Bất động sản

Doanh nghiệp nêu nhiều vướng mắc khi đầu tư vào Kon Tum

(VNF) - Các doanh nghiệp đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư tại Kon Tum, như vướng mắc về thủ tục pháp lý đầu tư, cơ chế chính sách, lĩnh vực đất đai, chuyển đổi đất rừng…

Doanh nghiệp nêu nhiều vướng mắc khi đầu tư vào Kon Tum

Ảnh minh họa.

Những thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp năm 2022 do UBND tỉnh Kon Tum tổ chức chiều 25/7.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã nêu những vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư tại địa bàn. Đó là vướng mắc về thủ tục pháp lý đầu tư, cơ chế chính sách, lĩnh vực đất đai, chuyển đổi đất rừng; lĩnh vực quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; về thủ tục hành chính và tiến độ giải phóng mặt bằng chậm...

Những vướng mắc này đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án tại địa phương. Vì vậy các doanh nghiệp kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành có giải pháp nhằm tháo gỡ để doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển.

Bà Lê Thị Hoài, đại diện Công ty cổ phần Golden City, nêu những vướng mắc trong quá trình nghiên cứu đầu tư các dự án phát triển đô thị, du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

"Trong trường hợp tài sản trên đất là rừng trồng do chính quyền địa phương quản lý thì có được xác định là đất đã giải phóng mặt bằng chưa? Phương án xử lý đối với rừng trồng như thế nào? Đối với dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Vậy thời điểm thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sẽ thực hiện từ thời điểm nào?", bà Hoài đặt câu hỏi.

Ông Hoàng Thanh Hoài, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Kon Tum, nêu những vướng mắc trong trong lĩnh vực về nộp thuế và thanh tra, kiểm toán.

Theo ông Hoài, đối với nộp thuế, một số hợp đồng đã hoàn thành, được chủ đầu tư nghiệm thu nhưng chưa thanh toán tại thời điểm nghiệm thu. Trong khi đó, về nguyên tắc, khi được thanh toán chi phí doanh nghiệp mới có kinh phí để trích nộp thuế nhưng khi cơ quan thuế kiểm tra thấy thời gian thanh toán không trùng khớp với thời gian nghiệm thu thì phạt doanh nghiệp. Đây là vấn đề bất khả kháng đối với doanh nghiệp, bởi thời gian trích nộp thuế của các hợp đồng nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp. Vì vậy, ông Hoài đề nghị cơ quan thuế cần xem xét lại việc này.

Kết luận hội nghị, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ghi nhận những ý kiến đóng góp thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết rất lớn của doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của tỉnh.

Ông Tuấn đề nghị các sở, ngành tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để tham mưu tỉnh ban hành cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát được dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng đề nghị doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đúng các cam kết đầu tư, bố trí đầy đủ nhân lực và vật lực để triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Những dự án đầu tư phải là dự án thật, loại bỏ những dự án ảo. Tiếp tục đồng hành cùng chính quyền địa phương trong thực hiện kế hoạch, phương án phục hồi và phát triển kinh tế đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong thực tiễn.

Tin mới lên