Thị trường

Doanh nghiệp kêu khó với dự thảo nghị định về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

(VNF) – Một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cho rằng trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (gọi tắt là dự thảo) có nhiều quy định chưa hợp lý, gây khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp kêu khó với dự thảo nghị định về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

Doanh nghiệp kêu khó với dự thảo nghị định về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

Nhóm doanh nghiệp phản ánh về dự thảo gồm: Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam, Công ty TNHH Canon Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội dệt may Việt Nam, Hiệp hội thương mại Mỹ tại TP. HCM và Đà Nẵng...

Thủ tục cấp giấy phép môi trường phức tạp, trùng lặp

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nêu trên, trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và xin cấp giấy phép môi trường (GPMT). Nhưng với quy định mới, các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II, kể cả đã hoạt động, cũng phải làm ĐTM và xin cấp GPMT. Quy định này làm tăng thủ tục hành chính do hồ sơ cấp phép và quy trình cấp phép rất phức tạp, trùng lắp, nhưng lại không có hiệu quả.

Cụ thể, về hồ sơ, Luật Bảo vệ môi trường quy định hồ sơ xin cấp GPMT gồm 3 mục. Trong dự thảo cũng gồm 3 mục lớn, trong các mục lại chia ra đến 15 mục nhỏ khiến hồ sơ phức tạp. Mục 2 có 10 mục nhỏ thì 9 mục đã nộp trong hồ sơ xin duyệt ĐTM. Nhiều mục trùng lặp khác.

Quy trình cấp phép trùng lặp, không rõ ràng. Với quy định trong điều 27-29 của dự thảo, phần lớn doanh nghiệp sẽ phải trải qua 2 lần thẩm định và 2 lần kiểm tra thực địa (thẩm định & kiểm tra thực địa ĐTM + thẩm định và kiểm tra thực địa khi cấp GPMT.  Điều 29 không quy định rõ thời gian kiểm tra hồ sơ, thời gian thẩm định và kiểm tra thực địa khi cấp phép.

Quy trình cấp phép được cho là không hiệu quả để bảo vệ môi trường do chỉ là tiền kiểm. Lấy mẫu kiểm tra các công trình xử lý chất thải khi còn chưa vận hành thử nghiệm thì rất khó có kết quả chính xác. Hơn nữa, việc chỉ cấp phép tiền kiểm mà không hậu kiểm thì không thể phát hiện được các vi phạm, mà bài học đau đớn là trường hợp Forrmosa.

Ngoài ra, Điều 30 khoản 3c quy định phải đánh giá hiệu quả xử lý của các công trình xử lý chất thải  trước khi cấp GPMT cũng chưa hợp lý vì với các công trình xây dựng như cầu, đường… vốn không có các công trình xử lý chất thải thì làm sao cấp được GPMT?

Thủ tục cấp GPMT điều chỉnh hay cấp lại (Điều 33) cũng rất phức tạp. Báo cáo đề xuất cấp điều chỉnh, cấp lại dài 100% như cấp mới. Có những quy định nằm ngoài Luật Bảo vệ môi trường, ví dụ các điểm b, c, d chỉ bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư nhưng vẫn phải cấp lại và làm báo cáo ĐTM ngay cả khi không làm tăng tác động xấu đến môi trường. 

Điều này đi ngược lại với Nghị quyết 68/2020/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ chỉ đạo: “Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định…. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh… ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.”

Việc kiểm tra thực địa 2 lần trong quá trình cấp phép cũng không phù hợp với Nghị quyết 19/2018/NQ-CP của Chính phủ chỉ đạo “chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm”.

