Thị trường

Doanh nghiệp Việt giữa cuộc chơi RCEP: Đã yếu lại còn gặp... Trung Quốc

(VNF) – So với các thành viên trong khối RCEP, các doanh nghiệp Việt Nam yếu kém về quy mô vốn, năng lực thiết bị, trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý và lao động. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ ở thế bất lợi trong việc chiếm lĩnh thị trường các nước so với Trung Quốc.

Doanh nghiệp Việt giữa cuộc chơi RCEP: Đã yếu lại còn gặp... Trung Quốc

Doanh nghiệp Việt giữa cuộc chơi RCEP: Đã yếu lại còn gặp... Trung Quốc

Lép vế trước Trung Quốc

Trong báo cáo đánh giá về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định một thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam là RCEP có thể tạo ra nguy cơ chuyển hướng thương mại, cụ thể hơn là gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc.

Hiện nay, Việt Nam đang có ưu thế cạnh tranh một cách tương đối so với Trung Quốc nhờ Hiệp định Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), và các Hiệp định ASEAN+1. Nhưng với RCEP, Trung Quốc có thêm ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào các thị trường này và sẽ gia tăng cạnh tranh hơn nữa với Việt Nam cũng như với các nước ASEAN.

Chẳng hạn, hiện nay theo hiệp định, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản hưởng mức thuế ưu đãi là khoảng 10%, trong khi mức thuế áp cho hàng dệt may Trung Quốc là 15 - 20%. Một ví dụ khác, Nhật Bản áp mức thuế dưới 5% cho sản phẩm da giày của Việt Nam và 30% cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Song nhờ RCEP, Trung Quốc có thể được hưởng ưu đãi thuế và do đó làm mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

CIEM đánh giá: so với các thành viên trong khối, các doanh nghiệp Việt Nam yếu kém về quy mô vốn, năng lực thiết bị, trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý và lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may, sẽ ở thế bất lợi hơn nhiều trong việc chiếm lĩnh thị trường các nước so với Trung Quốc, bởi các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất hàng loạt, giao hàng hàng loạt, giá thành rẻ hơn, mẫu mã đẹp hơn.

CIEM cũng lo ngại về khả năng ngành nông thủy sản trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực bởi RCEP. Trên thực tế, Trung Quốc, Australia và New Zealand xuất khẩu nhiều sản phẩm nông sản trong khi các nước ASEAN lại có sức cạnh tranh trong lĩnh vực thủy sản.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức chuyển hướng thương mại của Nhật Bản và Hàn Quốc khi các nước này mở cửa thị trường của mình cho Trung Quốc. Nếu tác động chuyển hướng thương mại lớn hơn so với tác động thúc đẩy tăng thương mại thì xét tổng thể, RCEP sẽ đem lại kết quả tiêu cực với Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá là có lợi thế cạnh tranh đối với một số sản phẩm nông thủy sản và công nghiệp, tuy nhiên chủ yếu vẫn là sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp, chất lượng chưa cao. Trong khi đó, cơ cấu xuất khẩu 2 ngành này của Việt Nam lại tương đồng với các nước khác trong ASEAN, Trung Quốc; mức độ tương đồng xuất khẩu với Hàn Quốc và Ấn Độ cũng ngày càng tăng. Điều này tạo áp lực cạnh tranh tăng giữa Việt Nam với các nước trong khối.

Gia tăng nhập siêu

Theo CIEM, với RCEP, ngành sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn là hàng hóa từ các nước khác có thể đưa vào Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn.

Trường hợp doanh nghiệp từ các đối tác trong RCEP không điều chỉnh giá trước thuế nhập khẩu, hàng của họ vẫn sẽ cạnh tranh hơn về giá khi vào Việt Nam và có thể gây áp lực đối với nhập siêu.

Nếu doanh nghiệp ở các nước RCEP dùng phần chi phí tiết kiệm được từ thuế nhập khẩu để gia tăng đầu tư cho công nghệ, chất lượng sản phẩm thì phần giá trước thuế có thể không thay đổi, nhưng lượng nhập khẩu lớn hơn. Khi đó, hệ lụy đối với nhập siêu của Việt Nam sẽ còn lớn hơn. Thực tế nhập siêu giai đoạn trước 2020 với các nước RCEP ít nhiều đã phản ánh lo ngại này.

Hàm ý của gia tăng nhập siêu từ khu vực RCEP đối với mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam còn đáng lưu tâm hơn. Một mặt, gia tăng nhập siêu có thể gây áp lực đối với cán cân thanh toán và thị trường ngoại hối, qua đó ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô và dư địa chính sách tiền tệ ở Việt Nam – điều luôn được quan tâm trong những thập niên gần đây.

Mặt khác, ngay cả khi gia tăng nhập siêu từ RCEP có thể được bù đắp bởi thặng dư thương mại từ các thị trường khác, rủi ro hàng xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra lẩn tránh thuế vẫn hiện hữu, qua đó ảnh hưởng đến lựa chọn điều hành xuất khẩu ở cả cấp chính sách và cấp doanh nghiệp.

Tin mới lên