Thị trường

Doanh nghiệp nước ngoài kiến nghị gì khi đầu tư vào năng lượng Việt Nam?

(VNF) - Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2022, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài kiến nghị tiếp tục được hưởng cơ chế giá FiT ưu đãi khi không kịp về đích do đại dịch Covid-19, thí điểm mua bán điện trực tiếp, phát triển thị trường hydro…

Doanh nghiệp nước ngoài kiến nghị gì khi đầu tư vào năng lượng Việt Nam?

Ảnh minh họa

Các thành viên liên kết của VBF bao gồm Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore, Hiệp hội Doanh nghiệp Australia, Hiệp hội Doanh nghiệp Thụy Sĩ, Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan, Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ, Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông và Hiệp hội Doanh nghiệp Canada tại Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả năng lượng, thúc đẩy công nghệ lưu trữ năng lượng bằng pin và năng lượng hydro.

Cụ thể, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị cần quy định rõ ràng đối với các trang trại điện gió đang trong quá trình xây dựng và không kịp vận hành thương mại trước thời hạn đề ra để được hưởng cơ chế giá FiT ưu đãi để hỗ trợ tiếp tục hoàn thành các dự án đó và tận dụng các nguồn lực kinh tế đã đầu tư cho thị trường năng lượng.

Đối với các hợp đồng mua bán điện của doanh nghiệp (PPA), các công ty sẽ tiếp tục xem xét PPA để đảm bảo các lợi ích kinh tế và môi trường.

Hiện vẫn còn một số lo ngại về tiến độ chậm trễ trong chương trình thí điểm hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) cho năng lượng tái tạo do việc chuyển đổi thông tư trước đây thành quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ sắp được soạn thảo - cũng như đề xuất thay đổi mới đây đối với cơ cấu biểu giá theo đó khách hàng sử dụng điện sẽ mua điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)/Tổng công ty điện lực các miền theo giá bán lẻ (thay vì giá thị trường giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) cộng với phí DPPA như dự thảo thông tư trước đây của Bộ Công Thương) cũng như các tác động tài chính và thương mại kèm theo đối với chương trình được đề xuất.

Riêng đối với năng lượng mặt trời trên mái nhà tiêu thụ tại chỗ, các hiệp hội mong sẽ được giải thích rõ hơn về các vấn đề kỹ thuật/cấp phép như giới hạn ngưỡng 1MW hay cơ chế giá điện dư thừa tải lên lưới của EVN.

Ngoài ra, các hiệp hội doanh nghiệp cũng nhắc tới việc xem xét vai trò của việc lưu trữ năng lượng pin và năng lượng hydro trong bối cảnh mới của thị trường điện.

Đối với hydro, nhiều chính phủ đã bắt đầu hỗ trợ phát triển thị trường hydro phát thải cacbon thấp khi các quốc gia trên thế giới nhanh chóng nhận ra rằng lộ trình giảm phát thải carbon thành công không thể chỉ dựa vào điện tái tạo và giải pháp hydro không phát thải cacbon sẽ là cần thiết.

“Việc phát triển thị trường hydro sạch cũng sẽ giúp giảm chi phí, tăng tính linh hoạt của hệ thống điện và giảm phát thải cacbon trong nhiều ngành công nghiệp”, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cho hay.

Ông Michael R. DiGregorio, Trưởng nhóm công tác Môi trường Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, cho hay theo dự thảo Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Các-bon được trình lên Nghị viện EU, các nhà nhập khẩu sẽ phải mua hạn ngạch phát thải đối với lượng các-bon có trong 30 ngành hàng, với mức giá bằng giá trung bình hàng tuần của các hạn ngạch phát thải tương tự áp dụng tại EU.

“Sự phát triển của hệ thống mua bán phát thải (ETS) và thị trường các-bon của Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Bằng cách tạo ra một mức giá cho các-bon gắn với hạn ngạch phát thải được điều chỉnh định kỳ nhằm đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam, Chính phủ có thể làm rõ rằng các ngành và lĩnh vực có cường độ phát thải các-bon lớn phải chuyển đổi để giảm bớt nếu không muốn phải cạnh tranh với các nền kinh tế các-bon thấp hơn”, ông Michael R. DiGregorio chia sẻ.

Trong năm 2022, Nhóm công tác Điện và Năng lượng sẽ xây dựng kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam (phiên bản 3.0), trong đó tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân thực hiện Quy hoạch điện VIII, đặc biệt liên quan đến huy động vốn từ khu vực tư nhân, lập kế hoạch, đầu tư, phát triển và vận hành trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực và đưa ra khuyến nghị về tiêu chuẩn kỹ thuật cho quy hoạch phát triển điện bền vững.

Tin mới lên