Thị trường

Doanh nghiệp xuất khẩu tự tin vào triển vọng tăng trưởng từ nay đến cuối năm

(VNF) - Theo Tổng cục thống kê, tháng 7/2022, hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tăng trưởng khá, ước đạt 30,32 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp xuất khẩu tự tin vào triển vọng tăng trưởng từ nay đến cuối năm

Xuất khẩu đón nhận nhiều thông tin tích cực trong 7 tháng năm 2022

Xuất siêu trong tháng 7/2022

Tháng 7/2022, báo cáo Tổng cục Tống kê cho biết, xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục duy trì mức xuất siêu 764 triệu USD. Đây là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 33,7 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 24,9 tỷ USD, tăng 24,1%; hàng dệt may đạt 22,1 tỷ USD, tăng 19,8%; giày dép đạt 14,1 tỷ USD, tăng 19,6%.

Xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 56,2% so với cùng kỳ năm 2021; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 192 tỷ USD, tăng 16%; nhóm hàng nông, lâm sản ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 5,4%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 32,9%.

Bộ Công Thương cho biết điểm đáng chú ý là khu vực kinh tế trong nước ngày càng khẳng định vai trò đóng góp của mình khi có giá trị kim ngạch xuất khẩu 7 tháng 56,99 tỷ USD, tăng 17%, cao hơn mức tăng 15,7% của khu vực có vốn FDI (kể cả dầu thô), chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng đầu năm trở thành “điểm sáng” khi đạt hơn 32 tỷ USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.

1

Nghiên cứu làm mới sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường giúp doanh nghiệp vượt khó

Đó là nhờ các doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thường xuyên nghiên cứu phương pháp, làm mới sản phẩm, tìm kiếm thị trường để mở rộng xuất khẩu.

Ví dụ như, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại thuận lợi cho tôm và cá tra vốn là xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Nhưng tận dụng các ưu đãi thuế quan chỉ là một phần, quan trọng hơn đó là tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối của các hệ thống siêu thị ở châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới

Đẩy mạnh phát triển thị trường những tháng cuối năm

Đến nay, dù vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu, thiếu lao động và biến động giá đầu vào khó lường. Tuy nhiên, theo ghi nhận của VietnamFinance, tình hình chung khá tích cực.

Đánh giá tình hình những tháng cuối năm, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, ngành còn đối mặt với rất nhiều thách thức. Cụ thể, hiện nay lượng tồn kho đối với mặt hàng thời trang nói chung và giày dép nói riêng đang khá lớn. Tuy nhiên về tổng thể là khá tốt, đặc biệt đơn hàng xuất khẩu rất khả quan.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hiện nay các thị trường có FTA với Việt Nam đang có sự tăng trưởng xuất khẩu rất cao, từ 12 - 34%. Riêng một số thị trường riêng lẻ như Canada, Mexico đều tăng trưởng rất lớn, lên đến 30%.

Điều này cho thấy đến cuối năm nay, khả năng xuất khẩu sẽ tăng mạnh là khả thi. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ khi triển khai hàng loạt giải pháp cụ thể.

Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thịnh, chuyên xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho biết, ông đã định hình là sẽ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nên đã đầu tư sâu vào nhân lực, máy móc. Việc tham gia chuỗi cung ứng đối với doanh nghiệp đã trở nên tương đối, không còn khó nữa.

"Chúng tôi tìm mọi cách duy trì họat động nghiên cứu phát triển sản phẩm có tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường Âu, Mỹ. Ở Úc, Nhật khách hàng cũng đang rất quan tâm", ông Vương Quan Trường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp và Thiết bị chiếu sáng VI LIGHT, chia sẻ.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho rằng dịch COVID-19 làm giảm sức mua của người tiêu dùng, tuy nhiên ở Mỹ, châu Âu, dịch bệnh đã khống chế tốt nên sức mua hiện tại và cuối năm sẽ tăng mạnh.

Các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đã và đang chuẩn bị rất tốt cho kế hoạch đến cuối năm, tuy nhiên không vì vậy mà thiếu cẩn trọng vì tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường. Doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường và có những giải pháp xử lý phù hợp.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM, cho biết doanh nghiệp cần cẩn trọng đàm phán với đối tác nước ngoài và đưa ra những chương trình cắt giảm chi phí, giãn đơn hàng thay vì chờ giá nguyên liệu ổn định trở lại, đồng thời tập trung nhiều hơn cho những thị trường ít bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu.

Bộ Công Thương cũng cho biết, trong thời gian sắp tới, sẽ thực hiện chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất như hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới.

Tin mới lên