Tài chính

Doanh nghiệp nhà nước 'xoay trở' với Covid-19

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đẩy nhanh tái cơ cấu và cắt giảm chi phí, trong khi Vietnam Airlines triển khai 5 giải pháp ứng phó hiệu quả với đại dịch.

Doanh nghiệp nhà nước 'xoay trở' với Covid-19

Lãnh đạo VRG tiếp ông Nguyễn Hoàng Anh đến làm việc. Ảnh: VRG.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh vừa liên tiếp làm việc với các tập đoàn, tổng công ty lớn để tìm cách tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, khẩn trương có giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của dịch.

Trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc VRG Huỳnh Văn Bảo đưa ra dự báo mức lợi nhuận năm nay có khả năng chỉ đạt 65% kế hoạch. Cổ tức dự kiến đạt khoảng 4%, giảm 2% so kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đã xác định tái cơ cấu tỷ trọng ngành nghề kinh doanh đến năm 2025 theo hướng giảm diện tích cao su. VRG sẽ duy trì ổn định khoảng 300.000-320.000 ha cao su, nhưng vẫn bảo đảm sản lượng khai thác trên 400.000 tấn, tăng 30% so với hiện nay.

Tập đoàn dự kiến tăng quy mô ngành công nghiệp cao su qua đầu tư vào nhà máy sản xuất săm, lốp xe theo hình thức mua bán, sáp nhập với những công ty đã có thương hiệu đang hoạt động tại Việt Nam của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Điều này giúp khép kín chuỗi giá trị sản phẩm cao su và là nòng cốt để tiếp tục phát triển sản phẩm săm, lốp xe của tập đoàn trong tương lai.

Bên cạnh đó, VRG cũng thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hiệu quả kém. Doanh nghiệp sau sáp nhập sẽ cắt giảm chi phí đầu tư, chi phí hoạt động.

Trong khi đó, tại Vietnam Airlines, chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa cho biết đến hết tháng 8, số chuyến bay chỉ đạt 65.000 chuyến, bằng 59,1% so với cùng kỳ năm 2019. Từ đó, số hành khách giảm 42,8%, số hàng hóa vận chuyển giảm 42,5%.

Doanh thu công ty mẹ đạt 25.075 tỷ đồng, bằng 47,7% cùng kỳ, còn doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty đạt 32.009 tỷ đồng.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp chủ động cắt giảm chi phí và tiết kiệm được hơn 5.000 tỷ đồng. Đồng thời, hãng hàng không quốc gia tìm cách đi vay ngắn hạn, cơ cấu lại nợ vay và đàm phán với đối tác để giãn, hoãn tiến độ thanh toán gần 3.700 tỷ đồng.

Năm nay, Vietnam Airlines cũng chỉ sử dụng 66-68% lao động, qua đó tổng chi phí dành cho lao động giảm 3.500 tỷ đồng.

Nói về kế hoạch trong 5 năm tới, ông Dương Trí Thành - tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định đã xây dựng các kịch bản thị trường và giải pháp đối phó tương ứng. Riêng trong năm 2021, doanh nghiệp tập trung thực hiện dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp, tái cơ cấu đội tàu bay và cấu hình tàu bay phù hợp nhu cầu thị trường.

Lãnh đạo UBQLVNN cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp cần xây dựng các kịch bản chi tiết, bên cạnh “kịch bản tốt” khi tình hình dịch bệnh được khống chế, phải có cả “kịch bản xấu” nếu dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến.

Từ đó, doanh nghiệp chuẩn bị được những phương án điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tế, cân đối tài chính và nỗ lực đàm phán tháo gỡ khó khăn.

Tin mới lên