Thị trường

Doanh nghiệp lữ hành điêu đứng khi dịch Covid-19 tái bùng phát

(VNF) - Chưa thể hồi phục do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 giai đoạn đầu năm, ngành du lịch lại tiếp tục lao đao trước làn sóng lây nhiễm thứ hai. Bức tranh u ám có thể sẽ kéo dài, báo hiệu một mùa kinh doanh khó khăn nữa đối với các doanh nghiệp lữ hành.

Doanh nghiệp lữ hành điêu đứng khi dịch Covid-19 tái bùng phát

Doanh nghiệp lữ hành tiếp tục điêu đứng trong quý III?

Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho nền kinh tế, trong đó, ngành du lịch chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất. Từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay - giai đoạn cao điểm dịch trong nước, thống kê cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm rất sâu.

So với cùng kỳ năm 2019, lượng du khách quốc tế trong tháng 6 giảm tới 99,3%, tương đương giảm gần 1,2 triệu lượt người. Đó là con số kỉ lục, chưa từng có trong nhiều năm qua. Lượng khách quốc tế đến du lịch có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, do nguồn tiền ngoại đổ về qua việc chi tiêu, mua sắm.

Sự khó khăn toàn ngành thể hiện ngay qua kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp lữ hành niêm yết trên sàn. Báo cáo tài chính quý II của nhiều doanh nghiệp cho thấy, doanh thu thuần trong quý sụt giảm rất mạnh, khó giữ được lợi nhuận dương.

Có thể kể đến công ty lữ hành Vietravel (UPCoM: VTR), mới chỉ nửa đầu năm đã thua lỗ gấp 3 lần mức dự kiến cho cả năm, ở mức 80 tỷ đồng. Riêng doanh thu thuần quý II rất giảm sâu, từ mức 2.204 tỷ đồng xuống còn 205 tỷ đồng, khiến công ty lỗ sau thuế 38 tỷ đồng.

Ở một trường hợp khác, doanh thu lữ hành và doanh thu vé máy bay đồng loạt giảm mạnh 98% và 77% so với cùng kỳ đã làm cho Dịch vụ Du lịch Bến Thành - BenThanh Tourist (UpCOM: BTV) phải báo lỗ hơn 7 tỷ đồng trong quý II. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, BenThanh Tourist ghi nhận doanh thu thuần giảm 60%. Trừ chi phí, công ty báo lỗ hơn 15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 6 tỷ đồng.

Để tự cứu lấy mình, ngành du lịch trong nước đã có bước "phá băng", đó là tập trung phát triển thị trường du lịch nội địa - giải pháp hiệu quả nhất lúc này. Chính quyền các địa phương cũng liên kết với nhau, cùng triển khai các chương trình kích cầu du lịch trong nước, bao gồm cam kết giảm giá, tạo thêm nhiều ưu đãi cho du khách...

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, du lịch nội địa mới trên đà hồi phục, các doanh nghiệp lữ hành chủ yếu triển khai gói tour kích cầu nội địa với giá rẻ, nhiều ưu đãi và chưa có lợi nhuận, thì "bóng ma" Covid-19 lại có dấu hiệu trở lại với tâm dịch ở Đà Nẵng.

Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, từ 28 đến 30/7 (thời điểm có bệnh nhân Covid-19 mới tại Đà Nẵng), có hơn 7.500 du khách của 22 đơn vị lữ hành Hà Nội hủy tour đã đăng ký trước đó.

Còn theo Sở Du lịch TP. HCM, báo cáo sơ bộ của 11 doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn cho thấy các doanh nghiệp đều gặp tình trạng khách hủy chương trình du lịch hàng loạt.

Trong đó riêng hai ngày 26 và 27/7, Vietravel có gần 21.000 khách hủy với doanh thu dự kiến hơn 88 tỷ đồng. Doanh nghiệp Saigontourist là hơn 10.000 khách hủy... Với các doanh nghiệp khác như BenThanh Tourist, Lữ hành Fidi, Công ty du lịch Hòa Bình, Công ty du lịch TST, Công ty Đất Việt... cũng có từ 5.000 khách hủy trở lên.

"Mặc dù doanh nghiệp đã cố gắng thương lượng dời lịch hoặc đổi địa điểm nhưng với tâm lý lo ngại dịch bệnh, khách hàng chỉ nhất quyết hủy, cho dù gặp rủi ro không thể hoàn toàn bộ số tiền đã thanh toán", lãnh đạo của một đơn vị lữ hành cho biết.

Không chỉ là các chuyến đi tới Đà Nẵng, Hội An bị hủy mà còn nhiều chương trình khác như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt cũng gặp tình cảnh tương tự. Hầu hết các tour bị khách hủy là các chuyến sát ngày, doanh nghiệp lữ hành đã thanh toán tiền cho các đối tác, cho nên họ gặp khó trong việc hoàn tiền cho khách hàng.

Theo đánh giá, đợt bùng phát dịch trong cộng đồng lần này sẽ tác động không nhỏ tới ngành du lịch, khi hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này đều vừa quay lại hoạt động và vẫn còn rất "mỏng manh".

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng sau đợt dịch lần này, sẽ có nhiều doanh nghiệp khó gượng nổi. Các doanh nghiệp vẫn đang quá khó khăn, nhân viên của nhiều công ty mới chỉ đi làm lại được gần một tháng thì bây giờ rơi vào cảnh ở nhà, chờ việc, chi phí dự phòng của nhiều doanh nghiệp gần như cạn kiệt.

Trước tình hình này, mới đây, Hiệp hội Du lịch TP.HCM đã có văn bản gửi Tổng cục Du lịch kiến nghị về chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đàm phán hoãn hủy tour, đề nghị các đơn vị cung ứng chia sẻ tổn thất với đơn vị lữ hành.

Tương tự, Hiệp hội Du lịch Hà Nội vừa có công văn đề nghị Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch trong cả nước tạo điều kiện, vận động các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn cùng chia sẻ thiệt hại do dịch Covid-19 thông qua các hình thức như bảo lưu tour, bảo lưu dịch vụ đến thời điểm thích hợp, không phạt hủy hoặc có thể hoàn lại chi phí cho các doanh nghiệp lữ hành.

Tin mới lên