Diễn đàn VNF

Doanh nghiệp muốn tiếp tục cắt giảm nhiều chi phí ‘râu ria’

(VNF) - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhiều bộ, ngành gần đây đã đề xuất cắt giảm các loại phí lệ phí cho doanh nghiệp. Tổng số thông tư về phí, lệ phí được đề xuất sửa đổi để loại bỏ, cắt giảm phí đã gửi lấy ý kiến VCCI tính từ tháng 9 tới nay là 15 thông tư.

Doanh nghiệp muốn tiếp tục cắt giảm nhiều chi phí ‘râu ria’

Ảnh minh họa.

Báo cáo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2017 (VBF 2017), VCCI đánh giá cao nỗ lực cắt giảm các loại phí và tin rằng các đề xuất cắt giảm này sẽ giúp tiết kiệm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, VCCI cho rằng nỗ lực cắt giảm phí thực ra có thể làm tốt hơn nữa bởi nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, theo VCCI, một số loại phí, lệ phí lẽ ra được bãi bỏ nhưng chưa được Bộ đề xuất bỏ. Ví dụ như Phí cung cấp "Thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh" quy định tại Thông tư 215/2016/TT-BTC. 

Lý do đề nghị bãi bỏ được VCCI cho biết là theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp sau khi thành lập phải công bố công khai nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia. Do đó yêu cầu doanh nghiệp, các đối tượng khác phải trả phí để có thông tin đã được công khai này là chưa hợp lý.

Cũng theo VCCI, mức đề xuất giảm một số loại phí, lệ phí còn rất khiêm tốn. Tất cả các dự thảo đều đề xuất giảm phí, lệ phí xuống mức thấp hơn mức hiện tại. Tuy nhiên VCCI nhận thấy rằng nhiều trường hợp mức giảm rất hạn chế, chưa thể hiện đúng tinh thần cải cách, thay đổi thực sự mà doanh nghiệp kỳ vọng. 

Hai nhóm bất cập lớn qua những đề xuất cắt giảm này có thể thấy đó là mức phí, lệ phí dù đã giảm nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với chi phí mà cơ quan Nhà nước bỏ ra, trái với bản chất của phí. Cùng với đó, mức phí, lệ phí dù đã giảm nhưng vẫn còn cao hơn so mức phí, lệ phí của các trường hợp có tính chất tương tự.

Đối với chi phí tiếp cận mặt bằng kinh doanh, điều tra PCI 2016 cho thấy doanh nghiệp gặp khó khăn đáng kể về tiền thuê đất phục vụ sản xuất kinh doanh (53% gặp khó khăn, trong đó 25% là do giá đất theo quy định của Nhà nước cao và tăng quá nhanh; 35% cho biết giá thuê mặt bằng kinh doanh trên thị trường cao, đặc biệt trong các khu /cụm công nghiệp). 

Do vậy, VCCI đề xuất: Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ ngành thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết 35 về rà soát để điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí liên quan tới đất của doanh nghiệp, báo cáo cụ thể với Chính phủ về các kết quả thực hiện. 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đề nghị có chính sách phù hợp với các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng các khu/cụm công nghiệp (ví dụ cơ chế nộp tiền thuê đất hàng năm thay vì cả giai đoạn 40-50 năm), qua đó giảm bớt giá cho thuê đất mà các doanh nghiệp này áp dụng.

Đối với chi phí liên quan tới lao động, mức lương tối thiểu tăng hàng năm liên tục và ở mức cao khiến chi phí sản xuất tăng. 

Bên cạnh đó, phạm vi tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đã mở rộng, bao gồm không chỉ tiền lương mà còn cả phụ cấp, các khoản thu nhập khác…dẫn tới tổng tiền bảo hiểm doanh nghiệp phải nộp tăng cao; chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động cũng đang ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp… 

 Theo đó, giải pháp đề xuất được VCCI đưa ra là cần có lộ trình tăng lương tối thiểu hợp lý, có các nguyên tắc về việc tăng lương (ví dụ phải có căn cứ khoa học gắn với tỷ lệ tăng năng suất lao động, chỉ số giá tiêu dùng và tăng trường kinh tế); đồng thời xem xét giới hạn phạm vi các khoản thu nhập làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội.

VCCI cũng đề nghị rà soát để giảm bớt các điều kiện đầu tư, điều kiện kinh doanh không hợp lý, không cần thiết đối với các cơ sở, đơn vị giáo dục, đào tạo (trong đó có đào tạo nghề), tạo điều kiện để tăng số lượng các cơ sở đào tạo, qua đó tăng nguồn cung lao động có chất lượng cho doanh nghiệp, giúp giảm chi phí đào tạo, đào tạo lại tại doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động.

Với phí giao thông đường bộ, VCCI ghi nhận một bất cập hiện nay mà nhiều doanh nghiệp phản ánh là các dự án BOT giao thông có chi phí quá cao, việc xác định thời gian thu phí, mức phí giao thông khi đưa dự án BOT vào hoạt động lại không được giám sát chặt chẽ, dẫn tới tình trạng phí cầu đường quá cao ở một số tuyến giao thông trọng điểm, làm tăng chi phí vận tải của doanh nghiệp.

Theo đó, VCCI đề nghị có quy định bắt buộc đấu thầu cạnh tranh đối với các dự án BOT nhằm lựa chọn nhà đầu tư có mức phí và thời gian thu phí thấp nhất; Đề nghị tăng cường các biện pháp đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu và giám sát thực hiện dự án cũng như việc thu phí.

Cũng theo VCCI, chi phí logistics đang chiếm tỷ lệ rất cao trong chi phí kinh doanh của doanh nghiệp (20% GDP theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới) mà nguyên nhân chủ yếu là: thủ tục thông quan (hải quan và kiểm tra chuyên ngành) phức tạp; các khu, cụm công nghiệp chưa gắn kết tốt với quy hoạch hạ tầng giao thông; hạ tầng các dịch vụ kho bãi thiếu và yếu… 

VCCI qua đó muốn đề xuất Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện nghiêm túc và hiệu quả việc cải cách về kiểm tra chuyên ngành thông qua việc giảm các loại hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; giảm tần suất kiểm tra, giảm thời gian, chi phí kiểm tra…

"Cùng với đó, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia thông qua việc quy định thời hạn cụ thể yêu cầu các Bộ, ngành phải hoàn tất việc tham gia Cơ chế một cửa quốc gia; hoàn thiện cơ sở kỹ thuật, hạ tầng vận hành, tốc độ kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia giữa các Bộ ngành với nhau và với doanh nghiệp. Tăng cường các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quy hoạch trong xây dựng nội dung các quy hoạch trong Luật Quy hoạch, các Luật khác có liên quan và các văn bản hướng dẫn Luật này", VCCI nêu.

Tin mới lên