Thị trường

Doanh nghiệp đổ hàng chục nghìn tỷ đồng vào kinh doanh hàng tết tại TP. HCM

(VNF) - Theo Sở Công Thương TP. HCM, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng chủ yếu từ 3 nguồn chính gồm: Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm từ 30% - 40% thị phần; các chợ đầu mối (mặt hàng rau - củ - quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60% - 70% thị phần; các doanh nghiệp khác chiếm 10% - 20% thị phần.

Doanh nghiệp đổ hàng chục nghìn tỷ đồng vào kinh doanh hàng tết tại TP. HCM

Doanh nghiệp đổ hàng chục nghìn tỷ đồng vào kinh doanh hàng tết tại TP. HCM

Ngay trước Tết Dương lịch, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng 2-3 lần so với tháng bình thường.

Tổng giá trị hàng chuẩn bị cho mùa Tết tại Saigon Co.op gần 4.922 tỷ đồng (gần 40% dành cho 9 nhóm hàng bình ổn thị trường, 60% cho các mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm khác). Đặc biệt, tiếp tục tung dịch vụ giao giỏ quà Tết xuyên Việt. 

Central Retail tại Việt Nam - đơn vị chủ sở hữu chuỗi siêu thị GO! và Big C dự báo nhu cầu mua hàng thực phẩm tươi sống sẽ tăng khoảng 50% trong dịp tết nên đơn vị này đã làm việc với các nhà cung cấp để chuẩn bị nguồn cung ứng thịt heo tăng khoảng 20%, thịt gia cầm tăng 25% so với tết 2020 để chủ động giá bán. Có ít nhất 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh được doanh nghiệp này cam kết không tăng giá bán dịp tết.

Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) với các đơn vị thành viên gồm Công ty Vissan, Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn… đã dự trữ 1.690,7 tấn gạo, thực phẩm chế biến, thịt gia súc và 5.072,1 tấn hàng hóa, thực phẩm khác với tổng giá trị khoảng 800 tỉ đồng. Trong đó, lượng hàng bình ổn thị trường Tết tăng 63% so tháng bình thường.

Công ty Vissan dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 1.380 tấn thịt heo các loại bán tháng trước tết, riêng tháng tết là 1.435 tấn.

Công ty chăn nuôi CP Việt Nam tung ra thị trường 236 tấn trong các tháng thường và tháng tết dự kiến là 600 tấn thịt các loại. Các doanh nghiệp này cũng cam kết giữ giá bình ổn, thấp hơn giá thị trường ít nhất 5%.

Sở Công Thương phối hợp sở - ngành có liên quan, UBND các quận - huyện để triển khai giải pháp đảm bảo cung ứng cân đối cung cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Dự kiến sẽ có 350 chuyến bán hàng lưu động tại các quận ven - huyện ngoại thành, khu chế xuất - khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết.

Nguồn hàng hóa cung ứng Tết Tân Sửu 2021 do các doanh nghiệp tại khu vực TP. HCM chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là 19.679,7 tỷ đồng. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối 22% - 54,5% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm 7.488 tấn (chiếm 54,5%), trứng gia cầm 67,9 triệu quả (47%), thực phẩm chế biến gần 1.052 tấn (28,1%), thịt gia súc 5.594 tấn (21%), dầu ăn gần 1.672 tấn (27,5%), gạo trên 3.943 tấn (31,5%)... Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, lượng hàng bình ổn thị trường sẽ được tăng cường, đảm bảo từ 35% đến 50% nhu cầu thị trường.

Tin mới lên