Bất động sản

Doanh nghiệp phát triển nhà ở trong làn sóng dịch bệnh thứ tư: Liệu cơm gắp mắm

(VNF) – Làn sóng dịch bệnh thứ tư và lệnh giãn cách kéo dài tại Hà Nội, TP. HCM đã khiến hàng loạt doanh nghiệp phát triển nhà ở gần như không thể triển khai các hoạt động xây dựng, bán hàng. Tùy thuộc vào năng lực, mỗi doanh nghiệp lựa chọn một kiểu xoay xở, hoặc cố gắng bán hàng, hoặc âm thầm chuẩn bị, hoặc thậm chí là… ngồi chơi.

Doanh nghiệp phát triển nhà ở trong làn sóng dịch bệnh thứ tư: Liệu cơm gắp mắm

Doanh nghiệp phát triển nhà ở trong làn sóng dịch bệnh thứ tư: Liệu cơm gắp mắm

Héo hắt vì dịch

Trên con đường xuyên tâm quận Cầu Giấy, Hà Nội có một dự án chung cư khá lớn, quy mô gần 1.000 căn hộ, lên tầng rất nhanh, nhưng đã phải dừng thi công từ ngày 24/7 tới nay, theo lệnh giãn cách của UBND TP. Hà Nội.

“Bên anh cho công nhân nghỉ việc hết, chỉ để lại vài người trông coi công trình thôi. Việc bán hàng cũng dừng từ đầu năm rồi”, N. – Trưởng phòng Đầu tư của một chủ đầu tư dự án nói.

Công ty của N. hiện chỉ triển khai một dự án, do đó khi dự án này tạm dừng thi công, N. cũng trở nên nhàn rỗi một cách bất đắc dĩ.

Nhưng một hay nhiều dự án thì cũng thế. Q. – giám đốc đối ngoại của 1 tập đoàn tư nhân đa ngành rất lớn tại Hà Nội, cho biết mảng bất động sản của tập đoàn này “gần như đóng băng”.

“Tập đoàn cũng nhiều lĩnh vực nên thời gian này chủ yếu hoạt động thương mại và công nghiệp”, anh Q. nói.

Tại TP. HCM, VietnamFinance ghi nhận nhiều doanh nghiệp lớn đã tạm dừng các chiến dịch truyền thông – marketing cho các dự án nhà ở. Các kế hoạch này dự kiến sẽ chỉ tái khởi động sau ngày 15/9 – thời điểm TP. HCM phấn đấu kiểm soát được dịch.

Tuy vậy, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản khi được hỏi về tình hình sản xuất, kinh doanh trong hoàn cảnh giãn cách kéo dài đã từ chối trả lời với lý do… “không biết phải nói gì”.

Thực tế cho thấy đó là một lý do… rất thật. Lệnh giãn cách đã khiến hàng chục, hàng trăm dự án nhà ở tại nhiều tỉnh thành phải tạm dừng thi công. Nhưng điều đáng quan ngại hơn là các lệnh giãn cách cứ nối dài và không đoán định được ngày kết thúc, khiến các doanh nghiệp khó lòng hoạch định được kế hoạch kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, tổng giám đốc Đại Phúc Land, cách đây ít hôm, nói với VietnamFinance rằng sau nhiều lần "nén" và "bung" theo các đợt dịch bệnh trong gần 2 năm qua, các doanh nghiệp bất động sản đã giảm sút nguồn lực khá nhiều. Đến đợt dịch thứ 4 lần này, tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp bất động sản đã phải bật chế độ cảnh báo cao nhất và tính toán đến kịch bản hy sinh hết quý III, thậm chí có thể cả một phần quý IV.

Năm 2021 đang trôi về những tháng cuối cùng – thời điểm buôn bán được cho là sôi động nhất trong năm, nhưng viễn cảnh ra hàng, giao dịch, chốt lời vẫn đang hết sức mông lung, bất định.

Đằng sau bức tranh kinh doanh 6 tháng đầu năm

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy một bức tranh khá tươi sáng đối với nhiều doanh nghiệp địa ốc khi doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước, đó là những “đại gia” như: Vinhomes, Vingroup, Novaland, Đất Xanh, Khang Điền, An Gia…

Một số “đại gia” khác tuy sụt giảm về doanh thu nhưng lợi nhuận vẫn giữ được đà tăng trưởng mà điển hình là Phát Đạt, Nam Long…

Tuy nhiên, thị trường vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ, chẳng hạn như: Nam Hà Nội (HoSE: NHA, giảm 92%), An Dương Thảo Điền (HoSE: HAR, giảm 91%), Hà Đô (HoSE: HDG, giảm 44%), Dream House (HoSE: DRH, giảm 84%), Hoàng Quân (HoSE: HQC, giảm 72%), LDG Group (HoSE: LDG, giảm 57%), Vạn Phát Hưng (HoSE: VPH, giảm 39%).

