Tài chính

Doanh nghiệp nhà nước có 'bị oan' khi mang tiền đi gửi ngân hàng?

(VNF) – Nhiều ý kiến nhấn mạnh và đánh giá chưa đầy đủ về tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp nhà nước khiến các doanh nghiệp này phần nào phải chịu "oan ức".

Doanh nghiệp nhà nước có 'bị oan' khi mang tiền đi gửi ngân hàng?

Nhiều ý kiến nhấn mạnh và đánh giá chưa đầy đủ về tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước

Giữa tháng 9 vừa qua, Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố danh sách các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn thuộc các bộ, ngành chưa chấp hành công bố thông tin theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Danh sách này được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

Ngay sau khi bị "bêu tên" trong danh sách, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã rục rịch tiến hành công bố thông tin, đặc biệt là thông tin tài chính. Tuy nhiên, vẫn thấy rõ sự khác biệt khi một số doanh nghiệp công bố thông tin tài chính với báo cáo tài chính đầy đủ (gồm cả thuyết minh báo cáo tài chính), một số thì chỉ có báo cáo tài chính rút gọn, còn một số khác thì chỉ công bố kết quả hoạt động kinh doanh. Một số doanh nghiệp công bố cả thông tin tài chính 6 tháng đầu năm 2016, còn một số chỉ công bố thông tin năm 2015.

Thời điểm các doanh nghiệp nhà nước lộ diện thông tin tài chính cũng là thời điểm dư luận bắt đầu mổ xẻ tình hình tài chính của các doanh nghiệp này, trong đó, nổi bật lên là những ý kiến đánh giá về tình trạng tiền mặt và nợ nần.

Chẳng hạn, nhiều ý kiến nhấn mạnh về việc các "ông lớn" nhà nước đem hàng nghìn, hàng chục nghìn hoặc thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng lấy lãi, nhiều trường hợp khiến dư luận nghi ngờ về khả năng sử dụng hiệu quả lượng tiền mà các doanh nghiệp nhà nước đang sở hữu.

Điển hình là trường hợp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được cho rằng đem 102.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, trong đó có khoảng 25.273 tỷ đồng tiền mặt không kỳ hạn, 76.343 tỷ đồng là các khoản tiền gửi ngắn hạn hoặc khoản tương đương tiền của PVN có thời hạn thu hồi gốc kỳ hạn 3 tháng tại các ngân hàng thương mại.

Thực tế thì lượng tiền gửi ngân hàng của PVN còn lớn hơn vì các thống kê trên chưa kể đến 64.271 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn (từ 3 tháng đến 1 năm) và 452 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dài hạn (trên 1 năm).

Tuy nhiên, khoản tiền gửi ngân hàng khổng lồ này của PVN có thực sự cần phải nhấn mạnh hay không?

Ai cũng biết doanh nghiệp luôn phải giữ một lượng tiền và tương đương tiền phù hợp (với PVN là khoảng 102.000 tỷ đồng) để phục vụ nhu cầu vốn lưu động. Kể cả khi gửi ngân hàng thì doanh nghiệp cũng vẫn phải thường xuyên rút ra, gửi vào lượng tiền này, như đã nói, là để phục vụ nhu cầu vốn lưu động.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng thường xuyên trữ tiền thông qua gửi ngân hàng với kỳ hạn trên 3 tháng, thường chiếm phần lớn khoản mục "Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn" (với PVN là khoảng hơn 64.000 tỷ đồng).

Nguồn tiền này mới thực "đúng nghĩa" là gửi ngân hàng lấy lãi, thường xuất phát từ sự dư dả về tiền của doanh nghiệp và chưa biết sử dụng vào đâu, hoặc doanh nghiệp chủ động trữ lại để phục vụ cho các dự án, cơ hội kinh doanh trong tương lai.

Quay về với trường hợp của PVN, nếu chỉ xét 64.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng này so với tổng tài sản lên tới gần 760.000 tỷ của PVN thì tỷ lệ tiền gửi ngân hàng "đúng nghĩa" trên tổng tài sản của PVN ở mức rất nhỏ, 8,4%.

