Tài chính quốc tế

Doanh nghiệp cầm tiền cứu trợ mà không dám tiêu

Ngay khi cảm thấy may mắn vì nhận được tiền, nhiều doanh nghiệp nhỏ nhận ra chưa thể sử dụng vì quy định bất hợp lý của gói hỗ trợ.

Ngày 14/4, George Evageliou, nhà sáng lập công ty chế biến gỗ Urban Homecraft tại Brooklyn (New York), cảm thấy may mắn khi nhận được khoản vay 192.000 USD từ liên bang, thuộc chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trong đại dịch.

Theo quy định, Evageliou có 8 tuần để sử dụng số tiền kể từ ngày nhận được. Nhưng đã 3 tuần trôi qua, anh không dám tiêu một xu. Vấn đề là, nếu muốn được xóa nợ, anh phải dùng ba phần tư số tiền để trả lương cho 16 công nhân đã nghỉ việc.

Nhưng khi xưởng không có việc gì làm và đơn hàng lắp đặt tại nhà khách cũng không có, thuê lại họ cũng chẳng có ích lợi gì. Evageliou nói nếu New York vẫn phong tỏa đến giữa tháng 6, có thuê lại thì cũng vẫn phải sa thải họ thêm lần nữa. Anh cho rằng chính phủ đã khiến số tiền này trở nên khó dùng. "Tình hình giống như là cả hai cùng thua vậy", anh nói.

George Evageliou (bên trái) và đối tác Traven LaBotz. Ảnh: NYT.

Chương trình Bảo vệ Tiền lương trị giá 660 tỷ USD được đưa ra với mục đích duy trì khả năng tồn tại cho các doanh nghiệp nhỏ trong đại dịch, bằng cách giúp họ trả lương nhân viên. Tuy nhiên, nó vẫn có nhiều vướng mắc.

New York Times cho rằng rất nhiều doanh nghiệp nhỏ đã không nhận được tiền. Thay vào đó, hàng trăm triệu USD lại đang chảy vào các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ nhận được tiền thì lại không chắc sẽ phải dùng nó thế nào. Điều này được cho là làm giảm hiệu quả của chương trình vốn có mục đích giúp ổn định nền kinh tế trong đại dịch.

Một số người không cảm thấy cần phải thuê lại lao động khi kinh doanh đang chậm. Số khác cho rằng thời hạn 8 tuần quá ngắn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bối rối về khả năng được dùng tiền một cách linh hoạt. Họ muốn chi cho việc tái cấu trúc hoạt động khi thế giới đang thay đổi, hay mua thiết bị bảo hộ cho công nhân. Thế nhưng, theo quy định, họ phải dùng tiền cho các khoản cụ thể, như trả lương.

Các doanh nghiệp cũng nói rằng họ ngại các quy định của chương trình hỗ trợ, vì nó phức tạp, mơ hồ và vẫn còn đang được hoàn thiện. Kế toán, luật sư và bên cho vay cũng đang vật lộn tìm hiểu các quy định để hướng dẫn lại khách hàng của họ.

"Nó thật hỗn loạn", Howard M. Berkower - luật sư tư vấn cho khách hàng doanh nghiệp tại New York bình luận, "Các công ty chẳng hề dễ chịu khi phải dõi theo các quy tắc khi mà chúng vẫn đang được hoàn thiện".

Gói cứu trợ 2.000 tỷ USD quy định rằng các doanh nghiệp nhỏ - có ít hơn 500 nhân viên - có thể sử dụng tiền vay để trả lương, tiền thuê nhà, điện nước hoặc tiền lãi. Các khoản vay sẽ được miễn hoàn trả nếu chúng được chi trong 8 tuần, với các khoản như trả lương cho số nhân viên có trước đại dịch.

Bộ Tài chính và Cục Quản lý Doanh nghiệp nhỏ (SBA) đang điều hành chương trình. Họ đã thêm một hạn chế: Để khoản vay được xóa, các doanh nghiệp phải chi ít nhất 75% số tiền cho lương nhân viên. Mặt khác, người vay sẽ trả lãi 1% cho bất kỳ phần nào của khoản vay không được xóa.

