Tài chính

Doanh nghiệp xây dựng 9 tháng: Vỡ mộng

(VNF) - Kỳ vọng về một năm hồi phục mạnh mẽ sau dịch đã tan thành bọt biển. So sánh với những mục tiêu doanh thu, lợi nhuận sáng ngời đầu năm, kết quả kinh doanh đạt được trong 9 tháng qua chỉ có thể gói trong hai từ: thất vọng.

Doanh nghiệp xây dựng 9 tháng: Vỡ mộng

Năm 2022 đã khởi đầu không hề tệ đối với nhóm ngành bất động sản - xây dựng. Đó có lẽ là lý do mà các “đại gia” trong ngành tỏ ra lạc quan về một năm làm ăn khấm khá. Mùa đại hội cổ đông năm nay, các “đại gia” đã trình ra những bản kế hoạch đầy tham vọng, với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ so với năm trước.

Chẳng hạn như: Hòa Bình (HoSE: HBC) đặt mục tiêu 17.500 tỷ đồng doanh thu và 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 54% và 261% so với kết quả thực hiện năm 2021. Con số này của Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC) là 7.458 tỷ đồng doanh thu và 265 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trưởng 21% và 10%; của Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN) là 7.458 tỷ đồng doanh thu và 265 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trưởng 21% và 10%; của Coteccons (HoSE: CTD) là 15.010 tỷ đồng doanh thu và 20 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 65% và giảm 17%...

Thế nhưng, đời không như là mơ. Những diễn biến quá bất ngờ sau mùa đại hội cổ đông đã làm tan vỡ những kỳ vọng thuở ban đầu. Kết 9 tháng, các “đại gia” mới chỉ hoàn thành được một phần nhỏ tham vọng, thậm chí có đơn vị còn đối diện với tình trạng thua lỗ.

Ai công hầu, ai khanh tướng

Làng xây dựng Việt Nam, hơn một thập niên qua, là cuộc tranh ngôi giữa hai “đại gia” HBC và CTD. CTD đã dẫn trước suốt một thời kỳ dài, để rồi lại đánh mất ngôi vua vào tay HBC. Cho đến năm 2022, tình thế vẫn chưa có gì đổi khác.

Quý III/2022, HBC ghi nhận 3.778 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng tới 80% so với cùng kỳ năm trước, đứng đầu trong nhóm “tứ đại gia” ngành xây dựng dân dụng - thương mại đang niêm yết (cùng với CTD, HTN, PHC). Lợi nhuận gộp đạt 282 tỷ đồng, tăng 2,4 lần, giúp biên lợi nhuận gộp đạt tới 7,46% (cao hơn nhiều so với cùng kỳ chỉ 5,54%). Bên cạnh đó, HBC có thêm 34 tỷ đồng doanh thu tài chính. Do vậy, dù phải chịu các loại chi phí tăng cao, HBC vẫn có lợi nhuận trước thuế tăng 65%, đạt 25 tỷ đồng.

Trong khi đó, CTD tiếp tục trình diễn một phong độ đáng buồn. Tuy có doanh thu thuần tăng gấp 3 lần, đạt 3.113 tỷ đồng, song lợi nhuận gộp lại chỉ 33 tỷ đồng, khiến biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 1,05% - thấp nhất trong “tứ đại gia”. Điểm sáng trong quý là doanh thu tài chính 83 tỷ đồng. Song với chi phí quá cao, CTD đã lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 36 tỷ đồng. Và khoản lợi nhuận khác trị giá 33 tỷ đồng là không đủ để cứu công ty thoát khỏi tình trạng thua lỗ. Kết quý III/2022, CTD báo lỗ trước thuế 3 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 2 liên tiếp trong năm nay (quý II/2022, CTD lỗ trước thuế 27 tỷ đồng).

Tuy nhiên, chuyện buồn không chỉ mỗi CTD gánh chịu. Chí ít, PHC cũng là kẻ “đồng bệnh tương liên”. Quý III/2022, doanh thu thuần của PHC đạt 399 tỷ đồng, tăng 80%, nhưng do giá vốn tăng cao, lợi nhuận gộp chỉ còn 29 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 27% và chi phí quản lý tăng gấp đôi đã làm nốt phần còn lại là “ăn cho mòn” khoản lợi nhuận gộp khiêm tốn này. Kết quý, PHC chỉ có lợi nhuận trước thuế 365 triệu đồng, giảm 97%. Khấu trừ thuế, khoản lợi nhuận teo tóp còn 52 triệu đồng.

HTN cũng có phần bi kịch tương tự khi doanh thu thuần quý III/2022 đạt 1.004 tỷ đồng (tăng 53%) nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ 5,7 tỷ đồng (giảm 80%). Dù vậy, HTN sáng hơn cả ở biên lợi nhuận gộp cao nhất “bộ tứ”, đạt 8,46%.