Còn nếu tính cả 102.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 3 tháng như trên thì tổng tiền gửi ngân hàng chiếm khoảng 21,8% tổng tài sản của PVN. Tỷ lệ này ở Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) còn cao hơn nhiều, ở mức khoảng 36,6%. Tuy nhiên, không ai nhấn mạnh vấn đề này ở Vinamilk cả và đương nhiên, không ai liên tưởng đến chuyện Vinamilk sử dụng tiền kém hiệu quả hay "bí kênh đầu tư".

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn khác sau khi các doanh nghiệp này công bố thông tin tài chính.

Nhưng chuyện gửi tiền ở ngân hàng vẫn chưa phải chuyện duy nhất. Nhiều ý kiến còn mổ xẻ chuyện nợ nần của các doanh nghiệp nhà nước.

Không thể phủ nhận nhiều doanh nghiệp nhà nước mang những khoản nợ khổng lồ và đáng lo ngại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại chưa phân tích sâu vào cụ thể các khoản nợ của doanh nghiệp là gì và thực sự nó có đáng lo ngại không.

"Sai lầm" lớn nhất là chỉ nhìn vào khoản mục "Nợ phải trả" mà không đả động gì đến các thành phần cấu tạo lên nó, đặc biệt là nợ vay.

Chẳng hạn như chuyện Tổng công ty Sông Đà nợ hơn 10.000 tỷ đồng. 10.000 tỷ đồng này là nợ phải trả của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà tính đến hết ngày 31/12/2015.

Tuy nhiên, khoản nợ phải trả này không chỉ gồm có nợ vay ngân hàng mà còn có nợ phải trả người bán, hay người mua trả tiền trước. Cụ thể, trong số 10.190 tỷ đồng nợ phải trả của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà thì có tới 3.324 tỷ đồng là phải trả người bán ngắn hạn, 986 tỷ đồng là phải trả người bán dài hạn, 468 tỷ đồng là người mua trả tiền trước ngắn hạn, 1.180 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và 3.226 tỷ đồng là nợ vay dài hạn, còn lại các khoản nợ khác như: thuế phải nộp, phải trả người lao động, chi phí phải trả ngắn hạn…

Điều này nghĩa là, trong số 10.190 tỷ đồng nợ phải trả của Sông Đà thì "chỉ" có khoảng 4.406 tỷ đồng là nợ vay (bao gồm 1.180 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 3.226 tỷ đồng nợ vay dài hạn).

Con số nợ vay này nếu so với 2.645 tỷ đồng vốn chủ sở hữu của Sông Đà thì đó vẫn là con số lớn, nghĩa là tình trạng nợ của Sông Đà vẫn đáng ngại kiểu như khi đề cập đến khoản nợ phải trả 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề nợ, buộc phải đề cập đến cả thành phần nợ, đặc biệt là nợ vay, vì nếu không sẽ làm méo mó góc nhìn về nợ, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng – bất động sản như Sông Đà.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng – bất động sản thường có các khoản nợ không phải nợ vay chiếm rất lớn nợ phải và trong nhiều trường hợp là không đáng ngại vì là đặc thù ngành. Đó là các khoản nợ nhà thầu (phần lớn nằm trong khoản mục "Phải trả người bán"), các khoản nợ người mua nhà do họ ứng tiền trước (phần lớn nằm trong khoản mục "Người mua trả tiền trước") và trong nhiều trường hợp là các khoản đặt cọc và vay vốn để phát triển dự án, một đặc điểm rất đặc thù trong ngành bất động sản.

Một doanh nghiệp đình đám được coi là hình mẫu thành công trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu ở mức cao là 2,56 lần, nhưng về cơ bản không có gì đáng ngại bởi tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ ở mức 0,87 lần.

Giống như các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp nhà nước cũng cần được nhìn nhận dưới góc nhìn tương đối đầy đủ, khách quan hay ít nhất là không mang tính phiến diện. Những ngộ nhận tiêu cực không đáng có có thể ảnh hưởng đến hiệu quả cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, qua đó ảnh hưởng gián tiếp đến nguồn thu ngân sách từ hoạt động này.

Tin mới lên