Công nghệ

Doanh nghiệp Việt nỗ lực đẩy hàng tiêu dùng lên kênh mua sắm trực tuyến

(VNF) - Số liệu từ iPrice Group và SimilarWeb cho thấy lượng truy cập vào các website bách hóa tăng hơn 41%. Tương tự, lượng truy cập vào các website ngành hàng mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe tăng 21%. Bách hóa và thực phẩm tươi sống đang là hướng cạnh tranh dài hạn của các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Doanh nghiệp Việt nỗ lực đẩy hàng tiêu dùng lên kênh mua sắm trực tuyến

Mua sắm hàng tiêu dùng lên kênh trực tuyến ngày càng tăng

Tổng số lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam trong nửa đầu 2020 đạt 12,7 tỷ, cao nhất từ trước đến nay và tăng 43% so với trước đó. Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam xếp thứ 3 sau Philippines và Thái Lan, đồng thời cũng vào top 3 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Thái Lan) về tổng lượng truy cập các ứng dụng mua sắm trực tuyến, chiếm 19,5% thị phần toàn khu vực.

Việc thương mại điện tử lan tỏa lên ứng dụng di động cũng đang nở rộ, hiện Tiki có TikiLive, Shopee có Shopee Feed, Sendo có SenLive…

Trong nửa đầu năm 2020, số lượng giao dịch qua điện thoại di động tại Việt Nam đạt tới con số hơn 472 triệu giao dịch, với giá trị 4,9 triệu tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 178% và 177% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Nielsen, 57% người dân Việt Nam sẵn sàng sử dụng công nghệ thực tế ảo để tiếp cận với sản phẩm mới. Ngoài ra, có tới 43% người Việt nói sẽ sử dụng các app để điều hướng trong cửa hàng cho các sản phẩm và chương trình khuyến mãi.

Với gần 45 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2025 có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số khoảng 35 tỷ USD. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.

Ở hệ thống siêu thị Co.opmart, lãnh đạo Saigon Co.op cho biết, thanh toán không tiền mặt ở hệ thống tăng mạnh trong khoảng một năm gần đây. Cụ thể, từ mức 3%-5% trong năm 2019, hiện nay doanh số thanh toán không tiền mặt đã chiếm gần 21%, tức tăng gấp 7 lần, chủ yếu từ ví điện tử, thẻ thanh toán các loại, voucher điện tử, dịch vụ thu hộ... Theo kế hoạch đặt ra trước đó, trong 5 năm, Saigon Co.op sẽ tăng tỉ lệ thanh toán không tiền mặt tại hệ thống lên 30%. 

Cùng với các nhà bán lẻ, hiện nhiều tiểu thương, chủ tiệm tạp hóa tại TP. HCM cũng đang thích ứng với hình thức thanh toán này. Tại các khu chợ như Bến Thành (quận 1), An Đông (quận 5), Kim Biên, Bình Tây (quận 6)… nhiều tiểu thương ở những chợ này đã đầu tư máy cà thẻ, hoặc dùng ví điện tử để thực hiện thanh toán cho khách mua sắm. 

Tin mới lên