Một số doanh nghiệp thậm chí còn báo lỗ, chẳng hạn như: CEO Group (HNX: CEO, lỗ 94 tỷ đồng), Xuân Mai (UPCoM: XMC, lỗ 16 tỷ đòng), Địa ốc Sài Gòn (HoSE: SGR, lỗ 5,4 tỷ đồng)…

Sự phân hóa lỗ lãi cho thấy câu chuyện của mỗi doanh nghiệp mỗi khác, không ai giống ai, cùng trong đại dịch mà người giàu cứ giàu, kẻ khó vẫn khó.

Tuy vậy, cũng cần nhớ rằng câu chuyện lỗ lãi trong ngành bất động sản có tính đặc thù, cụ thể là doanh nghiệp bất động sản chỉ ghi nhận doanh thu, lợi nhuận khi đã bàn giao sản phẩm. Bởi vậy doanh nghiệp nào có sản phẩm bàn giao vào nửa đầu năm nay sẽ ghi nhận doanh thu, lợi nhuận lớn và ngược lại.

Sự đặc thù này, mặt khác, cũng cho phép các doanh nghiệp chủ động phân bổ lợi nhuận của mình theo kiểu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Bởi vậy, nhìn vào lỗ lãi nửa đầu năm 2021 chỉ thấy được một góc của bức tranh kinh doanh toàn ngành.

Một góc khác cần nhìn là dòng tiền kinh doanh. Ghi nhận từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp địa ốc niêm yết cho thấy, dù báo lãi lớn song nhiều doanh nghiệp lại có dòng tiền kinh doanh nửa đầu năm 2021 âm rất nặng.

Các trường hợp điển hình là: Đất Xanh âm 33 tỷ đồng (dù đây là một mức cải thiện rất lớn so với mức âm 1.541 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái), Khang Điền âm 843 tỷ đồng, CEN Land âm 884 tỷ đồng, Năm Bảy Bảy âm 463 tỷ đồng, Hải Phát Invest âm 1.550 tỷ đồng, Nam Long Group âm 676 tỷ đồng, Nam Hà Nội âm 24 tỷ đồng, LDG Group âm 414 tỷ đồng…

Một góc khác nữa, quan trọng hơn, là kết quả nửa đầu năm 2021 chỉ phản ánh thì quá khứ - giai đoạn thị trường chưa bị tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Trên thực tế, dịch bệnh mới chỉ bùng lên dữ dội từ tháng Sáu tới nay. Bởi vậy, quý III/2021 mới thực sự là quý thử thách và cho thấy rõ nhất sự khó khăn của các doanh nghiệp nhà ở trong giai đoạn hiện nay. Nhiều khả năng, đó sẽ là một bức tranh đầy u ám.

Làm gì trong dịch?

Rất khó để nhìn ra một hướng đi sáng sủa của các doanh nghiệp địa ốc trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây nền kinh tế. Không ít doanh nghiệp, khi đối diện với thực tế bị dừng thi công, khó triển khai bán hàng, đã chọn cách… nằm im đợi dịch trôi qua.

Một số khác, nhờ có tích lũy tài chính, thời gian này chủ yếu hướng các hoạt động vào trong: tái cơ cấu hệ thống, tổ chức đào tạo nội bộ và âm thầm tìm kiếm cơ hội để khi dịch kết thúc có thể bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh.

Thị trường chỉ có một số ít doanh nghiệp triển khai được công tác bán hàng nhờ sớm xây dựng hệ thống bán hàng trực tuyến. Đây hầu hết là cuộc chơi của các “đại gia”.

Tuy vậy, các doanh nghiệp nhỏ cũng không hẳn đứng ngoài cuộc. Bà Y - Giám đốc kinh doanh của một công ty đang là chủ đầu tư dự án chung cư tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) nói với VietnamFinance rằng công ty vẫn bán được hàng vì việc quản lý hệ thống, quản lý khách hàng, phê duyệt báo cáo, đặt chỗ, phiếu thu đều đã được số hóa từ vài năm nay.

Bình luận về phản ứng của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hải Phát, cho rằng đây đã là đợt dịch thứ tư tại Việt Nam nên các doanh nghiệp có tâm lí tốt hơn rất nhiều so với năm trước, sự chuẩn bị cũng chu đáo hơn.

Ông Giang cho rằng triển vọng thị trường nhà ở vẫn tốt. “Nguồn cung sản phẩm tại Hà Nội năm nay khan hiếm, do đó giá sơ cấp của các dự án không bị tác động nhiều. Hiện tượng bán tháo, giảm giá chỉ mang tính cục bộ còn toàn thị trường vẫn giữ được mặt bằng giá chung. Phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực vẫn giao dịch được, chỉ các phân khúc thấp tầng, đất nền, nghỉ dưỡng ở các tỉnh thành mới bị ảnh hưởng mạnh do khó khăn đi lại.

“Sức mua từ đây đến quý II năm sau vẫn đảm bảo”, ông Giang nói.

Tin mới lên