Tiêu điểm

Doanh nghiệp tư nhân duy nhất 11 năm theo đuổi mỏ sắt Thạch Khê

Hơn chục năm theo đuổi những dự án khai khoáng, đến nay, ông Phạm Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long, vẫn kiên định con đường mà ông đã chọn.

Doanh nghiệp tư nhân duy nhất 11 năm theo đuổi mỏ sắt Thạch Khê

Mỏ sắt Thạch Khê - Hà -Tĩnh.

Say mê nghiên cứu Y học, từng xây dựng đề xuất về chiến lược phát triển ngành Y, ông Phạm Lê Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long – lại quyết định rẽ sang làm kinh tế. Hơn chục năm theo đuổi những dự án khai khoáng, đến nay, doanh nhân người Hà Tĩnh vẫn kiên định con đường mà ông đã chọn.

Say mê Y học

"Từ bé lúc nào trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ về khoa học kỹ thuật. Cả nhật ký cấp 3 và trường đại học không bao giờ động đến chữ "Tiền" nào. Nhưng sự thật cuộc đời lại khác đi", ông Phạm Lê Hùng kể lại.

Mùa hè năm 1966, trong lúc quê nhà Hà Tĩnh đang trong thời kỳ chiến tranh, kinh tế gia đình khốn khó, ông Phạm Lê Hùng, khi ấy 16 tuổi, đã quyết định thoát ly khỏi gia đình, quả quyết với cha mẹ rằng "bây giờ không đi học, con chết còn hơn".

Ông viết thư cho ông cậu, bà dì dạy cấp 3 ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Ông cậu cũng chần chừ, bà dì thì rất sốt ruột, điện về gọi cháu ra ngay.

Đi bộ quãng đường 11 ngày đêm để đến được Chiêm Hóa, những tưởng cuộc sống sẽ đỡ khổ hơn nhưng ông cậu, bà dì là giáo viên nghèo, lương chẳng đủ ăn. Lúc đó, ông Hùng phải trồng sắn, trồng khoai, đi lấy củi để bán, kiếm tiền ăn học. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông thi vào trường Y miền núi. Sáu năm học không lấy một đồng nào của gia đình. Tết nào đủ tiền thì về, hè cũng vậy, nếu không sẽ ở lại làm đủ tiền học cho năm đấy thì thôi.

Sau khi ra trường, ông thi đỗ và làm nghiên cứu sinh ở Hungary. "Một điều rất kỳ lạ, ở đất nước mình, một bánh xà phòng phải cắt đôi, cắt ba, một bao diêm cũng phải chia đôi để phân phối, sang Hungary hàng hóa ngập ngụa, thịt mua bao nhiêu cũng được. Tôi bắt đầu vừa học vừa tìm hiểu đất nước này. Mô hình kinh tế không như mình, tư nhân phát triển thoải mái, xuất khẩu đi nước ngoài thoải mái, tiền đô la tiêu thoải mái, một đất nước hết sức tự do, cởi mở. Từ đó, tôi rất muốn sau này khi đất nước tự do thì mình làm gì", ông Hùng chia sẻ.

Lối rẽ kinh tế

Năm 1989, ông Hùng về nước với ước vọng xây dựng một phòng thí nghiệm về vi sinh vật y học để phục vụ chẩn đoán, điều trị. Nhưng khi đưa vi sinh vật phẩm về thì hai tháng nhà trường mất điện, tất cả thối rữa. Khi con đường khoa học không khả thi thì tư tưởng làm kinh tế bắt đầu nhen nhóm. Đây cũng là thời kỳ đất nước bắt đầu đổi mới.

Lúc đó, ông Hùng ra tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên và Bắc Cạn), gặp ông Đặng Quốc Tiến lúc đó là Chủ tịch tỉnh. Sau cuộc nói chuyện với thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh về những kinh nghiệm của ông, về câu chuyện kinh tế của Hungary, ông Đặng Quốc Tiến khẳng định với ông Hùng: "Anh làm gì tỉnh sẽ ủng hộ, tỉnh có trách nhiệm cấp giấy tờ đầy đủ".

Được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Bắc Thái, ông Phạm Lê Hùng quyết định kết hợp với Sở Xây dựng thành lập công ty liên doanh Khai thác chế biến Đá Bắc Hà (Bắc Hà là kết hợp giữa Bắc Thái và Hà Tĩnh), ông Hùng giữ vị trí giám đốc công ty.

