Công nghệ

Doanh nghiệp viễn thông bắt đầu 'ngấm đòn' vì Covid-19, tìm cách bứt phá khỏi câu chuyện 'alo'

(VNF) - Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của các nhà mạng, đặc biệt là thị trường viễn thông di động truyền thống (dịch vụ gọi và sms). Điều này buộc doanh nghiệp phải tìm hướng đi mới, bứt phá khỏi câu chuyện "alo".

Doanh nghiệp viễn thông bắt đầu 'ngấm đòn' vì Covid-19, tìm cách bứt phá khỏi câu chuyện 'alo'

Sản lượng bán hàng từ hoạt động viễn thông di động truyền thống của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh.

Bức tranh kinh doanh "màu hồng" nửa đầu năm

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 6/2021, tổng doanh thu ngành viễn thông đạt gần 66,29 nghìn tỷ đồng (tăng 5,29% so với cùng kỳ năm trước).

Trong đó, dịch vụ viễn thông di động mặt đất đạt 46,33 nghìn tỷ (tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước); dịch vụ viễn thông cố định mặt đất đạt 19,27 nghìn tỷ (tăng khoảng 14,85% so với cùng kỳ năm trước).

Tổng số thuê bao điện thoại cả cả nước là 126,35 triệu (giảm 0,01% so với cùng kỳ năm trước), trong đó số thuê bao điện thoại cố định là 3,32 triệu (giảm 3,61% so với cùng kỳ năm trước), số thuê bao điện thoại di động là 123,03 triệu (tăng 0,09% so với cùng kỳ năm trước).

Tổng số thuê bao băng rộng là 86,27 triệu (tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, số thuê bao băng rộng di động là 68,08 triệu (tăng 5,78% so với cùng kỳ năm trước), số thuê bao băng rộng cố định là 18,18 triệu (tăng 14,65% so với cùng kỳ năm trước).

Còn theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT và Mobifone, bức tranh kinh doanh trong 6 tháng đầu năm cũng khá sáng sủa.

Cụ thể, với Viettel, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của doanh nghiệp này đạt 128.600 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 19.900 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ.

Với VNPT, sau 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của tập đoàn này đạt 26.503 tỷ đồng, hoàn thành 45,6% kế hoạch, tăng 5,1% so với cùng kỳ, trong khi đó lợi nhuận hợp nhất đạt 3.586 tỷ đồng.

Còn với Mobifone, doanh thu phát sinh công ty mẹ đạt 15.551 tỷ đồng, hoàn thành 51,8% kế hoạch năm, tăng 23,6% so cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 2.038 tỷ đồng, hoàn thành 41,5% kế hoạch năm, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trên thực tế, doanh thu mà 3 doanh nghiệp nêu trên báo cáo không phải là doanh thu của riêng mảng viễn thông, mà còn bao gồm nhiều mảng khác.

Bên cạnh đó, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 ảnh hưởng nghiêm trọng vào thời điểm đầu quý III, do vậy, trong báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm vẫn còn màu hồng và chưa phản ánh được những ảnh hưởng mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Bắt đầu "ngấm đòn"

Dù chưa có các thống kê chính xác, nhưng theo chia sẻ của đại diện các nhà mạng, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của các nhà mạng, đặc biệt là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Theo đại diện Vinaphone, việc nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của nhà mạng, đặc biệt là sản lượng bán hàng từ hoạt động viễn thông di động truyền thống (dịch vụ gọi và sms).

Đồng quan điểm, đại diện Mobifone thì cho biết việc thực hiện giãn cách xã hội khiến người dân ở nhà nhiều và làm việc trực tuyến. Điều này dẫn đến các dịch vụ viễn thông cơ bản đặc biệt là thoại sẽ bị sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến doanh thu nhà mạng. 

Trao đổi với VietnamFinance, đại diện Viettel cho hay dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm vẫn đạt được như mục tiêu đề ra, nhưng diễn biến phức tạp của dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.

Đến nay, đã có 95% điểm bán tại TP. HCM và 80% điểm bán tại Hà Nội của Viettel phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động để phục vụ công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, thuê bao di động cũng suy giảm do người dân giảm bớt số lượng sim và cắt giảm tiêu dùng viễn thông.

