trong bối cảnh ROE của doanh nghiệp này khá thấp, chỉ đạt 6,14%.

Trong khi đó, cổ phiếu ICT của Công ty Cổ phần Viễn thông - Tin học Bưu điện (HoSE: ICT) đang được giao dịch ở mức P/E đạt 17,57 lần, một trong những mức cao nhất trong ngành. Tuy nhiên, giá trị ROE của công ty này đang ở mức khá khiêm tốn trong 4 quý gần nhất, chỉ đạt 3,74%.

Tình hình hoạt động kinh doanh của ICT đã trở nên ảm đạm trong năm nay. Luỹ kế 3 quý đầu năm, doanh thu của ICT đã giảm 28,26% và đạt 1.041 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế giảm mạnh tới 81,18%.

Tin mới lên