Diễn đàn VNF

Doanh nghiệp đóng cửa vì một quyết định hành chính, làm sao có nhiều thương hiệu mạnh?

Theo TS Nguyễn Đình Cung, chúng ta muốn kinh tế tư nhân phát triển nhưng vẫn muốn kiềm toả nó. Doanh nghiệp Việt Nam vì vậy không thể phát triển được. Số đông luôn ở trong tâm trạng không muốn lớn, số ít muốn lớn thì đại đa số họ không lớn lên được. Khi doanh nghiệp không muốn lớn hoặc không thể lớn thì không thể nói môi trường kinh doanh lành mạnh.

Doanh nghiệp đóng cửa vì một quyết định hành chính, làm sao có nhiều thương hiệu mạnh?

TS Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Quang Hiếu

Từ chỗ không được thừa nhận, kinh tế tư nhân tới nay được xác định trở thành động lực quan trọng, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Những thương hiệu lớn, xuất phát từ khu vực kinh tế tư nhân như Vingroup, Sun Group, Vietjet Air, TH True milk… không chỉ chinh phục niềm tin của người tiêu dùng trong nước, mà còn vươn lên, cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia ở thị trường nước ngoài.

Trong một cuộc trò chuyện gần đây, TS Nguyễn Đình Cung đã đưa ra nhận định về sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam.

Theo ông Cung, muốn đất nước lớn mạnh cần có doanh nghiệp mạnh. Doanh nghiệp mạnh được hiểu theo nghĩa không chỉ là 1, 2 doanh nghiệp mạnh, mà là cộng đồng doanh nghiệp mạnh, được phát triển dựa trên nguyên lý lành mạnh và nền tảng cạnh tranh công bằng.

Hơn 30 năm, kinh tế tư nhân từ chỗ không được thừa nhận tới được thừa nhận, rồi được coi là một bộ phận, sau trở thành một bộ phận cấu thành. Mới đây, kinh tế tư nhân được nhấn mạnh là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Sự thay đổi diễn ra rất chậm, trong khi lẽ ra nó phải là một trong những lực lượng chủ đạo để phát triển kinh tế.

"Chính vì chúng ta thay đổi chậm như vậy nên luôn trong trạng thái vừa thích nó, vừa cần nó nhưng cũng vừa ghét nó. Chúng ta muốn kinh tế tư nhân phát triển nhưng vẫn muốn kiềm toả nó. Doanh nghiệp Việt Nam vì vậy không thể phát triển được. Số đông luôn ở trong tâm trạng không muốn lớn, số ít muốn lớn thì đại đa số họ không lớn lên được.

Muốn kinh tế tư nhân phát triển, chúng ta phải giải được 2 bài toán vừa nêu: khuyến khích doanh nghiệp lớn lên và bảo vệ cho doanh nghiệp lớn lên được. Hơn thế, phải để họ được phát triển, cạnh tranh một cách công bằng”, TS Nguyễn Đình Cung cho biết.

Ông Cung cũng cho rằng, nhiều người nói về quyền tự do kinh doanh, nhưng không đề cập tới yếu tố an toàn trong hoạt động kinh doanh. Gần như không có cơ chế nào bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp một cách hiệu quả.

“Một doanh nghiệp có thể đóng cửa chỉ vì một quyết định hành chính, dẫn tới cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy không an toàn. Còn khi doanh nghiệp không muốn lớn hoặc không thể lớn thì không thể nói môi trường kinh doanh lành mạnh", TS Nguyễn Đình Cung nói.

Bởi vậy, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, không nên nói chuyện cách mạng công nghiệp 4.0 hay 5.0, bởi thể chế nếu không khuyến khích và nuôi dưỡng sự sáng tạo sẽ kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.

TS Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh: Quang Hiếu

Cùng chia sẻ về chủ đề bình đẳng trong cạnh tranh, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, đưa ra một phép so sánh: "Bình đẳng trong môi trường của mình là một sự bất bình đẳng. Bởi bắt một doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với một doanh nghiệp Nhật Bản hay Mỹ giống như bắt một võ sĩ 45kg đấu với một võ sĩ hạng siêu nặng. Nếu gọi bình đẳng là một sự vô duyên”.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, chỉ Nhà nước thúc đẩy, che chắn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa thì doanh nghiệp nội địa mới lớn lên được.

“Đó mới là Nhà nước kiến tạo phát triển, chứ không phải tạo một khuôn khổ cạnh tranh bình đẳng là Nhà nước kiến tạo phát triển. Tất cả các nước Đông Bắc Á đều đi theo hướng này, Trung Quốc là nước gần nhất vươn lên”, ông Dũng phân tích.

TS Nguyễn Sĩ Dũng tiếp lời: "Nhà nước che chắn cho một vài doanh nghiệp sản xuất ô tô thì chúng ta phê phán rất nặng nề. Không có điều đó, không tạo đột phá thì đừng nói cạnh tranh bình đẳng với các nước mà ta lên được.

Chúng ta có doanh nghiệp tư nhân thì phải tạo điều kiện cho họ vươn lên cạnh tranh, đừng nói đến chuyện cạnh tranh bình đẳng theo mô hình Mỹ, theo cách phương Tây. Theo mô hình Mỹ, mà không có văn hóa Mỹ không bao giờ lên được. Văn hóa của mình khác, phải lớn lên đã rồi hãy tính”.

Từ đây, ông Sĩ Dũng đề xuất, Việt Nam cần phải có đội ngũ hành chính công vụ tinh hoa, nếu như không có đội ngũ này thì không thể có nhà nước kiến tạo phát triển.

Sau khi làm được điều đó, Việt Nam vẫn cần phải vượt qua một số thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là tự do hóa thương mại, ký kết hiệp định thương mại với rất nhiều nước, nếu Nhà nước không can thiệp để giúp đỡ doanh nghiệp trong nước thì doanh nghiệp sẽ rất khó phát triển.

Tin mới lên