Sự bão hòa của thị trường viễn thông truyền thống, kèm theo tác động của Covid-19 buộc các doanh nghiệp phải chuyển mình, tìm những không gian mới có dư địa phát triển lớn hơn.

Trong bài chia sẻ mới đây, khi nói về không gian mới của ngành viễn thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đó chắc chắn phải tìm ở bên ngoài viễn thông truyền thống, nhưng phải là rất gần với viễn thông và vẫn phải là hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, nền tảng số, công nghệ số, các dịch vụ phổ cập và thiết yếu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý việc đưa viễn thông xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mọi ngành, chứ không chỉ là câu chuyện "alo" và dữ liệu cho các cá nhân. Lời giải của câu chuyện này là 5G và nếu làm tốt 5G sẽ tạo ra tăng trưởng 3% mỗi năm cho viễn thông.

5G sẽ là không gian mới để doanh nghiệp viễn thông bứt phá.

Không gian mới cũng có thể là Cloud Computing, cấu thành quan trọng nhất của hạ tầng số. Các doanh nghiệp viễn thông phải coi đây là hạ tầng mới của ngành viễn thông.

Không gian mới cũng có thể là các Platform cung cấp dịch vụ, hoặc cung cấp các công nghệ như dịch vụ. Trong không gian mạng thì hạ tầng chính là các Platform. Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam phải làm chủ những Platform quan trọng nhất trên không gian mạng vì đây là vấn đề chủ quyền quốc gia. Bởi vì Platform chính là dữ liệu.

Không gian mới tiếp theo là công nghiệp điện tử, tập trung vào IoT và điện tử y tế, một thị trường 8-10 tỷ USD vào năm 2025. Chỉ 2% ở đây thì đã là 200 triệu USD. Đây là lĩnh vực rất gần với viễn thông, gần với 5G...

Ngoài ra, thương mại điện tử và logistics của Việt Nam có thị trường lên tới trên 65 tỷ USD vào năm 2025 (12-15% GDP). Lớn hơn rất nhiều lần thị trường viễn thông, tăng trưởng cao hơn hàng chục lần so với viễn thông, nhưng điều đáng tiếc là "trận địa" này đang thuộc nhiều về doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, Bộ trưởng cho rằng doanh nghiệp viễn thông cần giành lại "miếng bánh" này.

Tùy thuộc vào thế mạnh về hạ tầng, nguồn lực, mỗi doanh nghiệp có mỗi hướng phát triển khách nhau. Với Viettel, đại diện doanh nghiệp này cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong công tác quản trị cũng như ứng dụng triệt để công nghệ để thúc đẩy kinh doanh và chăm sóc khách hàng trên các kênh trực tuyến.

Tập đoàn Viettel cũng đang tiếp tục mở rộng việc nghiên cứu lĩnh vực AI trong các lĩnh vực y tế, viễn thám, công nghiệp. Nhà mạng này cũng đã thử nghiệm trạm micro 5G trên mạng lưới đạt các chỉ tiêu kỹ thuật, đảm bảo lộ trình sẽ thương mại hóa vào cuối năm 2021.

Với VNPT, đại diện doanh ngiệp này cho biết đã có những hành động cụ thể như điều chỉnh chính sách động lực, cơ cấu lại sản phẩm, tổ chức kinh doanh các sản phẩm hiện có, nâng tốc độ các gói cước di động… VNPT cũng đẩy mạnh hợp tác với các khách hàng là các tổng công ty, tập đoàn, ngân hàng, hiệp hội… tiếp tục triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với UBND các tỉnh, thành phố trên các nước về chuyển đổi số.

Tương tự, Mobifone cũng quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang công ty công nghệ, cung cấp hạ tầng số, dịch vụ số và nội dung số.

Cụ thể, doanh nghiệp này sẽ tập trung phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ mạng di động 5G; xây dựng và phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao; triển khai các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), Big Data và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR); nhanh chóng triển khai các giải pháp công nghệ thông tin và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng thử nghiệm dịch vụ Mobile Money.

Tin mới lên