Thị trường

Doanh nghiệp Việt ở Đức tính chuyện bắt tay để cạnh tranh nơi đất khách

(VNF) - Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Đức đang muốn xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp mạnh, đoàn kết và phát triển tại nước này.

Doanh nghiệp Việt ở Đức tính chuyện bắt tay để cạnh tranh nơi đất khách

Ngày 28/12/2015 (giờ Việt Nam), tại Trung tâm Thương mại VietHaus, đã diễn ra Đại hội lần thứ 5 Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức với sự tham dự của ông Đoàn Xuân Hưng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN VIệt Nam tại CHLB Đức.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức đã có nhiều hoạt động thiết thực với cộng đồng doanh nghiệp như tư vấn miễn phí về luật pháp kinh doanh cho hội viên, và kể cả không phải hội viên.

Tháng 3/2013, Hội đã kết hợp với tổ chức hợp tác quốc tế (GIZ) là cánh tay nối dài của Bộ hợp tác và phát triển của liên bang tổ chức thành công hội thảo kinh tế đầu tiên cho 24 doanh nghiệp Việt Nam cùng các doanh nghiệp Việt và Đức tại Berlin.

Tháng 5/2013, ban chấp hành Hội đã tham gia chuyến thăm và động viên bà con, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa. Trong đợt này, Hội đã trao tặng quân dân trên đảo số tiền 200 triệu đồng và 250 chiếc quạt máy cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn và nhà giàn TK1.

Năm 2015 là một năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt – Đức. Sự kiện đáng chú ý nhất là tổ chức thành công lễ hội "Hội nhập và Phát triển" cho cộng đồng người Việt Nam tại đây, thu hút hơn 10 ngàn người tham dự.

Tại Đại hội, các hội viên và khách mời đã thảo luận sôi nổi, mang tính chất xây dựng nhằm có một cộng đồng doanh nghiệp mạnh, đoàn kết và phát triển tại CHLB Đức. Một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều là tiếp tục củng cố và phát triển văn hoá doanh nghiệp, kết nạp thêm nhiều trí thức vào Hội và Ban chấp hành hội để nâng tầm của các doanh nghiệp Việt Nam tại đây.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng Giám đốc Trung tâm Thương mại Đồng Xuân cho rằng: Người Việt rất khó kinh doanh các ngành nghề thế mạnh của người Đức, và để có thể cạnh tranh được thì người Việt cần phải đoàn kết, cộng tác với nhau.

Còn ông Nguyễn Hữu Tráng, tham tán công sứ Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cho rằng, người Việt cần đổi mới phương thức kinh doanh để kịp thời điều chỉnh, ứng phó với những sự thay đổi trong tương lai gần.

 

 

Tin mới lên