Đích còn xa

Kết quả quý III/2022 đã đóng góp thêm một phần sức lực vào hành trình tới đích của các doanh nghiệp xây dựng nêu trên. Song, sự đóng góp này vẫn là khiêm tốn.

Lũy kế 9 tháng, HBC có 10.904 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 45%; lợi nhuận trước thuế 113 tỷ đồng, tăng 13% (lợi nhuận sau thuế 61 tỷ đồng). Như vậy, HBC mới chỉ hoàn thành 62% mục tiêu doanh thu và 17% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.

Tương tự là CTD, 9 tháng, doanh thu thuần đạt 8.306 tỷ đồng, tăng 34%; lợi nhuận sau thuế 1,9 tỷ đồng, giảm 98%; hoàn thành 55% mục tiêu doanh thu và gần như nằm ngoài “vùng phủ sóng” của mục tiêu lợi nhuận.

PHC cũng không khá hơn là bao. Với 1.108 tỷ đồng doanh thu thuần và 15,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế 9 tháng, công ty mới chỉ hoàn thành 41% mục tiêu doanh thu và 26% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.

HTN có vẻ “ổn” nhất trong “bộ tứ” với 4.249 tỷ đồng doanh thu và 133 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng, lần lượt hoàn thành 57% mục tiêu doanh thu và 50% mục tiêu lợi nhuận.

Dù vậy, có thể thấy, các doanh nghiệp nói trên gần như không còn cơ hội hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay, bởi từ quý III/2022, thị trường bất động sản đã xấu đi rất nhiều và tình trạng này sẽ vẫn tiếp tục trong quý IV/2022, thậm chí còn nặng nề hơn.

Trường hợp đặc biệt

Ngoài nhóm “bộ tứ” nêu trên, thị trường xây dựng dân dụng - thương mại còn có một số tên tuổi lẫy lừng khác, như: Delta, Ecoba, Newtecons, Ricons, Central Cons… Trong số này, chỉ có Ricons - doanh nghiệp phi niêm yết nhưng lại công bố báo cáo tài chính như các doanh nghiệp niêm yết. Và trong 9 tháng năm 2022, Ricons cũng là một trường hợp đặc biệt, khi đã cho thấy một sức trẻ ấn tượng, khác biệt với phần còn lại.

Quý III/2022, doanh thu thuần của Ricons đạt 3.591 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm trước, chỉ kém HBC và vượt qua “người bà con xa” CTD cùng các “đại gia” còn lại. Lợi nhuận trước thuế tăng gấp 4,5 lần, đạt 43 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của Ricons tăng 67%, đạt 8.356 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 26%, đạt 103 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 29%, đạt 80,5 tỷ đồng.

Năm 2022, Ricons đặt kế hoạch doanh thu 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 25% so với thực hiện trong năm 2021. Với kết quả kinh doanh 9 tháng nêu trên, Ricons đang có cơ hội lớn để hoàn thành kế hoạch và lần đầu tiên chạm đến ngưỡng 10.000 tỷ đồng doanh thu - điều mà CTD, HBC đã đạt được vào các năm 2015, 2016.

Tuy nhiên, điểm trừ của Ricons là biên lợi nhuận gộp rất thấp: quý III/2022 chỉ 1,9% (hơn mỗi CTD), 9 tháng chỉ 2,07% (thấp hơn cả 4 đại gia nêu trên). Trên thực tế, không phải đến bây giờ Ricons mới “sở hữu” biên lợi nhuận gộp thấp như vậy. Cùng với đà tăng trưởng doanh thu ấn tượng, biên lợi nhuận gộp của Ricons đã suy giảm đáng kể trong các năm gần đây - một biểu hiện cho phép giới quan sát suy luận rằng công ty này đang lấy giá làm phương tiện chiến lược để mở rộng thị phần, nhất là trong bối cảnh các “đại gia” như HBC, CTD sa sút nghiêm trọng.

Ricons đã tiến bước trên một hành trình dài, kể từ khi còn là một thầu phụ cho CTD, và vượt ngưỡng doanh thu 4.000 tỷ đồng cách đây 6 năm, để trở thành một trong những doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam, xét theo doanh thu. Với cấu trúc tài chính khá lành mạnh, mang đậm dấu ấn của cựu chủ tịch CTD Nguyễn Bá Dương, Ricons được nhìn nhận sẽ còn tiến xa.

Nhưng trước khi nhìn dài rộng, giới đầu tư vẫn cần đợi thêm 2 tháng để nhìn lại một năm 2022, để xem giữa vòng trần ai này, ai dễ biết ai.

Tin mới lên