Thị trường

Doanh nghiệp ngại trả lời, Hải quan né phản hồi doanh nghiệp

(VNF) - "Hiện nay các doanh nghiệp rất ngại trả lời phiếu khảo sát có nhắc đến Hải quan, kể cả là phiếu của World Bank. Tôi cũng đề nghị cơ quan hải quan phản hồi thông tin của doanh nghiệp để ít ra chúng tôi còn biết ý kiến của mình có được tiếp nhận hay không", ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Logisstics Việt Nam nói.

Doanh nghiệp ngại trả lời, Hải quan né phản hồi doanh nghiệp

Quan hệ hợp tác hải quan - doanh nghiệp trong các năm qua chỉ đạt được kết quả khiêm tốn

3 năm chỉ ký thỏa thuận được với 54 doanh nghiệp

Phát triển quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp được xem là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình cải cách và hiện đại hóa ngành Hải quan.

Tuy nhiên, theo báo cáo được nêu lên tại Hội nghị triển khai kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016- 2020 của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 6/2016, chỉ có 54 doanh nghiệp tham gia quan hệ hợp tác thường xuyên hoặc có ký kết thỏa thuận hợp tác với cơ quan hải quan trong khi số doanh nghiệp thực hiện 80% tờ khai hải quan là gần 4000 doanh nghiệp còn số đóng góp 80% số thu về hải quan là 3000 doanh nghiệp.

Thừa nhận kết quả "còn rất khiêm tốn", Tổng cục Hải quan cũng lý giải nguyên nhân của tình trạng trên là các chuyên đề hợp tác với doanh nghiệp chưa nhiều, chưa phong phú nội dung, chưa làm rõ lợi ích của các bên nên thiếu tính hấp dẫn. Đặc biệt là khâu nhân sự làm công tác phát triển quan hệ không những ít về số lượng mà còn hạn chế về chất lượng, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành.

Đây cũng là thực tế mà ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam nêu lên "Chương trình cải cách và hiện đại hóa ngành Hải quan như tôi nhận thấy thiếu hẳn vấn đề đào tạo nhân lực, cho ngành cũng như cho các doanh nghiệp".

Theo ông Tương, hiện nay các doanh nghiệp rất ngại trả lời các phiếu điều tra khảo sát có nhắc đến Hải quan, ngay cả khi đó là phiếu của World Bank.

"Phiếu điều tra hỏi không đúng địa chỉ, không đúng đối tượng nên không thể trả lời. Mặt khác, các thông tin mà doanh nghiệp cần, chẳng hạn như dữ liệu xuất nhập khẩu, số xe và lượt phương tiện… thì không thể biết được, muốn có phải hỏi nhưng cũng rất khó", ông Tương nói.

Ngoài ra, ông Tương cũng cho rằng cơ quan Hải quan hiện nay rất lười trả lời doanh nghiệp. "Chúng ta phải có trao đổi thông tin hai chiều. Tôi đề nghị các anh (Hải quan) phải có thông tin phản hồi khi xem văn bản của doanh nghiệp, để ít ra chúng tôi còn biết ý kiến của mình có được tiếp nhận không".

Lo ngại khi để doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ

Cũng tại Hội nghị, khi đề cập tới quy định nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng công văn số 12802 của Bộ Tài chính đã và đang tạo rào cản cho doanh nghiệp.

"Thông lệ quốc tế với các doanh nghiệp xăng dầu đều quy định số ngày cụ thể mới có được giấy chứng nhận, làm gì có C/O ngay mà nộp. Hiệp hội đã có văn bản báo cáo lên, không thể bằng một văn bản hành chính mà gây khó cho doanh nghiệp được", ông Khanh nói.

Đề cập tới khía cạnh doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ theo tinh thần Thông tư 28, ông Nguyễn Đăng Khánh, Công ty Vận tải Hải Hà cho rằng quy định như vậy không ổn, bởi doanh nghiệp chỉ là người kinh doanh, không có nghiệp vụ về C/O, không biết thẩm định độ chính xác như thế nào. Do đó, nếu triển khai Tổng cục Hải quan nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho rằng C/O do doanh nghiệp tự khai, tự chứng nhận nhưng thực tế chỉ áp dụng cho một số đơn vị xuất khẩu thôi, chứ đơn vị nhập khẩu thì rất khó khăn.

"Chúng tôi nhập khẩu xe về, Hải quan yêu cầu 2 ngày phải cấp C/O, trong khi đó các đối tác xuất khẩu sau 7 ngày, thậm chí lâu hơn mới cấp, thì doanh nghiệp lấy đâu ra", đại diện VAMA nêu quan điểm.

Ghi nhận các ý kiến trên, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ xem xét để trình lên Bộ Tài Chính, Chính phủ có cơ chế để giải quyết những trường hợp đặc biệt.

Tin mới lên