Dù được tỉnh tạo điều kiện, nhưng lúc bấy giờ, việc xuất khẩu đá gặp khó do luật về đầu tư nước ngoài chưa có, việc thành lập doanh nghiệp cũng đến năm 92 mới được hợp thức hóa. Việc kinh doanh gặp khó khiến các cổ đông xin rút khỏi công ty.

Đến năm 1998 khi Luật công chức ra đời, những người làm nhà nước như ông Hùng không được làm giám đốc doanh nghiệp. Cuối cùng, công ty giải thể và năm 2000 thì ông Hùng về Hà Nội, làm ăn buôn bán, "kiếm mảnh đất cái nhà".

Đến năm 2004, thì ông nghỉ hẳn công việc ở Nhà nước và quyết định dồn tâm huyết cho làm kinh tế.

11 năm theo đuổi mỏ sắt

Ông Hùng kể lại, năm 2005 là thời điểm cả đất nước như một công trường, sân khấu lớn, khởi công, khánh thành rất sôi động. Với tư tưởng, "cả thung lũng người người hứng mưa vào, mình cũng đưa mũ ra để hứng", ông quyết định thành lập công ty với 3 tiêu chí: trở thành chủ mỏ, chủ nhà máy thủy điện và chủ khu đô thị. Đến nay, 3 tiêu chí ấy, ông gần như đã làm được.

Khoáng sản Thăng Long là doanh nghiệp tư nhân duy nhất tham gia dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Năm 2007, khi Hà Tĩnh kêu gọi nước ngoài đầu tư mỏ sắt Thạch Khê, ông Hùng đã khẳng định quan điểm, "đây là âu vàng trời cho ta phải làm được". Dự án mỏ sắt Thạch Khê với trữ lượng hơn 500 triệu tấn, hàm lượng quặng giàu 60-62%, lớn nhất Đông Nam Á, được Thủ tướng đồng ý cho Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư và khai thác vào năm 2007.

Là công ty tư nhân duy nhất tham gia dự án mỏ sắt Thạch Khê, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long do ông Phạm Lê Hùng làm Chủ tịch HĐQT đã kiên trì theo đuổi dự án này cho đến nay. Công ty Thăng Long đã góp "tiền tươi thóc thật" 235 tỷ đồng, tăng tỷ lệ sở hữu tại TIC từ 3% lên hơn 12%, trong khi Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện sở hữu gần 60% cổ phần dự án này.

Dù vậy, sau những hoạt động thăm dò ban đầu, kể từ năm 2011 đến nay, dự án vẫn gần như trong tình trạng án binh bất động. Câu chuyện của sắt Thạch Khê bắt đầu ‘nóng" trở lại khi cuối năm 2016, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã trình Thủ tướng việc tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, việc hồi sinh mỏ sắt này vấp phải nhiều ý kiến khác nhau.

"Tại thời điểm đó nếu mang lên đấu giá quốc tế, giá trị mỏ sắt Thạch Khê ít nhất là 5 tỷ USD. Bây giờ, giá trị mỏ này vẫn được 5 tỷ USD, tương đương khoảng 120.000 tỷ đồng. Tại sao 11 năm nay tôi vẫn theo đuổi dự án này vì nó quá tốt. Cho dù bây giờ sinh ra nhiều loại thuế nhưng nhà đầu tư vẫn sẽ an toàn. Tổng doanh thu cả đời dự án trong vòng 52 năm ước tính là 35 tỷ USD, đóng ngân sách 10 tỷ, nhà đầu tư vẫn lãi 2 tỷ USD. Khoáng sản Thăng Long với 12% thì sẽ lãi tầm 120 triệu USD", ông Hùng phân tích.

Cho đến thời điểm này, bản thân ông Phạm Lê Hùng, Khoáng sản Thăng Long và TIC vẫn khẳng định mỏ sắt Thạch Khê đủ điều kiện để triển khai và không có lý do gì để phải đình hoãn. Còn trong trường hợp buộc phải dừng thì phải có phương án xử lý thỏa đáng toàn bộ phần vốn góp mà các cổ đông đã bỏ ra.

Ông Phạm Lê Hùng đã trực tiếp gửi "tâm thư" lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rồi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với niềm tin rằng với kinh nghiệm dày dặn của mình, và ý chí quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, lãnh đạo Chính Phủ, Quốc hội sẽ có tiếng nói để dự án này tiếp tục được triển khai.

Tin mới lên