Nhưng điều không rõ ràng là điều gì xảy ra nếu người vay giữ toàn bộ số tiền này như một khoản vay để sử dụng sau này? Hoặc họ tiêu hết số tiền trong vòng tám tuần rồi thì sau đó sẽ ra sao, khi mà kinh tế sẽ còn khó khăn trong vài tháng nữa.

Jodi Burns - chủ sở hữu của Blazed Fresh Donuts ở Guilford (Connecticut), làm ví dụ. Theo quy định, cô Burns có thể sử dụng khoản vay dưới 50.000 USD của chương trình cứu trợ để thuê lại 8 nhân viên của mình. Tuy nhiên, nếu làm vậy, cô cũng chỉ trả lương và để họ tiếp tục ở nhà vì tiệm bánh hiện chỉ mở cửa 12 giờ một tuần. Vì thế, cô muốn giữ lại số tiền này hơn 8 tuần và hy vọng nó sẽ được chấp thuận thành một khoản vay lãi suất thấp dùng để trả lương nhân viên và tiền mặt bằng khi cửa hàng có thể hoạt động nhiều hơn.

Burns không biết liệu có thể làm vậy không. Cô đã gọi cho SBA, một công ty luật và tổ chức cho vay để yêu cầu hướng dẫn, nhưng không ai đưa ra được bất kỳ sự đảm bảo nào. Hơn nữa, khi ký nhận số tiền, cô rất lo lắng về việc sẽ dùng sai mục đích. "Tôi không cố ý muốn gian lận ở đây", cô nói.

 

Cô Jodi Burns trong tiệm bánh của mình. Ảnh: NYT.

Nhiều luật sư cho rằng các khoản vay có thể được sử dụng rộng rãi. Một số nhân viên ngân hàng thì lý giải rằng vì chương trình cứu trợ này dựa trên các chương trình đã có của SBA, vốn khá linh hoạt nên chương trình này cũng sẽ vậy.

"Chúng tôi hiểu là miễn là số tiền được dùng cho hoạt động của doanh nghiệp, họ có thể sử dụng nó như một khoản vay vốn lưu động hiệu quả", John Asbury, Giám đốc Atlantic Union Bankshares tại Richmond (Virginia) cho biết.

Nhưng các quan chức Bộ Tài chính và SBA thì từ chối xác nhận như vậy. Khi được hỏi nếu các công ty muốn giữ tiền lâu hơn cho việc khác thay vì trả lương nhân viên ngay lúc này thì sao, một quan chức SBA nói rằng số tiền phải được sử dụng cho các mục đích phù hợp với "Chương trình bảo vệ tiền lương".

Ryan Hurst tại công ty tư vấn và kế toán RKL cho biết chương trình được đưa ra vội vã và vẫn còn mù mờ về các vấn đề quan trọng. "Mỗi ngày, tôi lại ngồi trước máy tính, cập nhật thông tin nhiều lần trong ngày, với hy vọng sẽ nhận được nhiều hướng dẫn hơn từ Bộ Tài chính và SBA", ông nói.

Vì SBA không cung cấp cho ngân hàng mẫu đơn đăng ký riêng dành cho chương trình cứu trợ, nhiều nhà băng đã dùng một mẫu chung với các điều khoản vốn không áp dụng cho chương trình này.

Dutchess Maye, chủ sở hữu của eduConsulting Firm, một nhà cung cấp dịch vụ giáo dục ở Raleigh (North Carolina), nhận được một hợp đồng từ ngân hàng mà không đề cập đến việc xóa nợ cho khoản vay trị giá 20.000 USD này. Công ty của cô vốn không nợ nần gì nên việc phát sinh khoản nợ làm cô hoảng sợ. "Tôi thấy như mắc bẫy", Maye nói.