Các hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị cần phải tránh trùng lặp hồ sơ bằng cách những hồ sơ đã nộp khi xin duyệt ĐTM thì không nộp lại khi xin duyệt GPMT;

Chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm bằng cách chấp nhận các cam kết của DN khi cấp GPMT, bỏ kiểm tra thực địa khi cấp GPMT, thay bằng hậu kiểm, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các nội dung GPMT được cấp;

Bỏ thời gian kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ (vì đơn giản là đếm số đầu mục) và quy định rõ thời gian thẩm định, yêu cầu bổ sung phải rõ ràng, cụ thể, có cơ sở khoa học và pháp lý, chỉ yêu cầu bổ sung 1 lần.

Quan ngại về phí tái chế sản phẩm, bao bì (EPR)

Các hiệp hội, doanh nghiệp cũng bày tỏ sự quan ngại về phí tái chế sản phẩm, bao bì (EPR) do cách tính, thu, quản lý có nhiều điểm bất hợp lý và thiếu minh bạch.

Cụ thể, các hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng cách gọi “đóng góp” chứ không gọi là phí không hợp lý. Bởi cách gọi “đóng góp” sẽ khiến khoản tiền này nằm ngoài ngân sách nhà nước, việc thu chi không phải chịu sự quản lý của nhà nước theo luật quản lý phí và lệ phí mà do Văn phòng EPR tự quyết định.

Việc Văn phòng EPR thu tiền để tái chế thay cho doanh nghiệp thì rõ ràng Văn phòng EPR phải chịu trách nhiệm về việc tái chế đó, nhưng dự thảo không có bất cứ quy định nào về việc nếu không hoàn thành trách nhiệm thì Văn phòng EPR có chịu trách nhiệm trước pháp luật không.

Vì vậy, với quy định này, các hiệp hội, doanh  nghiệp lo rằng tiền doanh nghiệp vẫn nộp mà môi trường vẫn bẩn.

Công thức tính phí cũng được cho là chưa rõ ràng. Tỷ lệ tái chế bắt buộc 80-90% ngay lúc đầu là quá cao, vì ngay cả châu Âu lúc đầu cũng chỉ đạt 50-60%, rất khó thực thi.

Các hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị lùi lộ trình nộp phí tái chế đến 1/1/2025, vì nếu nghị định áp dụng vào ngày 01/01/2022 thì doanh nghiệp sớm phải chịu thêm chi phí trong khi vẫn đang rất khó khăn để chống dịch, thêm vào đó là giá hàng hóa tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng đang rất khó khăn

Ngành thủy sản thêm khó

Theo phản ánh của các doanh nghiệp thủy sản, gần 2 tháng thực hiện “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp này đối mặt với muôn vàn khó khăn và áp lực đứt gãy toàn chuỗi từ nuôi - khai thác - chế biến- xuất khẩu.

Theo tính toán của sơ bộ của các doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”, giá thành trên đơn vị sản phẩm đã tăng 10-25% tùy theo loại sản phẩm (tôm, cá tra, cá ngừ, hải sản...) và quy mô công suất chế biến. Một doanh nghiệp trung bình sẽ lỗ khoảng 30%/tháng nếu duy trì sản xuất “3 tại chỗ” với chỉ 1/3 công suất và sẽ thiệt hại 50-55%/tháng nếu ngưng sản xuất.

Đang ngồi trên đống lửa thì các doanh nghiệp thủy sản lại thêm lo vì dự thảo quy định rằng các nhà máy chế biến thủy sản có lưu lượng xả nước thải ra môi trường từ 200 m3/ngày trở lên đã phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải.

Tạm tính, giá thành đầu tư hệ thống đã tới hàng tỷ đồng, chi phí vận hành trung bình từ 10 - 30 triệu đồng/tháng... Thêm đầu tư một hệ thống vừa đắt đỏ, kết quả không chính xác nhưng doanh nghiệp vẫn có nguy cơ bị phạt.

Hiện nay, theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường thì các nhà máy chế biến thủy sản có dung lượng xả thải 500 m3/ngày phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải. Nhưng theo thống kê, cho tới nay, tại nhiều địa phương, chỉ có 1 doanh nghiệp chế biến thủy sản lắp đặt được hệ thống này...

Tin mới lên