Tài chính quốc tế

Doanh nghiệp Trung Quốc chi đậm để vận động hành lang ở Mỹ

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã quyết định chi đậm để thuê người vận động hành lang nhằm thúc ép Chính phủ Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận với các tập đoàn điện tử Huawei và ZTE.

Doanh nghiệp Trung Quốc chi đậm để vận động hành lang ở Mỹ

Doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu vận động hành lang trước sự đe dọa của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung - Ảnh: AFP

Trong năm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu cho chặn đường kinh doanh của Huawei bằng nhiều lệnh cấm vận. Từ cáo buộc Tập đoàn viễn thông Huawei gây ra mối đe dọa về an ninh, Washington cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei và kêu gọi các chính phủ nước ngoài có biện pháp cứng rắn hơn với tập đoàn này.

Theo trang Politico, vì lo sợ điều tương tự có thể xảy ra với mình, tám doanh nghiệp Trung Quốc đã chi ít nhất 7,9 triệu USD để thuê các nhà vận động hành lang và công ty quan hệ công chúng ở Washington, ngay trước khi ông Trump "hạ bệ" một công ty lớn khác của Trung Quốc là ZTE.

Con số đó cao gấp 8 lần so với số tiền các công ty khác bỏ ra cho việc vận động hành lang trong cùng thời gian của năm ngoái.

Trong năm qua, các công ty bao gồm một công ty phát thanh Trung Quốc, một nhà sản xuất xe lửa và công ty sản xuất camera đã thuê hơn 20 nhà vận động hành lang ở Mỹ.

Cơn sốt chi tiền thuê người vận động này cho thấy các công ty Trung Quốc đã bắt đầu lo ngại trước sự đe dọa từ Chính phủ Mỹ về các biện pháp cấm vận và áp thuế nhập khẩu. 

Dấu hiệu này cho thấy cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang thúc đẩy kinh doanh ở Phố K - trung tâm vận động hành lang ở thủ đô Washington.

"Nó như một làn sóng kích động" - ông Amiad Kushner, luật sư New York đại diện cho doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ, bình luận về việc Mỹ ban hành các lệnh cấm với hai doanh nghiệp Huawei và ZTE.

Tổng thống Trump đã ký lệnh cấm ZTE tiếp tục kinh doanh với các công ty Mỹ, sau khi phát hiện ZTE vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ bán thiết bị cho Iran và Triều Tiên. ZTE đã chi hàng triệu USD cho việc vận động hành lang.

 Việc vận động hành lang, cùng với lời kêu gọi trực tiếp từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dường như có hiệu quả. Ông Trump đã đồng ý bỏ lệnh cấm vận ZTE nếu công ty này chịu nhượng bộ và trả khoản tiền phạt 1 tỉ USD.

Một nguồn tin giấu tên cho biết Huawei ngược lại cho rằng việc vận động hành lang là vô nghĩa với Quốc hội và Chính phủ Mỹ, sau khi Mỹ cáo buộc Huawei dính líu sâu với chính quyền Trung Quốc. 

Dù vẫn giữ lại vài người vận động hành lang, Huawei quyết định chiến đấu với Mỹ thông qua tòa án và báo chí.

Các doanh nghiệp Trung Quốc khác, đối mặt với đe dọa từ Quốc hội và Chính phủ Mỹ, cũng đã theo chân ZTE vận động hành lang ở Washington. 

Cụ thể Hikvision, một nhà sản xuất camera của Trung Quốc, đã chi gần 1,8 triệu USD thuê người vận động hành lang trong năm qua. 

Washington đang xem xét liệt Hikvision và một doanh nghiệp Trung Quốc khác vào "danh sách đen". Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp này vẫn an toàn.

Theo các nhà vận động ở Washington, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khác vẫn đang tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ.

 

Tin mới lên