Cô đã gọi lại cho ngân hàng và được trấn an rằng khoản vay đủ điều kiện để được xóa nợ. Tuy nhiên, người đại diện cô tham khảo ý kiến lại nói ngân hàng vẫn chưa biết quy trình sẽ thế nào. Cuối cùng, cô miễn cưỡng đặt bút ký vì sợ mất số tiền cứu trợ quý giá. Maye dự định để riêng 20.000 USD trong tài khoản tiết kiệm hiện tại để đề phòng. "Tôi phải có kế hoạch dự phòng trong trường hợp buộc trả lại", cô nói.

Chuỗi quán bar Coyote Ugly, đã đóng cửa từ giữa tháng ba đang ngồi trên đống tiền. Nhưng nhân viên pha chế và bảo vệ đã bị sa thải. Thông qua một ngân hàng nhỏ ở Louisiana, 9 trong số các quán bar của công ty đã xin được khoản vay cứu trợ doanh nghiệp nhỏ. Vào thời điểm đó, lãnh đạo công ty nghĩ rằng nền kinh tế có thể mở cửa trở lại trước khi các khoản vay đến hạn nên họ có thể dùng tiền để trả lương và mặt bằng.

Các chi nhánh vay được 40.000 - 120.000 USD vào giữa tháng 4/2020. Tuy nhiên, khi tiền về, Coyote Ugly lại nhận thấy sẽ không thể hoạt động lại trong thời gian dài nữa. Một số địa điểm có thể không bao giờ mở lại.

Hôm 18/4, Liliana Lovell, nhà sáng lập kiêm CEO công ty, nói với các quản lý quán rằng hầu hết trong số họ sẽ phải nghỉ việc. Một số rất tức giận khi biết rằng vẫn bị sa thải dù công ty vừa vay được tiền. Bà Lovell thừa nhận những bất bình đó, nhưng nói Coyote Ugly không có nhiều sự lựa chọn.

Bà cho rằng sẽ chẳng có ích gì khi trả tiền cho các quản lý để ngồi không. Tiền rồi cũng sẽ tiêu hết. Mà nếu dùng số tiền này để chi cho các khoản ngoài lương như đồ bảo hộ cá nhân hoặc dụng cụ vệ sinh, công ty sẽ phải trả lãi, làm suy yếu thêm khả năng tài chính vốn đã bấp bênh. Và thế là hàng trăm nghìn USD được gửi vào tài khoản ngân hàng Coyote Ugly, nhưng không được dùng đến. "Việc quan trọng với chúng ta là ngồi yên và chờ đợi", bà Lovell viết trong một email gửi các quản lý bị sa thải.

Ngay cả những công ty hài lòng với khoản vay cũng xem đây chỉ là biện pháp tạm thời. Erik Anderson là đồng sở hữu của một chuỗi các tiệm làm tóc cao cấp dành cho nam giới Scissors and Scotch - miền trung tây nước Mỹ. Ông và các đối tác nhượng quyền đều nhận được tiền cứu trợ và dùng nó để trả lương cho nhân viên, tiền thuê nhà và các tiện ích tại salon khi vẫn đóng cửa.

Bây giờ, một số tiểu bang nơi Scissors and Scotch có chi nhánh đang dần mở cửa trở lại. Nhưng ít thợ làm tóc có thể làm việc trong tiệm cùng lúc và ít khách hàng sẽ được phép vào. Tiền cứu trợ sẽ giúp bổ sung thu nhập cho các thợ làm tóc vì hiếm ai trong số họ làm đủ 35 giờ một tuần. Tuy nhiên, Anderson hiểu rằng ông không được phép dùng số tiền này cho việc sửa chữa không gian salon.

Ông đang hy vọng sẽ có thêm cứu trợ nếu có nhu cầu, hoặc không thì công ty cũng sẽ phải phá sản. "Khi dùng hết các khoản vay, chúng tôi phải làm gì sau đó?", Anderson băn khoăn.

Tin mới lên