Tiêu điểm

‘Doanh nghiệp sợ nhất thanh tra môi trường, phòng cháy chữa cháy chứ không phải Thanh tra Chính phủ’

(VNF) – “Tôi ngồi với doanh nghiệp, họ nói sợ nhất thanh tra môi trường, vì kiểu gì cũng bị phát hiện ra vi phạm về môi trường. Loai thanh tra thứ hai mà doanh nghiệp khiếp là phòng cháy chữa cháy. Đấy là hai lực lượng doanh nghiệp sợ chứ không phải Thanh tra Chính phủ đâu” chuyên gia tài chính, TS Vũ Đình Ánh cho biết.

‘Doanh nghiệp sợ nhất thanh tra môi trường, phòng cháy chữa cháy chứ không phải Thanh tra Chính phủ’

TS Vũ Đình Ánh

Yêu cầu chỉ thanh, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm là bất khả thi

Phát biểu tại một hội thảo về công tác thanh tra đối với doanh nghiệp tổ chức sáng 30/3 tại Hà Nội, TS Vũ Đình Ánh cho rằng mối quan hệ giữa lực lượng thanh tra và doanh nghiệp là “không chỉ là bạn mà còn là bạn tốt”.

Tuy nhiên, ông Ánh cũng nhấn mạnh thanh tra là công cụ của Chính phủ, do vậy mối quan hệ về quản lý nhà nước giữa lực lượng thanh tra và doanh nghiệp là điều cần thiết và tất yếu.

Theo ông Ánh, mối quan hệ trực tiếp giữa cơ quan thanh tra và doanh nghiệp dựa trên 2 yếu tố: nội dung thanh tra và kết quả thanh tra.

Về nội dung thanh tra, ông Ánh nói: “Nếu đặt mình vào vị trí doanh nghiệp, tôi phải đối diện với ai? Cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán, công an… Là dân tài chính sẽ đối diện với: thanh tra tài chính, thanh tra thuế; nếu làm xuất nhập khẩu có thanh tra hải quan, thanh tra lao động”.

“Tôi ngồi với doanh nghiệp, họ sợ nhất ai các anh chị biết không? Là thanh tra môi trường, vì kiểu gì họ cũng phát hiện ra vi phạm về môi trường. Loại thanh tra thứ hai doanh nghiệp khiếp là phòng cháy chữa cháy. Không phải Thanh tra Chính phủ đâu, doanh nghiệp sợ nhất môi trường và phòng cháy chữa cháy, vì kiểu gì cũng bị phát hiên ra sai phạm và xử phạt; còn phạt bao nhêu là chuyện khác”, ông Ánh cho hay.

Ông Ánh nhấn mạnh rằng nội dung hoạt động của doanh nghiệp và nội dung bị thanh tra của doanh nghiệp là rất nhiều và không chồng chéo.

“Câu ta lặp đi lặp lại, ngay cả Thủ tướng cũng ra chỉ thị, là không thanh tra quá 1 lần/năm. Nhưng với từng này nội dung làm sao mà làm được như vậy”, ông nói.

Đối với yếu tố thứ hai là kết quả thanh tra, ông Ánh cho rằng điều quan trọng nhất của kết quả thanh tra là tác động ngược lại cơ chế chính sách để sửa chữa nó, giúp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Đáng tiếc là tác động này hiện nay khá mờ nhạt.

“Nói về mục tiêu của thanh tra, phải đặt trọng số là góp phần sửa đổi hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Đây là điều cần phải nổi bật trong báo cáo của thanh tra chứ không phải con số sai phạm”, ông Ánh bình luận.

Ai kiểm soát cơ quan thanh tra?

Cũng bàn về mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra và doanh nghiệp, TS Nguyễn Văn Kim (nguyên lãnh đạo Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ) nhận định rằng có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vi phạm các quy định của pháp luật như trốn thuế, không đóng bảo hiểm…

“Không chỉ doanh nghiệp tư nhân mà doanh nghiệp nhà nước cũng vi phạm lớn. 12 đại án thì đủ biết mức độ vi phạm khủng khiếp thế nào. Ở đây có sự cấu kết giữa những người thực thi quản lý nhà nước với doanh nghiệp vi phạm. Như vụ Mobifone, không phải chỉ mỗi ông doanh nghiệp làm được. Các cơ quan nhà nước làm đầu trò cho việc đó, cho nên vi phạm này có tính chất hết sức nghiêm trọng”, ông Kim nói.

Theo TS Kim, để chấn chỉnh hoạt động thanh tra, cần thực hiện nhiều biện pháp như sửa đổi pháp luật về thanh kiểm tra, phối hợp lên chương trình thanh tra để tránh chồng chéo, tổ chức các cuộc thanh tra phải nhanh, rút gọn, đánh trúng vấn đề…

“Đặc biệt, phải yêu cầu các ông thanh tra chịu trách nhiệm với nội dung kết luận của mình. Bởi vì nhiều cuộc, thanh tra vào rồi kết luận không có gì, sau đó lại phát hiện ra vấn đề nghiêm trọng. Mọi thứ đổ hết vào đầu doanh nghiệp mà không phải là lực lượng thanh tra. Cái này không ổn”, ông Kim đặt vấn đề.

Ông Kim cho rằng cần phải quản lý nghiêm và tốt nhất là có cơ chế kiểm soát quyền lực thanh tra. “Thanh tra là công cụ quyền lực nên phải có chế ngưỡng. Ở kiểm toán có thanh tra nội bộ, ở công an cũng có nhưng ở cơ quan thanh tra lại không có. Tôi cho là rất không ổn”.

“Phải công khai minh bạch để cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người dân giám sát. Không công khai minh bạch thì không kiểm soát được. Ngoài ra, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tố giác vi phạm của người thanh tra”, ông Kim đề xuất.

Tin mới lên