Tài chính

Doanh nghiệp xuất khẩu 220.000 tấn gạo nếp mỗi năm đứng bên bờ vực phá sản

Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ - đơn vị xuất khẩu trung bình 220.000 tấn gạo nếp, tấm nếp cho rằng, doanh nghiệp này đang đứng trên bờ vực phá sản khi gạo nếp không phải mặt hàng thuộc diện dự trữ lương thực quốc gia lại không thể xuất khẩu, kéo theo hệ luỵ về bao tiêu 50.000 hecta của nông dân, cũng như thất nghiệp của 400 nhân viên.

Doanh nghiệp xuất khẩu 220.000 tấn gạo nếp mỗi năm đứng bên bờ vực phá sản

Cụ thể, theo đơn cầu cứu của doanh nghiệp này gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, theo Quyết định của Thủ tướng đã được Bộ Công thương đề xuất việc áp dụng hạn ngạch 400.000 tấn xuất trong tháng 04/2020, nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Hoàn toàn đồng ý chỉ đạo trên, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Hoà, mặt hàng gạo nếp và tấm nếp là mặt hàng không thuộc diện dự trữ lương thực quốc gia, không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và đang xuất sang Trung Quốc chủ yếu để làm bột. 

“Trong khi khách hàng đang có nhu cầu cao, chúng tôi có thể xuất khẩu với giá cao, mang lại lợi ích cho nước nhà, nông dân và doanh nghiệp thì chúng tôi lại không được phép xuất khẩu và cũng không thể tiêu thụ trong nước”, ông Hoà nói. 

Đại diện này nói rằng, công ty đang đứng trước bờ vực phá sản, kéo theo nhiều hệ luỵ như hộ nông dân đã được bao tiêu trồng lúa nếp không thể tiêu thụ (khoảng 50.000 hecta tại Long An và An Giang), ngân hàng không thu được nợ (công ty đang nợ ngân hàng Vietinbank hơn 300 tỷ đồng), 400 công nhân viên công ty thất nghiệp.

Hiện, Dương Vũ đã đóng 500 container, tương đương 12.500 tấn gạo nếp và tấm nếp đã lưu container từ ngày 20/03 nhưng chưa kịp xuất khẩu do đặc thù hàng đi Trung Quốc phải khử trùng tại kho 5 ngày thì đến ngày 24/03, Chính phủ có quyết định dừng xuất khẩu. 

“Điều này gây thiệt hại rất lớn cho công ty và có nguy cơ phá sản vì thời gian hàng lưu kho hơn 23 ngày. Nay lại không thể khai báo hải quan, nếu kéo dài hết tháng 05 thì chất lượng hàng hoá xuống cấp, khách hàng yêu cầu bồi thường, huỷ hợp đồng nếu không giao kịp trong tháng 04/2020”, giám đốc công ty Dương Vũ chia sẻ và cho biết, nhà máy đã phải dừng hoạt động.

Do gạo nếp và tấm nếp là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong 12 năm qua, do đó, việc không thể thông quan với mặt hàng này sẽ khiến doanh nghiệp này buộc phải phá sản.

Đơn vị này khẩn cầu Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành “cứu lấy doanh nghiệp khỏi bờ vực phá sản, cho phép xuất khẩu gạo nếp và tấm nếp bình thường, không nằm trong hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 04/2020”.

Bộ Tài chính đã có văn bản 3905 gửi Bộ Công thương, kiến nghị vẫn xuất gạo nếp, gạo đồ, gạo thơm bình thường, chỉ tạm dừng xuất gạo tẻ đến hết ngày 15/6/2020 nhằm đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia theo Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch giao chỉ tiêu dự trữ quốc gia năm 2020 là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa.

Tin mới lên